Với áp lực của cuộc sống hiện đại, ngày càng có nhiều thiếu niên và trẻ em trở nên trầm cảm, cần sự hỗ trợ của các trung tâm hỗ trợ tâm lý và bệnh viện tâm thần. Tuy nhiên, để giúp các em phòng tránh trầm cảm và phục hồi tâm lý, sớm hòa nhập cộng đồng thì rất cần sự chung tay của cả gia đình và xã hội.
Trẻ em tham gia trị liệu tâm lý tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng. Ảnh: Đ.L |
Theo Trung tâm Công tác xã hội (CTXH) thành phố, trong năm 2021 có 5.046 cuộc gọi đến tổng đài tư vấn, tham vấn; hơn 205 cuộc kết nối can thiệp hỗ trợ tâm lý. Đặc biệt, trong 5.238 cuộc tiếp nhận từ Tổng đài 111 khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên do trung tâm quản lý, có 565 cuộc gọi từ người dân và trẻ em trên địa bàn Đà Nẵng nhờ tư vấn và kết nối can thiệp hỗ trợ, tăng 25 cuộc so với năm 2020. Các cuộc gọi của trẻ em đa phần là mâu thuẫn với bạn bè, thầy cô, cha mẹ, áp lực học tập, thi cử hay bắt nạt ở trường học…
Áp lực từ gia đình và xã hội
Sau khi gọi đến Tổng đài 1022 - Tổng đài dịch vụ công thành phố được kết nối với Trung tâm CTXH thành phố, em A. (xin giấu tên) học THCS được đưa đến bệnh viện để điều trị thể chất vì bị một nhóm phụ huynh đánh tập thể. A. thu mình lại và không muốn tiếp xúc với người khác. Trung tâm đã hỗ trợ tư vấn tâm lý; đồng thời phối hợp gia đình và nhà trường thiết lập các mối quan hệ cho A. với các bạn trong lớp.
Còn em B. (xin giấu tên) - học sinh lớp 8 - do xích mích với một bạn trên mạng xã hội nên em khủng hoảng tinh thần và không muốn đi học nữa. B. trở nên xa cách bạn bè, dường như không có hứng thú với điều gì, thậm chí với cả môn vẽ mà em yêu thích. Gia đình B. đã gọi đến trung tâm nhờ hỗ trợ tâm lý. Trung tâm đã kết nối với gia đình, nhà trường để hỗ trợ tâm lý cho B. liên tục trong 6 tháng, giúp B. tái hòa nhập với lớp học; cung cấp kiến thức cho cả lớp để biết cách thiết lập các mối quan hệ với bạn bè khi có chuyện tương tự xảy ra.
Đây là hai câu chuyện trong hàng trăm trường hợp trẻ em và thanh, thiếu niên gặp vấn đề tâm lý được chị Nguyễn Nhi - chuyên viên Phòng Phát triển cộng đồng chia sẻ. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện hoạt động tham vấn lấy ý kiến và nâng cao nhận thức về phòng ngừa bạo lực trẻ em và chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội trên địa bàn thành phố đối với 370 em từ 13-18 tuổi vừa qua, trung tâm cũng nhận được nhiều sự chia sẻ của các em đang bị áp lực bởi chương trình học trực tuyến trong thời gian dịch bệnh.
Nhiều em cảm thấy lo lắng và khó tiếp nhận kiến thức thông qua phương pháp học mới này. Trong khi đó, bố mẹ không hiểu về tính chất học trực tuyến nên không cho các em sử dụng nhiều máy tính và internet. Các em mong muốn được ai đó lắng nghe, chia sẻ và giúp đỡ tìm ra giải pháp giải tỏa căng thẳng để vượt qua khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Mai, Phó Giám đốc Trung tâm CTXH thành phố cho biết, với vai trò là người tư vấn, trung tâm trao đổi để giúp các em vượt qua ảnh hưởng tâm lý. Trung tâm tuyên truyền cho các em và phụ huynh biết cách chia sẻ, đồng hành với các con để các con không bị ảnh hưởng sức khỏe tinh thần.
“Do tình hình dịch bệnh nên trung tâm chủ yếu hoạt động trực tuyến. Đối với các ca khó và chuyên sâu, trung tâm chuyển các em đến các bác sĩ và chuyên gia tâm lý xử lý điều trị hoặc giới thiệu đến điều trị ở các trung tâm dịch vụ tâm lý như Trung tâm hỗ trợ Tâm lý - Giáo dục Cadeaux Đà Nẵng, Công ty TNHH MTV Nghiên cứu và Tham vấn tâm lý Family. Các ca trị liệu tâm lý tốn rất nhiều thời gian, kéo dài ít nhất từ 6 tháng đến 1 năm, mỗi tuần thực hiện từ 2-7 lần”, bà Mai chia sẻ.
