PHÁT TRIỂN VĂN HÓA ĐỌC

Chuyện đọc

.

Niềm vui đọc sách với nhiều người là được đắm chìm trong từng con chữ giữa không gian yên tĩnh của nhà, hoặc ở nơi có trà, hoa và thiên nhiên tươi mát, trong lành.

“Ngày hội văn hóa đọc Đà Nẵng 2022” diễn ra tại khu vực Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng từ ngày 20 đến 24-4 thu hút đông đảo người dân, học sinh, sinh viên. Ảnh: PHẠM DOÃN TRIỀU
“Ngày hội văn hóa đọc Đà Nẵng 2022” diễn ra tại khu vực Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng từ ngày 20 đến 24-4 thu hút đông đảo người dân, học sinh, sinh viên. Ảnh: PHẠM DOÃN TRIỀU

Công viên 29-3 ngày cuối tuần đông nghịt khách. Vài bạn trẻ căng lều, nằm trên bãi cỏ lần giở từng trang sách mới. Hình ảnh thật đẹp và nên thơ giữa những ngày tháng tư.

Cầm trên tay cuốn Tuổi trẻ có bao lâu mà hững hờ của tác giả Quốc Thái (NXB Dân trí), Nguyễn Thị Diệu Hiền, sinh viên chuyên ngành Sư phạm Hóa học, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng nói cô đặt mua cuốn sách trên Cachep.vn sau khi đọc vài dòng giới thiệu: “Giữa những cơn bão tuổi hai mươi, người trẻ chúng ta thường vô thức phóng đại hóa và bi kịch hóa mọi tổn thương. Chỉ một chuyện buồn cỏn con cũng đủ để làm cuộc sống ngưng trệ, còn tâm trí thì lún sâu trong mớ cảm xúc u uất, tiêu cực. Khi ấy, sự hững hờ xuất hiện và nó sẽ đánh cắp khát vọng, mài mòn nỗ lực và làm lạc nhịp trái tim. Chúng ta cứ thế thả trôi tuổi trẻ trong vô định”.

Hiền bộc bạch, bạn đôi lần cũng bị cảm xúc tiêu cực xâm chiếm nên cảm thấy được đồng cảm, được sẻ chia, được thắp lên hy vọng trong tâm hồn. Cuốn sách chứa những câu chữ chân thành mà bất cứ ai đọc cũng thấy mình trong đó. “Tôi tin rằng, đến một lúc nào đó, khi trái tim đã bình tâm lại sau những chuyện đã qua, hạnh phúc sẽ đến vào một ngày chúng ta không ngờ nhất”, Hiền nói.

Ở cô gái này, đọc sách trước tiên phải vui và thư giãn. Chuyên ngành Hiền học có quá nhiều con số, công thức, nên cô chọn những cuốn sách có nội dung nhẹ nhàng, tinh tế, lời văn trau chuốt để cân bằng cảm xúc. Cảm giác nhàn nhã, dễ chịu khi đọc một cuốn sách hay giúp Hiền lấy lại năng lượng tích cực. Do đó, mỗi khi có thời gian, cô thường ra công viên hoặc đi cà phê đọc sách.

Trong khi đó, với ông Trần Phước Tuấn (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ), sách giúp ông tìm hiểu, nghiên cứu và chiêm nghiệm. “Tôi ghét người vừa đọc sách, vừa nói chuyện hoặc thấm nước bọt lên đầu ngón tay để lật trang kế tiếp. Tôi cũng không có thói quen gấp trang hay bôi mực làm dấu, đoạn nào hay, tâm đắc, tôi ghi vào sổ tay hoặc đánh máy để lưu, sau này dễ tìm kiếm”, ông Tuấn chia sẻ.

Sau 10 năm quay lại nhà ông Tuấn, tôi vẫn thấy cơ man nào là sách, từ những cuốn văn học kinh điển, đến sách dịch thuật, triết học, kinh tế - chính trị, truyện kiếm hiệp, trinh thám, truyện tranh... Không khó nhìn thấy những tập sách đồ sộ của tác giả Kim Dung (Trung Quốc) như Anh hùng xạ điêu, Thiên long bát bộ, Ỷ thiên đồ long ký; các tác phẩm nổi tiếng của Mario Puzo (nhà văn người Mỹ, gốc Ý) như Bố già, Đất khách quê người, Gia đình giáo hoàng, Luật im lặng, Những kẻ điên rồ phải chết.

