Nhà văn Vũ Ngọc Giao: Càng cô đơn càng viết nhiều!

.

Nhà văn Vũ Ngọc Giao mượn truyện ngắn để bày tỏ nỗi lòng mình. Những nhân vật trong truyện là những con người thực vô tình chị gặp trong đời, có người chỉ cần gặp một lần và có ấn tượng là chị có thể có cảm xúc để viết về họ.

Nhà văn Vũ Ngọc Giao và bìa tập truyện ngắn, tản văn “Búp bê Matryoshka”. Ảnh: Đ.G.H
Nhà văn Vũ Ngọc Giao và bìa tập truyện ngắn, tản văn “Búp bê Matryoshka”. Ảnh: Đ.G.H

Cảm hứng sáng tác từ nhân vật đời thường

Vũ Ngọc Giao là người viết khỏe và có truyện ngắn đăng đều đặn trên các báo Trung ương cũng như địa phương nhưng mấy ai biết rằng, nguồn cảm hứng sáng tác của chị từ những nhân vật rất bình dị giữa đời thường. Mỗi nhân vật là một số phận có hoàn cảnh khá đặc biệt mà chị bắt gặp bất chợt trên đường đi hay trong những chuyến du lịch khiến chị ấn tượng và đồng cảm, từ đó ám ảnh trong suy nghĩ và trăn trở, rồi đưa họ trở thành nhân vật trong câu chuyện đầy hơi thở cuộc sống và thấm đẫm nhân văn. Đặc biệt, những người tâm thần và những người nghèo khổ xuất hiện nhiều trong tác phẩm của chị. Chị viết từ cảm xúc tự nhiên của lòng mình.

Trong hơn 100 tác phẩm đăng báo, có khoảng 6-7 truyện ngắn chị viết về người tâm thần. “Tôi có một người chú bị tâm thần nên cảm thấy đồng cảm khi viết về đề tài này. Không hiểu sao mình rất có duyên gặp người tâm thần. Lần đầu tiên lên Đà Lạt, tôi ấn tượng với một người đàn bà tâm thần cạnh nơi tôi ở. Lòng trắc ẩn và thương cảm đã thôi thúc tôi quan sát và tìm hiểu về họ. Người đàn bà này có tên Hồng, bị tâm thần vì tình từ lúc 17 tuổi. Bà ta có sự hồn nhiên của người tâm thần khi thường xuyên hát véo von vào ban đêm. Vậy là truyện ngắn “Tiếng cầu kinh trong mưa” ra đời”, Vũ Ngọc Giao bộc bạch.

Vũ Ngọc Giao mượn truyện ngắn để bày tỏ nỗi lòng mình. Những nhân vật trong truyện là những con người thực vô tình chị gặp trong đời, có người chỉ cần gặp một lần và ấn tượng, chị đã có thể viết về họ. Nhớ có lần ra chợ gặp một người nặn tò he, chị thấy thích thú dừng lại xem và sau đó chị về nhà viết một mạch truyện ngắn “Ông lão nặn tò he” đăng Báo Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh. Một lần khác đi chợ, chị bắt gặp một ông cụ kéo đàn cò bài “Hòn vọng phu” thì chị viết truyện “Thương vay” đăng trên Báo Quảng Nam. Hầu hết những ý tưởng đều đến một cách tự nhiên, không có sự sắp đặt trước, đôi khi lại từ một cảm xúc bất chợt từ những kỷ niệm ngày xưa ùa về...

Cũng chính tình yêu quê hương và lòng trắc ẩn với những nhân vật giữa đời thường khiến nguồn cảm hứng sáng tác của chị không bao giờ cạn. Đặc biệt, chị viết rất nhanh, có truyện viết chỉ trong một đêm. Đôi khi chỉ một lần rong chơi nhưng lại khơi nguồn cảm hứng cho chị viết nên nhiều câu chuyện. “Chỉ cần bắt được cảm xúc của mình và viết một mạch khi có ý tưởng. Chẳng hạn trong một lần về Gò Nổi (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) chơi, tôi sáng tác một mạch 3 truyện: “Ngã ba sông”, “Tiếng đàn của cha”, “Sông quá”. Tuy nhiên, với tôi, công đoạn lâu nhất là sửa đoạn mở đầu câu chuyện để gợi người đọc ngay từ đầu. Những nhân vật thường dẫn dắt người viết và tôi hoàn toàn thả lỏng”, chị Giao tâm sự.

Nhà văn Vũ Ngọc Giao, sinh năm 1972, quê quán tỉnh Quảng Ngãi, hiện sống và viết văn tại thành phố Đà Nẵng. Chị có hơn 100 tác phẩm đã đăng báo Trung ương và địa phương.

