Hồ Xuân Hương không phải là nhà thơ nữ đầu tiên được đặt tên đường ở Đà Nẵng, nhưng là nhà thơ nữ đầu tiên được người Đà Nẵng dựng tượng ngay trên đường phố.
Tuyến đường Hồ Xuân Hương trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Ảnh: ĐẮC MẠNH |
Năm 1958, Đà Nẵng có đường Đoàn Thị Điểm (thuộc địa bàn quận Hải Châu ngày nay) - một trong những dịch giả Chinh phụ ngâm khúc, trong khi đến năm 1995 mới có đường Hồ Xuân Hương trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn. Tuy nhiên, thế cũng là sớm vì đến năm 2000 mới có thêm hai nhà thơ nữ được người Đà Nẵng vinh danh qua việc đặt tên đường là Bà Huyện Thanh Quan - tên thật Nguyễn Thị Hinh, tác giả bài thơ Qua Đèo Ngang nổi tiếng - cũng trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, và Ngọc Hân - tác giả bài Ai tư vãn khóc chồng là vua Quang Trung - trên địa bàn quận Sơn Trà.
Sang thế kỷ XXI, mới có thêm một số con đường nữa mang tên các nhà thơ nữ, như năm 2003 có đường Bà Bang Nhãn - tên thật Lê Thị Liễu, quê huyện Đại Lộc - ở quận Ngũ Hành Sơn và đường Sương Nguyệt Anh - con gái nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu - ở quận Sơn Trà. Năm 2010 có đường Mai Am - con gái vua Minh Mạng, và đường Ngô Chi Lan - em cô cậu ruột của vua Lê Thánh Tông - cùng ở quận Hải Châu. Năm 2012 có đường Anh Thơ, đường Hằng Phương Nữ Sĩ và đường Vân Đài Nữ Sĩ (ba nhà Thơ Mới 1932-1945) cùng ở quận Ngũ Hành Sơn. Năm 2016 có đường Phạm Thị Lam Anh - tên thật Phạm Hữu Thị Khuê và được xem là người mở đầu văn chương đất Quảng - ở quận Liên Chiểu. Năm 2018 có đường Xuân Quỳnh - người con dâu tài hoa của Đà Nẵng, người bạn đời của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ - ở quận Ngũ Hành Sơn.
Đấu tranh bảo vệ nữ quyền
Trong số các nhà thơ nữ được người Đà Nẵng vinh danh qua việc đặt tên đường, có lẽ chỉ có Hồ Xuân Hương là người gắn phần lớn sự nghiệp thi ca của mình với cuộc đấu tranh bảo vệ nữ quyền sớm nhất và quyết liệt nhất trong thời quân chủ ở nước ta. Đây là lý do thơ Hồ Xuân Hương không chỉ được đánh giá cao ở trong nước mà còn được hâm mộ ở nước ngoài qua các bản dịch tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Trung, tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ba Lan, tiếng Czech, tiếng Slovakia, tiếng Bulgaria, tiếng Romania và tiếng Phần Lan; đồng thời cũng là nguyên nhân chính dẫn đến sự kiện cuối năm 2021, Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 họp tại Paris (Pháp) đã thông qua danh sách 60 danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2022-2023, trong đó có Hồ Xuân Hương, để UNESCO cùng Việt Nam vinh danh và tham gia kỷ niệm 250 năm ngày sinh và 200 năm ngày mất của “Bà chúa Thơ Nôm” - theo cách gọi đầy trân trọng của GS. Lê Tâm trong cuốn sách Thân thế và thi ca Hồ Xuân Hương (Bà chúa Thơ Nôm) - NXB Cây Thông ấn hành năm 1950 ở Hà Nội.
Người Quảng vốn quen nói lái nên dễ cảm nhận cái thi vị của nhiều câu thơ Nôm nổi tiếng của Hồ Xuân Hương và từ đó rất dễ đồng cảm với cách xác định thương hiệu “Bà chúa Thơ Nôm” của GS. Lê Tâm. Tuy nhiên, danh xưng “Bà chúa Thơ Nôm” lại có khả năng dẫn tới ngộ nhận rằng Hồ Xuân Hương chỉ sáng tác thơ Nôm. Thực ra, tài thơ của Hồ Xuân Hương còn được bộc lộ qua không ít bài thơ chữ Hán.
Trong các bài thơ chữ Hán của Hồ Xuân Hương, có một bài dường như bà viết riêng cho công cuộc bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên biển. Đó là bài Hải ốc trù trong tập thơ Lưu hương ký. Nhan đề bài thơ rất có ý nghĩa nhưng lâu nay ít dịch giả quan tâm. Hoàng Xuân Hãn dịch thoát là Ngóng đỉnh Toan Ngoan, nhiều người khác giữ nguyên nhan đề chữ Hán. Hải là biển, ốc là nhà và trù là thẻ; hải ốc trù nghĩa là thẻ vào nhà trên biển.
