Tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn đang trở nên trầm trọng hơn vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Các nhà sản xuất đang chạy đua trong việc nâng cao năng suất hoạt động, nhưng sự thiếu hụt đó không thể được giải quyết tức thì.
Dây chuyền sản xuất các tấm wafer silicon tại một nhà máy ở thành phố Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc hồi tháng 5-2021. Ảnh: AP |
Khi tình trạng thiếu chip lần đầu tiên làm “tê liệt” các dây chuyền sản xuất xe hơi năm 2021, ngành công nghiệp vật liệu bán dẫn nhận ra họ bất ngờ được “quan tâm” ở mức chưa từng thấy. Đột nhiên mọi người cùng nói về những con chip bé xíu nhưng mang trong mình năng lực điều khiển “vô biên” với rất nhiều chức năng khác nhau của xe hơi. Rồi khi các hãng công nghệ cao và điện tử tiêu dùng bắt đầu đối mặt tình trạng thiếu chip hay ca thán về sự gián đoạn chuỗi cung ứng, mối quan tâm của mọi người với chip ngày càng lớn hơn.
Nhiều nguyên nhân
Có một loạt vấn đề gây ra tình trạng thiếu chip. Bên cạnh những vấn đề tồn tại lâu nay trong ngành công nghiệp như công suất chưa đủ đáp ứng nhu cầu tại các nhà máy sản xuất chất bán dẫn, đại dịch Covid-19 cũng đã gây ra những thách thức phi tiền lệ.
Chẳng hạn, các nhà sản xuất xe hơi đã cắt giảm bớt đơn hàng mua chip điện tử vào đầu năm 2020 khi doanh số bán xe lao dốc. Khi nhu cầu thị trường phục hồi nhanh hơn dự đoán trong nửa sau năm 2020, ngành công nghiệp bán dẫn cũng đã có những thay đổi về dây chuyền sản xuất để đáp ứng nhu cầu cho các thiết bị khác nữa nên không đủ để cung ứng cho tất cả.
Dịch bệnh cũng làm rất nhiều lĩnh vực ngành nghề và hoạt động giáo dục chuyển sang trực tuyến, làm phát sinh nhu cầu tăng vọt về các sản phẩm điện tử, kéo theo nhu cầu tăng cao về chip. Dù các công ty sản xuất chất bán dẫn đã tăng thêm khối lượng công việc, nhưng theo trang web của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, cơn khát chip hiện nay vẫn không thể giải quyết được trong tương lai gần, nguyên nhân một phần vì các điểm phức tạp trong quá trình sản xuất chất bán dẫn.
Cuộc đua sản xuất chip
Để đối phó với nhu cầu tăng cao về chip, các ông lớn trước nay trong ngành công nghiệp bán dẫn đã phản ứng theo hai cách. Đầu tiên, họ tăng mạnh về chi phí vốn để mở rộng năng lực sản xuất. Điển hình nhất là hãng Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC), nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới đã tăng chi phí vốn từ 30 tỷ USD năm 2021 lên 44 tỷ USD trong năm 2022.
Thứ hai, các chính phủ nhiều nền kinh tế lớn đã triển khai các chương trình chi tiêu khổng lồ để cố gắng nâng cao năng lực sản xuất chip trong nước. Trung Quốc bắt đầu cuộc đua này từ năm 2014 với việc thành lập liên tiếp 2 quỹ khổng lồ để hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong nước ở lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Tổng mức đầu tư của Trung Quốc cho kế hoạch này tới nay đạt khoảng 50 tỷ USD.
Tương tự là các gói hỗ trợ lớn không kém của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cho các ngành công nghiệp bán dẫn của họ. Ngành công nghiệp sản xuất chất bán dẫn toàn cầu từng một thời tập trung ở Mỹ và châu Âu vào những năm 1990. Những năm sau này, nhiều cơ sở đó đã đóng cửa trong bối cảnh mảng sản xuất mạch điện tử tích hợp (IC) đã được chuyển sang châu Á.
Tuy nhiên, xu hướng dịch chuyển đang bắt đầu đảo chiều khi các nhà sản xuất chip lớn nhất thời gian qua đã công bố kế hoạch mở lại xưởng sản xuất tại Mỹ. Sự thay đổi này được giới quan sát trong ngành cho rằng nhằm ứng phó với những căng thẳng gia tăng trong quan hệ Mỹ - Trung và cả những thiếu hụt, gián đoạn của chuỗi cung ứng.
Trong cuộc đua nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu, nhà sản xuất chip Đài Loan United Microelectronics Corp (UMC) công bố sẽ đầu tư 5 tỷ USD để xây dựng nhà máy sản xuất microchip tại Singapore. Nhà máy mới này dự kiến có công suất hằng tháng là 30.000 wafer (wafer là một mảnh mỏng của vật liệu bán dẫn, thường là sicicon tinh thể, có hình đĩa mỏng được dùng làm nền tảng để chế tạo mạch điện tử tích hợp (IC) và các tế bào quang điện silicon). Nhà máy dự kiến đi vào sản xuất từ năm 2024. UMC là đối tác của các công ty lớn như Samsung và Qualcomm. Năm 2021, công ty này từng thông báo trong 3 năm tiếp đó họ sẽ chi 3,57 tỷ USD để nâng cao năng lực sản xuất.
Cũng trong năm 2021, nhà sản xuất chip GlobalFoundries của Mỹ đã công bố kế hoạch đầu tư 4 tỷ USD để xây dựng một nhà máy mới tại Singapore.
|
TRẦN ĐẮC LUÂN (theo Weforum, Nikkei Asia)