Viết như một nhu cầu tự thân

Mặc dù được nhiều người biết đến từ viết truyện ngắn nhưng mấy ai biết rằng Vũ Ngọc Giao là người yêu thơ và làm thơ từ lúc 9 tuổi. Trong ký ức tuổi thơ, chị còn nhớ như in lần đầu chị sáng tác 5 bài thơ, rồi viết ra sổ đưa cho bố đọc. Được bố khuyến khích và động viên, chị lại viết ra giấy bất kể lúc nào có cảm xúc và lưu giữ cho riêng mình. Đến năm học lớp 10, tình cờ chị gửi một tản văn đăng trên Báo Mực tím thì từ đó chị chuyển hẳn sang viết tản văn và truyện ngắn.

Sự nghiệp viết văn của chị đánh dấu một bước ngoặt mới khi chị xuất bản cuốn tản văn và truyện ngắn (in chung) vào năm 2019 với tựa đề “Búp bê Matryoshka”. Chia sẻ về cơ duyên viết văn, chị Giao cho biết: “Tôi mất mẹ lúc hơn 1 tuổi nên tuổi thơ gắn bó nhiều với quê nội và vùng nông thôn. Tôi có tình yêu quê nội một cách đặc biệt bởi tuổi thơ có nhiều kỷ niệm nơi đây. Quê nội nói riêng và vùng nông thôn nói chung là hai nơi tạo cho tôi nguồn cảm hứng vô tận. Hầu hết các truyện ngắn đều viết về nông thôn và tôi tự cảm thấy hay hơn các đề tài khác. Đặc biệt, nhà tôi ở chân núi Sơn Trà nên tôi rất yêu núi và thích viết về núi. Trong truyện của tôi thường có núi, rừng bởi tôi là mạng mộc. Tôi không nghĩ mình theo nghề viết văn mà chỉ viết như nhu cầu tự thân”.

Hiện Vũ Ngọc Giao ấp ủ sáng tác về đề tài về Tây Nguyên. Đây là đề tài được bố chị viết rất nhiều nhưng chị sáng tác còn rất ít. Ngoài tình yêu núi rừng, văn hóa vùng đất này có nhiều điều huyền bí và lãng mạn luôn hấp dẫn chị sáng tác. Với chị, sông và trăng là hình tượng không bao giờ cạn.

Để viết truyện hay, theo nhà văn Vũ Ngọc Giao, điều quan trọng là tứ truyện. Tên các câu chuyện của chị thường lóe lên trước khi có nội dung nên thường mang tính ngẫu hứng và đầy chất văn. Với chị, viết là nhu cầu tự thân nên chị viết một cách thoải mái dù biết trước đôi khi câu chuyện đó viết ra có thể không đăng báo. “Công việc viết văn giống như một người bạn thân không bao giờ bị phản bội. Lúc trống rỗng và buồn thì có bạn văn chương nên chẳng còn sợ cô đơn. Càng cô đơn, càng viết nhiều! Và càng viết thì càng không có thời gian để buồn. Những người viết văn thường tự thấy mình cô đơn thật sự. Nhiều người cũng sợ vận vào mình, nhưng tôi thì không bởi tôi may mắn có cuộc sống đời thường khá ổn”, Vũ Ngọc Giao tâm sự.

"Mỗi tuổi thơ là một quê hương và mỗi quê hương trả về một tuổi thơ. Tác phẩm Vũ Ngọc Giao dù trong hồi ức hay truyện ngắn, cùng đồng vọng một dòng tâm tư xuôi về quê nội. Một thôn xóm nên thơ, những con người còm cõi, an phận. Giá trị tâm cảm còn chuyển tải thêm nhiều tư liệu xã hội về một làng quê hẻo lánh miền Trung Trung bộ. Hành văn hoàn toàn phù hợp với nội dung: niềm u hoài xa vắng, êm ả như một buổi chiều quê dịu dàng như một bóng trăng về sáng. Đặc biệt, bằng cách ngắt câu, Vũ Ngọc Giao đã tạo được một giai điệu âm trầm, dìu dặt và sâu lắng. Có thể nói được văn chương ở đây cuối cùng là một bản nhạc chiều, một serenata (thể loại âm nhạc nhẹ nhàng, do nhạc cụ tấu lên vào buổi chiều - PV), hay xa hơn nữa là một mùi hương thôn dã: đâu đây thoáng hương thầm của một nhành dủ dẻ chiều chạng vạng”.
Nhà phê bình văn học Đặng Tiến nhận xét về tập truyện ngắn, tản văn“Búp bê Matryoshka” của Vũ Ngọc Giao

ĐOÀN GIA HUY

;
;
.
.
.
.
.