Trong xu thế văn hóa đọc bị tác động mạnh mẽ của công nghiệp giải trí và công nghệ số, việc chấn hưng văn hóa đọc theo tinh thần Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 cần được quan tâm, đầu tư một cách bài bản và nghiêm túc.
Ngày 18-4-2022, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng) tổ chức Tuần lễ đọc sách và Văn hóa đọc năm 2022 với chủ đề “Gieo hạnh phúc qua từng trang sách”. TRONG ẢNH: Các cán bộ, giảng viên Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng) phát động quyên góp tủ sách cộng đồng UFLS. Ảnh: PV |
Những động thái gần đây cho thấy sự khởi sắc trong cuộc chạy đường trường chấn hưng văn hóa đọc, nhưng cũng cần tiếp sức liên tục trên hành trình hướng tới đích.
Quá ít người đọc sách
Theo số liệu do Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), thống kê 5 năm (2014-2019), số tựa sách được in tăng 30%, số bản sách được in tăng 19%. Tuy nhiên, số lượng sách phát hành được chỉ tăng 16%.
Theo báo cáo năm 2021 - năm thứ hai chịu tác động Covid-19, tổng số xuất bản phẩm nộp lưu chiểu là 32.948 xuất bản phẩm (giảm 9%); trong khi đó số lượng xuất bản phẩm phát hành giảm tới 31,8%, doanh thu phát hành giảm 21,6%... Tỷ lệ xuất bản phẩm bình quân đầu người năm 2021 đạt 4,08 bản/người/năm (giảm 1,2%).
Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho hay, có 2 vấn đề đặt ra: Thứ nhất, số lượng sách phát hành tăng trưởng thấp so với xuất bản, cho thấy người đọc tiếp cận với sách còn thấp; đó là chưa nói, sau khi mua, người ta có thực đọc hay không lại là chuyện rất khác. Thứ hai, tỷ lệ người đọc sách ở Việt Nam so với dân số còn quá thấp. Tỷ lệ xuất bản phẩm bình quân đầu người hơn 4%, nhưng trừ đi sách giáo khoa và giáo trình, tỷ lệ này chỉ còn khoảng 1,4%.
Ông Lê Hoàng dẫn chứng số liệu để so sánh với các nước trong khu vực châu Á: Năm 2017, tính số tròn, Việt Nam có 90 triệu dân, 30.000 tựa sách và doanh thu từ thị trường sách là 180 triệu USD, bình quân 2 USD người/năm. Trong khi đó, ở Malaysia, dân số bằng 1/3 dân số Việt Nam, bình quân gần 9 USD/người/năm (gấp 4,64 lần); Thái Lan dân số bằng hơn 1/2 dân số Việt Nam, bình quân hơn 10 USD/người/năm (gấp 5,33 lần); Hàn Quốc doanh thu đạt xấp xỉ 5,176 tỷ USD, bình quân hơn 104 USD/người/năm (gấp 52 lần)...
Theo những người công tác lâu năm trong ngành xuất bản, tỷ lệ người đọc sách nói riêng và văn hóa đọc tại Việt Nam nói chung chưa có những tín hiệu khởi sắc, đó là do chưa hình thành thói quen đọc sách trong cộng đồng, nhà trường và gia đình; nay lại bị tác động của làn sóng công nghiệp giải trí và công nghệ số chi phối mạnh mẽ thêm.
Ông Lê Hoàng cho hay, cản trở đối với sự phát triển của văn hóa đọc hiện nay còn đến từ 3 yếu tố. Về phía nhà trường, còn thiếu tiết đọc sách trong khung thời khóa biểu chính thức và chưa tổ chức tốt việc hướng dẫn đọc sách cho học sinh trong nhà trường. Về phía gia đình, cha mẹ thiếu sự quan tâm, phát triển thói quen đọc sách từ sớm cho trẻ. Về phía ngành xuất bản, các nhà xuất bản (NXB), công ty sách, phát hành chưa thật sự quan tâm công tác thị trường và các biện pháp góp phần thúc đẩy văn hóa đọc.
