Tập tản văn Ở bên này thương nhớ (NXB Phụ nữ Việt Nam) của Lê Hoài Việt là tuyển tập những bài viết giàu cảm xúc, rất chân phương nhưng đầy ắp những điều suy ngẫm.
Giữa những nhọc nhằn của cuộc đời, Lê Hoài Việt chọn cho mình sự lắng đọng qua từng câu chữ, để rồi tập sách đầu tay Ở bên này thương nhớ ra đời vào cuối năm 2021 “như một món quà dành tặng cho bản thân, người thân, người thương và một phần nào đó chia sẻ niềm riêng nơi mình cùng những tâm hồn đồng điệu. Để rồi nhiều năm tháng sau đó, lúc lưng còng tóc bạc da nhăn, thấy hình nhân mình đọc sách bên cửa sổ, thì có cái mà tự hào, mà nhớ về một thời tuổi trẻ dọc ngang...”.
Tập sách như lời thủ thỉ của đứa con xa quê hoài vọng một miền ký ức thật đẹp. Với Việt, ký ức suy cho cùng như một động lực để mình vịn vào nó mà bước tiếp vững vàng và mạnh mẽ hơn. Dẫu buồn, dẫu vui, thì những ký ức ấy trong Việt chính là hành trang luôn song hành cùng anh, như một phần máu thịt mà nhờ đó anh lớn khôn, như một điều thiêng liêng trút ra trang viết. Ký ức sáng lấp lánh!
Việt nhớ những cái Tết xưa của quê mình, mẹ bôn ba theo chuyến hàng Quảng Ngãi - Đà Nẵng. Chiều 30 Tết, mấy chị em rủ nhau ra hiên ngóng mẹ, đứa nào cũng tranh nhau rằng mình phát hiện mẹ về đầu tiên. Thể nào mẹ về cũng sẽ có món ăn quen, có thùng mì gói ăn Tết. Hồi đó nghèo, mì gói loại rẻ tiền nhất, một gói nấu thành cả bát to để làm canh ăn với cơm. Cái ký ức chiều 30 xa xưa cứ rưng rức chảy tràn theo năm tháng của chàng giảng viên trẻ. Thương quê nhớ xứ, những mùa xuân đủ đầy sau này vẫn chẳng thể nào đẹp bằng thời kỳ khó khăn đó. Bởi chính như tác giả nói, chẳng phải món ngon, chẳng phải đồ đẹp, chỉ cần có mẹ, đó đã là cái Tết đẹp nhất đời người.
rong những thương nhớ Việt chọn để ghi lại, có những niềm riêng lần đầu tiên anh thổ lộ. Hành trình xa xứ lập thân tôi luyện cho anh ý chí mạnh mẽ, nhưng tận sâu đáy lòng vẫn luôn là tình cảm dạt dào chất chứa, để khi ngồi viết lại trong Ở bên này thương nhớ, những lời chưa nói ấy lại là thứ chắt chiu đắt giá hơn bao giờ hết. Biết mẹ luôn thổn thức vì anh chẳng kịp về gặp bà lần cuối, Việt dành riêng cho mẹ những câu chữ rất đỗi thương yêu. Chàng trai trẻ dành cho mẹ rất nhiều bài viết trong tập sách của mình. Mẹ chính là động lực mà đi suốt trăm ngả đường đời, những lần mỏi gối bôn ba, về nhà còn thấy mẹ, khóc cười cùng mẹ, đó là cảm giác an yên và quý giá chẳng thể đánh đổi bất kỳ điều gì khác.
Lê Hoài Việt chọn cho mình văn phong nhẹ nhàng, như trải lòng với câu chữ, như thủ thỉ cùng độc giả từ những câu chuyện dung dị đời thường. Đâu đó trên trang viết của Việt, bạn đọc như tìm thấy ký ức của chính mình, thấy mình của hiện tại, vọng những thương xưa cùng anh, ngẫm những thế sự cùng anh, để rồi hít một hơi thở dài đón nắng mai bằng tâm thế xanh lành nhất. Bởi lẽ, bất cứ câu chuyện nào của Việt, cái kết luôn mở ra một điều tích cực, luôn là niềm tin vào chân lý bất biến rằng nếu lòng mình chọn lấy thong dong thì mình sẽ sống một đời bằng an.
Lê Hoài Việt đi một quãng xa để chạm vào mơ ước, nương vào câu chữ để hong ấm lòng mình giữa chốn thị thành. Yêu thương thấu cảm bằng sự rung chạm vào lẽ đời, vào điều thân gần, tử tế, lạc quan. Đó chính là những điều mà chàng trai trẻ đã nhặt nhạnh, gói ghém gửi tặng độc giả qua tập tản văn Ở bên này thương nhớ.
TRÚC THIÊN