Ở đây, có thể Hồ Xuân Hương đã vận dụng điển tích “Hải ốc thiêm trù” trong sách Thái bình ngự lãm biên soạn vào năm 977 đời nhà Tống: Ba ông lão gặp và hỏi tuổi nhau, một ông trả lời cứ mỗi lần bãi bể hóa thành ruộng dâu thì tôi lại bỏ thêm một thẻ và nay được mười thẻ rồi, ý nói mình đã tròn trăm tuổi. Vì thế, điển tích “Hải ốc thiêm trù” chủ yếu được dùng để chúc thọ. Tuy nhiên, có thể hiểu “Hải ốc thiêm trù” còn hàm nghĩa rằng có thêm bằng chứng sở hữu, chẳng hạn như bằng chứng xác lập chủ quyền…
Như vậy, trong tư duy nghệ thuật cũng như tư duy chính trị của Hồ Xuân Hương, Hải ốc trù là bằng chứng khẳng định Biển Đông thuộc chủ quyền của đất nước ta, đến Tần Thủy Hoàng dẫu rất muốn “lai xâm phạm” - theo cách nói của Lý Thường Kiệt - mà không thể: Đại để Thủy Hoàng tiên vị cập/ Cố lưu Nam điện củng kim âu (Hoàng Xuân Hãn dịch: Dấu ngựa Thủy Hoàng chưa đến đó/ Trời dành để giữ đất người Nam). Xin nói thêm, dấu ngựa Tần Thủy Hoàng chỉ dừng ở Cối Kê - nhìn ra Biển Hoa Đông chứ không phải Biển Đông - là điểm cực nam trong chuyến tuần du cuối cùng trước khi Tần Thủy Hoàng qua đời vào năm 210 trước Công nguyên, chấm dứt giấc mộng bành trướng lãnh thổ Trung Quốc về phương nam.
Người con dâu tài hoa của đất Quảng
Sinh thời, chắc Hồ Xuân Hương chưa từng đặt chân tới Đà Nẵng nói riêng, tới đất Quảng nói chung, mặc dù bà vẫn còn sống trọn hai thập niên sau ngày đất nước thống nhất. Thế nhưng, qua cuốn sách Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2021, nhà nghiên cứu Nghiêm Thị Hằng đã căn cứ hai câu thơ nôm Bên am Nhất Trụ trông còn đấy/ Ngọn nước Tam Kỳ chảy lại đâu trong bài Thu nguyệt hữu ức Mai Sơn Phủ ký (Đêm thu nhớ Mai Sơn Phủ, gửi bài này) Hồ Xuân Hương sáng tác năm 1815 để xác định quê chồng Hồ Xuân Hương là quan tri phủ Tam Đới Trần Phúc Hiển là Tam Kỳ Quảng Nam. Hồ Xuân Hương tái hôn với Trần Phúc Hiển từ năm 1816.
Đến năm 1822, phủ Tam Đới được vua Minh Mạng đổi tên thành phủ Vĩnh Tường. Như vậy, giống như trường hợp Xuân Quỳnh, Hồ Xuân Hương cũng là người con dâu tài hoa của đất Quảng. Trong cuốn sách Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương, nhà nghiên cứu Nghiêm Thị Hằng còn cho rằng, Hồ Xuân Hương đang yên nghỉ ngàn thu ở quê chồng từ năm 1850, bên cạnh người bạn đời Trần Phúc Hiển, gần dòng sông Tam Kỳ từng chảy trong thế giới nghệ thuật của “Bà chúa Thơ Nôm”…
Hồ Xuân Hương không phải là nhà thơ nữ đầu tiên được đặt tên đường ở Đà Nẵng, nhưng là nhà thơ nữ đầu tiên được người Đà Nẵng dựng tượng ngay trên đường phố. Dựa theo mẫu tượng Hồ Xuân Hương tại khu đền thờ họ Hồ ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An - quê hương nhà thơ, những nghệ nhân làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước đã tạc pho tượng bà chúa thơ Nôm bằng đá trắng nguyên khối cao hơn ba thước, ở tư thế đang ngồi với một tay cầm bút một tay cầm quạt - nhắc nhớ đến mấy câu thơ Hồ Xuân Hương viết về… cái quạt: Mười bảy hay là mười tám đây/ Cho ta yêu dấu chẳng dời tay (…) Hồng hồng má phấn duyên vì cậy/ Chúa dấu vua yêu một cái này và Mát mặt anh hùng khi tắt gió/ Che đầu quân tử lúc sa mưa… Pho tượng được đặt trên dải phân cách đầu đường Hồ Xuân Hương từ tháng 1-2017, nhân kỷ niệm 20 năm thành lập quận Ngũ Hành Sơn, và đã tạo thêm một điểm nhấn thẩm mỹ cho không gian công cộng của thành phố Đà Nẵng.
BÙI VĂN TIẾNG