Sinh viên làm việc nhóm online

.

Dạy - học theo hình thức trực tuyến nhưng giảng viên vẫn duy trì các phương pháp dạy học không khác nhiều so với dạy học trực tiếp. Các ứng dụng học trực tuyến, mạng xã hội… đã được sinh viên khai thác hiệu quả để duy trì các nhóm học tập thích ứng với không gian dạy - học số.

Sinh viên Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) báo cáo đề tài tại cuộc thi Giải thưởng khoa học và công nghệ dành cho sinh viên năm 2021. Ảnh: H.T
Sinh viên Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) báo cáo đề tài tại cuộc thi Giải thưởng khoa học và công nghệ dành cho sinh viên năm 2021. Ảnh: H.T

Chủ động điều chỉnh

Cao Hữu Phi (sinh viên lớp 45K01.2, Khoa Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng) cho biết, dù học trực tuyến nhưng trong giờ học, thầy cô giáo vẫn giao bài tập nhóm, triển khai các dự án học tập, thuyết trình, phản biện… Vì vậy, các nhóm học tập của sinh viên vẫn được duy trì như khi đang học offline.

Theo so sánh của Phi, cách thức tổ chức làm việc nhóm khi học trực tuyến không khác nhiều so với học trực tiếp. “Thậm chí, trước đây, khi đang học trực tiếp, để làm việc nhóm hiệu quả, trưởng nhóm phân chia công việc cho từng thành viên cùng với tiến độ hoàn thành và gửi thông tin lên nhóm chat hoặc sử dụng Google doc. Chúng em thường chủ yếu chỉ gặp nhau khi chốt lại nội dung. Vì vậy, khi chuyển qua làm việc nhóm online, các bạn thích nghi rất nhanh. Với Google doc, các bạn đều lưu lại kết quả các phần việc của cá nhân được phân công”, Phi nói.

Lê Hoàng Bảo Trâm (sinh viên lớp 19CNH01, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng) cho biết: “Để làm bài tập nhóm trong điều kiện học trực tuyến, chúng em phải thống nhất khung giờ. Vấn đề lớn nhất có lẽ là truyền tải ý kiến, có khi do chất lượng mạng kém mà mình nói thì các bạn còn lại không nghe được, hoặc nhắn trong nhóm chat thì nhiều tin nhắn quá nên trôi đi, khó nắm bắt hết ý của nhau”.

Để chuẩn bị một tiết giảng môn học Lý thuyết dịch của cô giáo Nguyễn Ngọc Tuyền, nhóm của Bảo Trâm phân chia nội dung cho từng thành viên. Sau khoảng 3-4 ngày, nhóm họp online. Có những lần bài khó, dài, nhưng buộc phải làm thật chi tiết, nhóm kéo dài thời gian thảo luận.

“Công việc chuẩn bị hơi tốn thời gian nhưng “tiết dạy” do nhóm đảm nhận thuận lợi và chủ động trước các tình huống hoặc những câu hỏi phản biện của cô giáo hoặc của các nhóm khác. Vì là môn dịch nên phải chi tiết từng câu một, mỗi cá nhân có cách dịch khác nhau với một số từ nên phải tranh luận rồi mới thống nhất được”, Trâm chia sẻ.

Theo như Bảo Trâm, trong tình huống có thành viên trong nhóm không thể tham gia buổi thảo luận online vì chất lượng mạng, nhóm sẽ làm biên bản buổi làm việc, chốt lại những ý kiến chung đã thống nhất. File này được gửi cho thành viên vắng mặt để sự thống nhất trong toàn nhóm.

Tận dụng thế mạnh

Cao Hữu Phi cho rằng, làm việc nhóm trực tuyến có một số thuận lợi mà các bạn không có được khi học trực tiếp. “Với học trực tuyến, ngay khi thầy cô giáo giao bài tập cho nhóm, chúng em có thể thảo luận ngay để phân chia nhiệm vụ từng thành viên”. Thời gian làm việc nhóm online cũng chủ động hơn, chỉ cần mỗi thành viên hoàn thành phần việc của mình rồi gửi lên nhóm, các thành viên khác muốn đóng góp gì thì có thể bổ sung trên file.

Thường những nhóm học tập sẽ được duy trì qua các năm học. “Mỗi thành viên trong nhóm đều hiểu rõ thế mạnh của nhau. Chỉ những môn tự chọn thì các thành viên của một nhóm học tập thì các thành viên trong nhóm thường là chưa từng làm việc với nhau trước đó. Nội dung thường phải được phân đều cho từng người. Có một số phần việc, nhóm trưởng nên trao đổi trước xem ai có thể đảm nhận như làm PowerPoint…”, Phi chia sẻ.

Cũng theo Phi, khi làm việc nhóm, sinh viên ít phân biệt trực tuyến hay trực tiếp mà thường tận dụng triệt để lợi ích của công nghệ thông tin để đạt hiệu quả tối ưu. Đảm nhiệm vai trò trợ giảng môn Tiếng Anh cho sinh viên khóa dưới, Phi lập nhóm chat để các sinh viên năm thứ nhất tiện trao đổi. Để hướng dẫn kỹ thuật nghe lại cách phát âm của mình đã được thu trước đó trên phần mềm học trực tuyến, Phi sử dụng thao tác quay clip lại màn hình và thực hiện từng thao tác một.

     Cách tổ chức cho sinh viên làm việc nhóm ở lớp không khác gì khi dạy học trực tiếp. Giảng viên giao nội dung trước cho sinh viên chuẩn bị. Không phải một sinh viên đại diện trình bày cho cả nhóm mà thành viên nào cũng phải phát biểu. Như vậy, dựa trên mức độ nắm bắt của từng sinh viên để chấm điểm chứ không có một mức điểm cho tất cả thành viên của nhóm.

So với dạy học trực tiếp, việc sinh viên thuyết trình theo nhóm khi học trực tuyến có một số thuận lợi hơn nếu giảng viên dẫn dắt tốt. Chất lượng âm thanh khi học trực tuyến sẽ đồng đều, không như ở lớp học trực tiếp, một số bàn phía trước sẽ khó nghe rõ phần trình bày của những bạn ngồi dãy sau cùng

TS. Nguyễn Ngọc Tuyền, Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng

HÀ TRẦN

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích