Khát vọng Việt

.

1. Bộ sách Khát vọng Việt (NXB Thế giới) gồm 2 tập, là tập hợp những bài viết của Đỗ Cao Bảo - nhà đồng sáng lập, Phó Tổng Giám đốc phụ trách kinh doanh tập đoàn FPT. Bộ sách mang đến góc nhìn mới, truyền động lực cho độc giả, nhất là những người trẻ, khát vọng cống hiến cho nước nhà.

Sinh ra và lớn lên trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, Đỗ Cao Bảo mang trong mình khát vọng Việt - khát vọng mang trí tuệ Việt Nam đi chinh phục thế giới, khát vọng xây dựng một Việt Nam giàu mạnh và hùng cường, sánh vai bạn bè quốc tế, được bạn bè quốc tế nể trọng. “Tôi viết với một niềm tin sâu sắc rằng giống như ngọn lửa thiêng trên đỉnh Olympia không bao giờ tắt, ngọn lửa khát vọng Việt sẽ được duy trì thông qua việc truyền từ người Việt Nam này sang người Việt Nam khác, từ thế hệ Việt Nam này sang thế hệ Việt Nam khác. Việc các bạn đọc, nghiền ngẫm, chia sẻ và trải nghiệm một vài điều tâm đắc trong cuốn sách này cũng là một phần của quá trình truyền lửa khát vọng Việt”, Đỗ Cao Bảo viết.

Đặc biệt, chương “Khởi nghiệp cho thế hệ trẻ” (tập 2) được chia sẻ dưới dạng những câu chuyện khởi nghiệp, lồng vào những kiến thức, những tư duy, những bài học về các vấn đề quan trọng nhất của khởi nghiệp, đó là tại sao phải khởi nghiệp, khởi nghiệp để làm gì, khi nào thì khởi nghiệp, ý tưởng kinh doanh trong khởi nghiệp, vấn đề vốn và huy động vốn, thất bại trong khởi nghiệp… Những nội dung này sẽ có ích cho các bạn trẻ muốn khởi nghiệp.

2. Trở về một đứa trẻ (NXB Phụ nữ Việt Nam) - tập tản văn mới nhất của Nguyễn Đinh Khoa - là những mẩu viết nho nhỏ về tình yêu, cuộc sống, gia đình và những chuyến đi của tác giả.

Khoa chia tập tản văn thành 4 phần: Tình cảm - Gia đình - Con đường - Chuyến đi. Tựu trung 4 phần cũng chính là quãng đời mà người trẻ luôn nghĩ đến, phải đối diện và đi qua nó. Mỗi tản văn là một câu chuyện. Câu chuyện dẫu vui, dẫu buồn thì Khoa luôn thắp sáng những tin yêu, những điều tử tế, những năng lượng tích cực, hướng con người sống một cuộc đời thật đẹp chí ít vừa vặn với mình. Khoa đã viết như cách để chữa lành những tổn thương, từ những trải nghiệm của bản thân, từ cách đối diện với những tổn thương đó, đến việc lựa chọn không níu kéo chúng nữa. Sự mất mát trong những trang viết của Khoa cũng trở nên nhẹ nhàng như một buổi sáng trời trong nắng đẹp.

Như tựa đề của cuốn sách Trở về một đứa trẻ, bên trong mỗi người luôn có một đứa trẻ kỳ diệu mà chúng ta thường quên mất. Để rồi khi mệt mỏi với cuộc sống bên ngoài, chúng ta có thể tìm về những khoảnh khắc tĩnh lặng, thành thật nói chuyện với đứa trẻ bên trong mình, nuôi dưỡng sự vững chãi trong thân và tâm...

KHÁNH LINH

;
;
.
.
.
.
.