Trước tình hình dịch bệnh kéo dài, Trung tâm CTXH thành phố đã xây dựng kế hoạch, quy trình tiếp nhận, tư vấn, tham vấn trực tuyến cho trẻ em và phụ huynh trong đại dịch Covid-19 thông qua trang web, fanpage và số điện thoại đường dây nóng của trung tâm; đồng thời hướng dẫn phụ huynh các bài tập hỗ trợ trẻ tại nhà. Tuy dịch bệnh ảnh hưởng không ít đến việc đánh giá, kết nối, can thiệp cho trẻ em và gia đình, nhưng bằng nhiều kênh thông tin gián tiếp, trung tâm đã kết nối, trao đổi, can thiệp, hỗ trợ kịp thời và hiệu quả.
Cần quan tâm trẻ nhiều hơn
Năm 2021, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng tiếp nhận 2.384 bệnh nhân điều trị nội trú, 20.000 bệnh nhân điều trị ngoại trú. Đặc biệt, bệnh viện có 294 lượt bệnh nhân nhập viện do rối loạn tâm thần có hành vi nguy hiểm tại cộng đồng được nhập viện điều trị theo Quyết định số 901 của UBND thành phố Đà Nẵng. Nổi bật trong công tác điều trị nội trú và ngoại trú năm nay là tỷ lệ bệnh nhân bị rối loạn tâm thần có các bệnh nội, ngoại khoa kết hợp khá nhiều. Với sự hỗ trợ của các thiết bị chẩn đoán và sự nhạy bén về lâm sàng, các bệnh lý kết hợp đều được phát hiện và có hướng xử lý phù hợp.
Bác sĩ Lâm Tứ Trung, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng cho biết, so với trước đây, các bệnh liên quan đến rối loạn lo âu, trầm cảm, hành vi ở trẻ em tăng cao. Nguyên nhân do các yếu tố môi trường, thông tin trên mạng khiến các em bị hoang mang. Các em có một số biểu hiện ưu tư, tinh thần bị lung lay dẫn đến xung đột trong gia đình gây ra trầm cảm và lo âu. Tuy nhiên, các em lại không có kỹ năng để vượt qua. Hầu hết các em bị xung đột trong các mối quan hệ gia đình nhưng không có cách giải quyết nên xung đột ngày càng trở nên nặng nề. Để phòng ngừa, bác sĩ Trung khuyến cáo, phía gia đình cần quan tâm trẻ nhiều hơn nhưng tuyệt đối không kiểm soát và ngăn cấm. Khi thấy con tâm lý không ổn thì nên đưa đi tư vấn ngay.
Thời gian qua, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện chương trình rèn luyện kỹ năng để nâng cao học tập ở các trường học trên địa bàn thành phố nhằm giúp học sinh có kỹ năng giải quyết vấn đề và trở nên năng động hơn. Khi đứng trước khó khăn, con người thường có hai thái độ bi quan và lạc quan, đồng thời đối mặt với ba cách giải quyết, đó là trốn tránh, vội vã giải quyết hoặc có kế hoạch giải quyết.
“Thông qua chương trình, các em được cung cấp kiến thức để có cách giải quyết phù hợp. Nếu trốn tránh thì sẽ gặp những bất lợi gì, còn nếu vội vã giải quyết thì phải dùng chiến lược gì. Đối với thái độ bi quan, chương trình sẽ giúp các em cách nhận diện và biết cách giải quyết vấn đề. Các vấn đề được đưa ra để các em tự giải quyết bằng kỹ năng của mình chứ không mang tính áp đặt. Hiện tại, bệnh viện có 18 bác sĩ tâm lý. Mỗi lần làm tâm lý kéo dài hàng tiếng đồng hồ nên mỗi ngày chỉ giải quyết tối đa từ 7-8 bệnh nhân và bệnh viện cũng mong có cơ sở điều trị tốt hơn cho nhu cầu bệnh nhân ngày càng tăng cao hiện nay”, bác sĩ Trung chia sẻ.
Hỗ trợ người dân tiếp cận dịch vụ y tế tuyến trên |
ĐOÀN HẠO LƯƠNG