“Khi chúng ta đang ngồi đây, thì hôm qua, ở Quảng Ninh, có một em gái bị buôn bán và cưỡng hiếp…”, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA), mở đầu bài phát biểu bằng một câu chuyện đau lòng tại tọa đàm trực tuyến “Nhà báo với vấn đề bạo hành phụ nữ và trẻ em” do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) phối hợp Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (SJC) thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học quốc gia Hà Nội) tổ chức hồi tuần trước.
Vấn đề bảo vệ phụ nữ và trẻ em khỏi nạn bạo hành, xâm hại được các tổ chức, bộ, ngành, cơ quan liên quan đặt ra thường xuyên nhằm gia tăng bình đẳng giới, xóa bỏ phân biệt đối xử và bạo lực giới, đồng thời thúc đẩy các giải pháp để bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Những câu chuyện như bà Vân Anh kể thường được đề cập, chia sẻ tại rất nhiều diễn đàn và được báo chí phản ánh mỗi khi có vụ việc cụ thể xảy ra. Vậy mà, tình trạng bạo lực, xâm hại để lại những ám ảnh cho các nạn nhân vẫn chưa có hồi kết.
Theo điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH) phối hợp Tổng cục Thống kê và Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc thực hiện, cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (62,9%) từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần, kinh tế, hay kiểm soát hành vi do chồng/bạn tình gây ra. Tuy nhiên, 90,4% số phụ nữ từng bị bạo lực như thế không tìm kiếm sự giúp đỡ từ cơ quan chức năng vì nhiều nguyên nhân, trong đó có tâm lý e ngại điều tiếng và cả sự cam chịu... Theo thống kê của Bộ Công an, năm 2020, cả nước phát hiện 1.945 vụ, xâm hại 2.008 trẻ em (trong đó có 1.349 vụ xâm hại tình dục, 1.576 trẻ em bị xâm hại tình dục). Khoảng 97% số vụ được phát hiện, những kẻ xâm hại tình dục có quen biết với nạn nhân - điều mà có lẽ ít cha mẹ nào ngờ được.
Những con số nói trên mang đến cảm giác xót xa, qua đó gióng lên hồi chuông về sự cần thiết và cấp bách phải thúc đẩy các giải pháp và hành động bình đẳng giới, bảo vệ phụ nữ cũng như trẻ em khỏi tình trạng bạo hành, xâm hại.
Vậy thì truyền thông phải ứng xử như thế nào để xoa dịu nỗi đau, để những nạn nhân không bị tổn thương thêm một lần nữa và để hạn chế đến mức thấp nhất những vụ bạo lực, xâm hại? Truyền thông là giải pháp quan trọng nhất nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, góp phần xóa bỏ định kiến, tiến tới thực hiện bình đẳng giới thực chất. Tuy nhiên, trước áp lực chạy đua thời gian đưa tin, tăng view, tăng doanh thu, có lúc, có khi, việc đưa tin đã sa đà vào tường thuật vụ việc mà bỏ qua những chuẩn mực đạo đức.
Tại cuộc tọa đàm nói trên, nhà báo Lê Xuân Trung, Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ cho rằng, nếu quá tập trung vào thực trạng sẽ thấy từng vụ việc không mới, nhưng nạn bạo hành phụ nữ, trẻ em là vấn đề xã hội lớn, cần được xem xét về vi phạm nhân quyền. Theo đó, báo chí cần tập trung vào tính vấn đề và bản thân nhà báo - bằng kiến thức cũng như sự đồng cảm khi tác nghiệp - sẽ có góc nhìn nhân văn, tránh khơi gợi lại nỗi đau cho nạn nhân và gia đình.
Chúng ta đang ở trong “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2021” (diễn ra từ ngày 15-11 đến 15-12), do Bộ LĐ, TB&XH phối hợp với các cơ quan Liên Hợp Quốc tại Việt Nam phát động. Chủ đề của tháng - “Bảo đảm an sinh xã hội, tăng quyền năng, tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái” - là thông điệp kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội trong việc thúc đẩy bình đẳng giới thực chất; phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử và bạo lực giới không phải là câu chuyện một sớm một chiều. Song, “sẽ không có bình đẳng giới nếu không có sự tham gia của nam giới trong công việc gia đình và chấm dứt bạo hành với phụ nữ cũng như trẻ em gái”, như Thứ trưởng Bộ LĐ, TB&XH Nguyễn Thị Hà đã nhấn mạnh tại lễ phát động Tháng hành động hôm 12-11. Sẽ không có bình đẳng giới nếu truyền thông chạy theo thời sự và câu view, đặt nặng “báo chí thực trạng” mà bỏ qua “báo chí giải pháp”.
Đưa tin tử tế luôn là yêu cầu đặt ra với truyền thông trong mọi sự việc. Tử tế là một chuẩn mực đạo đức quan trọng trong cuộc sống, là một phép tắc cần thiết trong giao tiếp và trong đối nhân xử thế. Cẩm nang “Đưa tin về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” của UNESCO phiên bản tiếng Việt sắp được ra mắt nhằm khuyến khích việc đưa tin có đạo đức về bạo lực giới. Hy vọng bình đẳng giới không còn là khẩu hiệu mà thực sự đi vào cuộc sống, xuất hiện phổ biến trên mặt báo với góc nhìn sẻ chia, với giải pháp nhân văn, thì sẽ phát huy sức mạnh thay đổi hành vi và định hướng tư duy của mọi người, từ đó góp phần làm cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.
TÚ PHƯƠNG