* Các linh vật Nghê, Tỳ hưu, Kỳ lân ra đời với sự tích như thế nào và cách phân biệt giữa chúng? (Hoàng Ngọc Tú, quận Sơn Trà, Đà Nẵng)
Kỳ lân đá trưng bày tại Làng nghề Đá mỹ nghệ Non Nước, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Ảnh: V.T.L |
- Ba linh vật phong thủy Nghê, Tỳ hưu, Kỳ lân được cho là mang lại nhiều may mắn và tài lộc; không chỉ được trưng bày ở những nơi tôn nghiêm mang tính tâm linh mà còn được bài trí tại các tư thất sang trọng với ý niệm mang lại nhiều may mắn, tài lộc cho gia chủ. Theo phân tích của Công ty TNHH Đúc đồng Mỹ nghệ Quang Hà ở tỉnh Nam Định (dongmynghe.com.vn), 3 linh vật này có nguồn gốc, xuất xứ khác nhau.
Theo đó, Nghê là linh vật đặc trưng của người Việt từ ngàn xưa, phù hợp với bản sắc văn hóa Việt. Nghê có nét giống sư tử hoặc kỳ lân nhưng mang thân hình của loài chó. Theo quan niệm của người Việt, chó là loài vật thân thuộc, gần gũi với con người như người bạn, đầy tớ trung thành giúp gia chủ bảo vệ nhà cửa, phòng kẻ gian, chống thú dữ… Được hình tượng hóa từ loài chó, Nghê là sự kết hợp của thân chó và đầu kỳ lân với móng vuốt sắc nhọn, có răng nanh giống rồng.
Tỳ hưu được cho là xuất hiện đầu tiên ở Trung Hoa, từ thời Minh Thái Tổ lập nghiệp. Bấy giờ, ngân khố quá khó khăn khiến vua rất lo lắng. Một đêm, vua mơ thấy có con vật đầu lân, trên đầu có sừng, xuất hiện trước cung điện nuốt nhanh những thỏi vàng ròng sáng chói mang vào trong cung. Vua cho tạc tượng con vật này bằng ngọc phỉ thúy và đặt trên lầu cao. Cho đến triều đại Mãn Thanh, linh vật ấy vẫn rất mầu nhiệm, may mắn nên được đặt tên là Kỳ hưu (còn gọi là Tỳ hưu).
Kỳ lân là tên gọi chung của con Kỳ (con đực) và con Lân (con cái). Loài Lân không bao giờ ăn thịt hay làm hại bất cứ con vật nào, đặc biệt nó không bao giờ uống nước bẩn, chỉ ăn cỏ, nên người đời còn gọi nó là Nhân thú (con thú có lòng nhân từ).
Về cách phân biệt 3 linh vật này, cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Nam Anh ở Hà Nội (tuonggocaocap.com.vn) đã đưa ra những nhận xét cụ thể: Nghê là linh vật phong thủy thuần Việt được tạo hình từ con chó thần. Từ xa xưa, các cụ ta đã tạc tượng chó đá đặt trước cửa nhà nhằm xua đuổi tà ma, bảo vệ gia chủ khỏi thứ xấu vô hình.
Theo thời gian cùng với sự sáng tạo của các nghệ nhân đã biến tạo hình chó đá thành hình tượng con Nghê trông đẹp hơn và sống động hơn. Đặc biệt, tượng Nghê còn có thêm rất nhiều chi tiết, họa tiết như đầu thì giống sư tử, lại có bờm, thể hiện sự uy nghi, sức mạnh và oai nghiêm, đồng thời chân giống như chân chó, mình thon, đuôi dài vắt ngược lên lưng.
Tỳ hưu là con của rồng với tạo hình sống động như đầu rồng có sừng, thân giống sư tử có thêm cánh. So với Kỳ lân, Tỳ hưu có phần hung dữ hơn. Tỳ hưu có miệng rộng, chỉ thích ăn vàng, mông to nhưng không có hậu môn. Vì thế, Tỳ hưu mang ý nghĩa hút tài lộc, không bị thất thoát của cải.
Kỳ lân là linh vật có đầu rồng, thân hươu, mắt sư tử, eo gấu, lưng hổ, đuôi lợn, móng ngựa. Đầu rồng biểu tượng cho trí tuệ, quyền uy, sức mạnh. Thân hươu tượng trưng cho sự linh hoạt và nhanh nhẹn. Hình ảnh Kỳ lân thường là biểu tượng đại diện cho người quân tử, đấng nam nhi, có thể vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Theo truyền thuyết, khi có Kỳ lân xuất hiện là có quý nhân sinh ra, vì thế hình ảnh Kỳ lân thường gắn liền với điềm lành.
ĐNCT