Là người mê truyện Tàu, ông Tuấn có gần như đầy đủ các tác phẩm kinh điển: Tây du ký, Tình sử Võ Tắc Thiên, Liêu trai chí dị, Tam quốc diễn nghĩa, Tần Thủy Hoàng, Lưu công kỳ án… Tuổi cao cộng đôi chân khuyết tật khiến ông Tuấn khó khăn trong việc di chuyển từ tầng 1 lên tầng 2 - nơi ông bày biện hàng ngàn cuốn sách cũ. Do đó, để tiện cho việc đọc và nghiên cứu, sách được ông “rải” quanh nhà, từ góc bếp, chân cầu thang, bàn khách, phòng ngủ hay trên kệ, trên ghế.

Ông Tuấn bảo, số đầu sách trong nhà ông hiện khoảng 5.000 cuốn, phần lớn là sách cũ và không thiếu những cuốn sách mới xuất bản. Những hôm muốn tập trung cho việc đọc, ông đóng chặt cửa nhà, vờ như mình đi vắng. Dần dà, mọi người hiểu tính ông khi nên tránh làm phiền.

Có người nói rằng, cà phê sách tựa như dịch vụ lưu trú, ta đến đó một lần, nếu cảm thấy ưa thích, sẽ chủ động tìm đến những lần sau. Đó là cái cảm giác thân quen, gần gũi mà cà phê sách mang lại cho bạn đọc. Đơn cử, cuối năm 2021, người yêu sách Đà Nẵng tỏ ra tiếc nuối khi The Books Library & Coffee ở địa chỉ 12 Cao Thắng (quận Hải Châu) thông báo dừng hoạt động, chuyển nhượng sang chủ mới.

Tiếc nuối, bởi đây là quán cà phê sách có mô hình hoạt động khá giống thư viện, thậm chí thu hút hơn thư viện bởi không gian rộng thoáng, đồ ăn, thức uống ngon. Ngoài 10.000 tựa sách, sắp xếp theo thư mục dành cho bạn đọc tại chỗ, The Books Library & Coffee cung cấp các gói mượn sách qua ứng dụng thông minh, có nhân viên giao nhận tại nhà. Với những tiện ích như thế, The Books Library & Coffee từng đón hàng trăm lượt bạn đọc mỗi ngày. Dựa vào lượng bạn đọc có sẵn, Tinker Coffee (tên mới của The Books Library & Coffee sau chuyển nhượng - PV) tiếp tục phát triển mô hình cà phê sách tại địa chỉ này.

Nguyễn Nam Phương, sinh viên khoa Du lịch, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng cho hay, Tinker Coffee cơ bản đáp ứng những sứ mệnh mà The Books Library & Coffee để lại; đó là liên tục bổ sung sách mới, sắp xếp có hệ thống và dành sự yên tĩnh (không mở nhạc) cho khách đọc sách hoặc làm việc, học tập trên máy tính.

Trong khi đó, quán cà phê Góc nhà tụi mình (quận Hải Châu) là địa chỉ quen thuộc cho những ai muốn đọc sách một mình. Chị Ngô Thị Mai (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) - vị khách quen của quán, nói bản thân chị rất khó đọc sách nếu người bên cạnh hoặc bàn bên cạnh nói chuyện, mở nhạc ồn ào. Chị Mai chia sẻ: “Ở không gian đông đúc, ồn ào, tôi không thể đọc được sách. Do đó, nếu không đọc được ở nhà, tôi sẽ đến công viên hay những quán cà phê yên tĩnh như Góc nhà tụi mình. Sách ở đây không nhiều, nhưng khá chọn lọc”.

Nguyễn Thị Ái Tầm, thành viên sáng lập Góc nhà tụi mình, mong muốn tạo dựng một không gian nhẹ nhàng, ấm cúng và phù hợp với người đọc sách. Ở đó, khách của chị có thể đọc sách, uống trà, cà phê và vuốt ve tụi mèo con. Chị chia sẻ, Góc nhà tụi mình có vài người khách thích đến đây sáng sớm để đọc sách trong bầu không khí yên tĩnh, tinh khôi. “Vào buổi trưa hoặc buổi chiều nắng ngập ngoài hiên, bạn cũng có thể ghé đến Góc nhà tụi mình để đọc hoặc để nghe những bản guitar hòa tấu, với âm thanh vừa đủ”, Ái Tầm bộc bạch.

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.