Chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết tâm kể từ năm 2035 sẽ chỉ mua các loại xe có phát thải bằng 0 để giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, chống biến đổi khí hậu.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục có thêm những quyết sách cụ thể thúc đẩy việc dùng xe điện trong nước để giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu. Ảnh: General Motors/AFP |
Để thực hiện lộ trình tham vọng này, ngày 8-12, Tổng thống Joe Biden ký sắc lệnh yêu cầu tới năm 2035, các cơ quan chính phủ sẽ không mua xe hơi chạy xăng và dầu diesel nữa mà chuyển sang dùng xe điện. Hiện nay, chính phủ Mỹ có hơn 650.000 xe và mỗi năm sắm thêm trung bình 50.000 chiếc. Sắc lệnh hành pháp của ông Biden yêu cầu tới năm 2027 tất cả các lại xe hơi hạng nhẹ (tải trọng nhẹ) do chính phủ mua sẽ phải có phát thải bằng 0. Sắc lệnh này có một số ngoại lệ đối với xe quân đội và một số phương tiện trong ngành không gian vũ trụ.
“Nhà lãnh đạo xu hướng bền vững”
Theo kế hoạch, tới năm 2030, mọi hoạt động đi lại của chính phủ liên bang Mỹ sẽ giảm khoảng 65% lượng phát thải khí gây ô nhiễm so với hiện nay. Song song đó, chính phủ của ông Biden cũng sẽ tìm giải pháp chỉ tiêu thụ điện từ các nguồn cung không phát thải carbon và không gây ô nhiễm như điện gió, điện mặt trời. Ông Biden muốn nước Mỹ trở lại vị trí như một “nhà lãnh đạo của xu hướng phát triển bền vững”. Chính phủ hiện nay đặt mục tiêu tới năm 2050 sẽ đạt trung hòa phát thải ròng bằng 0 trên phạm vi toàn lãnh thổ.
Thực tế, sắc lệnh ngày 8-12 chỉ là một phần trong chuỗi thông điệp và hành động liên tục của chính phủ dưới thời Tổng thống Biden nhằm ngăn tình trạng trái đất nóng lên. Washington từng nhiều lần nhắc tới vấn đề này khi ông Biden phát động các sáng kiến “Buy American” mới của chính phủ liên bang. Cụ thể, hồi tháng 1, ông Biden cam kết thay thế toàn bộ đội xe của chính phủ bằng các mẫu xe điện. Tính tới năm 2020, chỉ 0,5% trong số 657.000 chiếc xe thuộc chính phủ là xe điện. Năm 2020, chính phủ Mỹ đã chi 4,2 tỷ USD cho chi phí xe cộ, trong đó có 730 triệu USD là tiền nhiên liệu.
Sắc lệnh đó cũng phù hợp với một sắc lệnh hành pháp khác là chính quyền Mỹ đặt mục tiêu cho tới cuối thập niên hiện tại, một nửa số xe hơi mới bán tại Mỹ sẽ là xe điện. Sắc lệnh (không có sự ràng buộc về pháp lý) này nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ các hãng xe hơi trong và ngoài nước Mỹ như Ford, General Motors, Stellantis, tổ chức thương mại Alliance for Automotive Innovation và Nghiệp đoàn công nhân ô-tô Mỹ (United Auto Workers). Tuy nhiên, các hãng sản xuất xe hơi cũng nói rằng, việc đạt được mục tiêu đó sẽ đòi hỏi chính phủ liên bang tiêu tốn nhiều tỷ USD ngân sách.
Chặng đường dài
Hiện nay, xe điện chỉ chiếm khoảng 2% tổng số xe hơi mới bán được ở Mỹ, tuy nhiên các sắc lệnh hành pháp liên quan đã được chính phủ liên bang ban hành dự kiến sẽ đẩy nhanh quá trình “điện hóa” xe hơi này. Trong Đạo luật xây dựng lại tốt hơn (Build Back Better) trị giá gần 2.000 tỷ USD vừa được ký duyệt cũng bao gồm các giải pháp hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp xe điện với khoản ngân sách 555 tỷ USD, trong đó có kế hoạch xây dựng mạng lưới hạ tầng trạm sạc cho xe điện trên toàn nước Mỹ.
Tuy nhiên, vì sắc lệnh hành pháp không phải điều luật, nên trong trường hợp một nhà lãnh đạo khác, có quan điểm khác về vấn đề này kế nhiệm ông Biden, lộ trình chuyển đổi sang xe điện có thể không diễn ra đúng như tham vọng mà chính quyền hiện nay đang theo đuổi.
Ông Dan Becker, Giám đốc chương trình Safe Climate Transport Campaign (Chiến dịch Giao thông Khí hậu An toàn) tại tổ chức Trung tâm đa dạng sinh học (Mỹ) cho rằng, chính phủ của ông Biden nên hành động nhanh hơn nữa. “Chờ đợi 14 năm để làm việc này là khoảng thời gian dài khủng khiếp khi chúng ta đã có một số mẫu xe điện và các công ty đang phải quyết định vấn đề là chỉ cam kết hay thực sự sản xuất xe điện”, ông Becker bình luận.
Trong khi đó, ông Ray Curry - Chủ tịch Nghiệp đoàn công nhân ô-tô Mỹ cho rằng, việc ông Biden muốn giải quyết vấn đề phát thải carbon là đúng, song việc tạo ra các công việc chất lượng cao nên được ưu tiên. Giám đốc điều hành Công ty Google, ông Sundar Pichai, cho rằng sắc lệnh hành pháp của ông Biden là “bước quan trọng tiến tới việc hiện thực hóa một lưới điện không carbon”.
Nước Mỹ là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, tuy nhiên rất nhiều nỗ lực nhằm cải thiện điều này đã bị “mất đà” dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Trump từng đưa nước Mỹ ra khỏi thỏa thuận chống biến đổi khí hậu Paris, đảo ngược các quy định quản lý phát thải khí từ ống xả của xe hơi ở Mỹ.
Trong nhiều năm qua, các hãng xe hơi lớn trên thế giới đã đẩy mạnh đầu tư phát triển xe điện. Hãng Ford cho biết sẽ chi 29 tỷ USD để ra mắt một loạt mẫu xe điện mới, trong khi hãng General Motors cam kết chi 35 tỷ USD cho xe điện và các dòng xe tự lái từ nay cho tới năm 2025. Trong 2 năm qua, cổ phiếu của hãng xe điện Tesla liên tục tăng giá giúp nó trở thành nhà sản xuất xe hơi có giá trị vốn hóa lớn nhất và Giám đốc điều hành (CEO) của công ty này, tỷ phú Elon Musk, cũng trở thành người giàu nhất hành tinh. |
TRẦN ĐẮC LUÂN
(Theo Reuters, Cnet, USA Today, The Verge)