Đất và người xứ Quảng trong tác phẩm Thái Bá Lợi

.

NXB Hội Nhà văn vừa ra mắt Tuyển tập Thái Bá Lợi gồm 5 quyển, tập 1: Truyện ngắn, bút ký; tập 2: Tiểu thuyết Thung lũng tình yêu, Thung lũng thử thách; Tập 3: Tiểu thuyết Bán đảo, Họ cùng thời với những ai, Trùng tu; Tập 4: Tiểu thuyết Khê ma ma, Minh sư; Tập 5: Tiểu thuyết Câu chuyện Đà Nẵng và những bài viết về nhà văn Thái Bá Lợi. Đây được xem là tuyển tập đầy đủ nhất các tác phẩm của nhà văn Thái Bá Lợi.

Một trong những tác phẩm người đọc biết nhiều đến Thái Bá Lợi là truyện vừa Hai người trở lại trung đoàn, đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội tháng 4-1977. Nội dung tác phẩm này gần như là câu chuyện cảnh báo những cái xấu, cái cơ hội đang hình thành trong vỏ bọc hào nhoáng. Đó là chuyện tình tay ba giữa cô trinh sát tên Mây và hai đồng đội Thanh và Trí.

Những tác phẩm khác sau này của Thái Bá Lợi như Vùng chân Hòn Tàu, Thung lũng thử thách, Họ cùng thời với những ai, Đội hành quyết…; những tác phầm gần đây như Minh sư, Trùng tu… đều được viết trên cảm hứng chủ đạo về những góc khuất trong tâm hồn con người, đồng thời thể hiện sự quan tâm đến việc đổi mới thủ pháp nghệ thuật, nhất là trong tiểu thuyết. Điều đáng nói hơn cả, phần lớn những tác phẩm văn học đáng chú ý nhất của Thái Bá Lợi gắn liền với mảnh đất và con người xứ Quảng.

Đến nay, trong cách sống cũng như cách viết, Thái Bá Lợi tự rèn luyện cho mình phong cách khoan thai, bình thản, chậm rãi và kỹ lưỡng. Ông luôn quan sát, tìm thấy những góc nhìn khác biệt vào mỗi sự vật, mỗi vấn đề của cuộc sống, để từ đó mỗi tác phẩm của ông đều mang đến cho người đọc sự bất ngờ, cái nhìn mới về những điều, những người mà ta tưởng như đã biết từ lâu.

Năm 2016, Thái Bá Lợi cho ra đời cuốn tiểu thuyết Câu chuyện Đà Nẵng. Cuốn tiểu thuyết này chứa đựng những xung đột cao trào nhưng vẫn được kể lại bằng sự bình tĩnh, thể hiện nhiều chi tiết đắt giá, gần gũi với đất và người Quảng Nam - Đà Nẵng.

Nhà nghiên cứu Phạm Phú Phong cho rằng: “Trong một đời viết, khó ai có thể nhớ hết được những ngả đường mình đã qua, những khuôn mặt mình đã gặp, ngay cả khi những tên người, tên đất ấy một lần nào đó đã vào văn. Thế nhưng, có một vùng sống mà chắc chắn không mấy ai quên được - đó là nơi người cầm bút đã viết những trang đầu tiên, đã trải qua cái tâm trạng lạ lùng và duy nhất khi hoàn thành một tác phẩm đầu tay. Với Thái Bá Lợi - nơi đó chính là Quảng Nam - Đà Nẵng, vùng đất đã lưu lại trong anh nhiều ấn tượng, nhiều “nguyên cớ” xui khiến anh cầm bút” (Những chân trời xanh thẳm, NXB Hội Nhà văn, tháng 12-2018).

Trả lời phỏng vấn nhà thơ Hồng Thanh Quang trong một cuộc trao đổi về tính cách người xứ Quảng trong tác phẩm của mình, Thái Bá Lợi phân tích: “Tính cách hay cãi của người Quảng Nam có tính chất phản biện, mà như anh biết thì cái tính hay cãi của người Quảng Nam có một phần cố chấp nhưng cũng giúp người được cãi nhìn ra việc này, việc khác.

Tuy nhiên, cư dân ở thành phố Đà Nẵng thì lại khác vì dân ở đây không phải chỉ người Quảng Nam không thôi. Theo tôi biết, có đến 40% người sống ở Đà Nẵng nói giọng Huế, nhiều người khác từ các vùng quê khác đến đây. Vì vậy, người Đà Nẵng tính cách không hoàn toàn là bị ảnh hưởng của người Quảng Nam. Người Đà Nẵng cũng vẫn tiếp thu được cái phần hay cãi của người Quảng Nam, nhưng nó dịu dàng hơn, biến hóa hơn”.

Riêng về tác phẩm Câu chuyện Đà Nẵng, Thái Bá Lợi tâm sự: “Tôi đã sống ở Đà Nẵng từ sau năm 1975, là thời gian quan trọng nhất của đời người. Tôi muốn làm điều gì đó trả nghĩa cho mảnh đất này. Rất may tôi đã kịp viết Câu chuyện Đà Nẵng lúc chưa hụt hơi. Cuốn sách được viết nhanh một phần là do tôi ấp ủ những điều mình muốn chia sẻ từ lâu rồi. Làm được điều này là niềm vui của tôi”.

TRẦN TRUNG SÁNG

;
;
.
.
.
.
.