Tại hội nghị công tác quản lý xuất bản do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin - Truyền thông và Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức ngày 21-1 vừa qua, ông Trần Thanh Lâm, Phó ban Tuyên giáo Trung ương đã chỉ ra những hạn chế từ nội tại của công tác quản lý và hoạt động xuất bản, phát hành. Đó là: Một số cơ quan chủ quản chưa thực sự quan tâm trong chỉ đạo, điều hành, giám sát hoạt động của NXB. Một số nơi, cơ quan chủ quản còn “khoán trắng”, để NXB tự hoạt động. Nguồn sách đặt hàng của chủ quản nhìn chung giảm so với những năm trước cả về kinh phí lẫn số các đơn vị được đầu tư. Phần lớn NXB hiện nay có quy mô nhỏ bé. Một số NXB tụt hậu về công nghệ, không đủ điều kiện để mở rộng, phát triển hoạt động theo hướng hiện đại và chuyên môn hóa; việc triển khai xuất bản điện tử, chuyển đổi số trong xuất bản còn chậm, chưa có đủ năng lực bứt phá. Việc thực hiện quy hoạch ngành xuất bản chưa hiệu quả; mô hình hoạt động của nhiều NXB còn chồng chéo; dưới tác động của đại dịch Covid-19, các NXB hoạt động theo mô hình doanh nghiệp càng chịu ảnh hưởng do gánh nặng về thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng…
Những tín hiệu khởi sắc
Thực hiện chủ trương, nhiệm vụ hội nghị Văn hóa toàn quốc đề ra, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1862/QĐ-TTg ngày 4-11-2021 triển khai Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất, trên cơ sở Ngày Sách Việt Nam (21-4) hằng năm, nhằm khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức… Có thể nói, việc đưa “Văn hóa đọc” đi cùng với “Sách” trong ngày 21-4 hằng năm chính là thúc đẩy một bước tiến mới nhằm chấn hưng văn hóa đọc trong cộng đồng, nhà trường và gia đình.
Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai hàng loạt hoạt động đẩy mạnh công tác xuất bản, quảng bá, phát hành nhằm chăm lo vun xới cho mảnh đất văn hóa đọc phát triển. Đó là nghiên cứu, xây dựng Chiến lược phát triển ngành xuất bản và Chương trình hành động giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; xây dựng và hoàn thiện Đề án đặt hàng xuất bản phẩm sử dụng ngân sách Nhà nước giai đoạn 2022-2026, Đề án Chương trình Sách quốc gia; lấy ý kiến về triển khai sách rút gọn…
Theo ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Chương trình Sách quốc gia được xây dựng trên cơ sở tích hợp 4 đề án đã được xây dựng trước đây nhằm đưa ra một chương trình tổng thể, đồng bộ ở tầm quốc gia về xuất bản sách chất lượng cao, sách cho đông đảo tầng lớp nhân dân và sách phục vụ thông tin đối ngoại. Theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ ngày 29-12-2021, Đề án Chương trình Sách quốc gia giai đoạn 2022-2026 được thực hiện với việc xuất bản mới và tái bản 500 đầu sách dưới dạng xuất bản phẩm với các thể loại: chính trị, xã hội và văn hóa, thông tin đối ngoại, thiếu niên - nhi đồng, do ngân sách Nhà nước bảo đảm.
Bên cạnh đó, các ngành giáo dục - đào tạo, văn hóa… cũng đẩy mạnh triển khai xây dựng nền tảng, tổ chức hoạt động quảng bá văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng. Các NXB, các đơn vị phát hành nỗ lực làm mới về xuất bản các ấn phẩm có chất lượng nội dung tốt và hình thức đẹp để thu hút bạn đọc; triển khai ứng dụng sách điện tử, sách nói… phù hợp với điều kiện chuyển đổi số...
Đọc sách là nét đẹp văn hóa, giúp con người mở rộng tri thức, hiểu biết trên mọi lĩnh vực. Ảnh: ĐẮC MẠNH |
Cần bước đi đồng bộ
Để chấn hưng văn hóa đọc, tạo môi trường lành mạnh góp phần thúc đẩy sự nghiệp xây dựng văn hóa theo hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 đề ra, vẫn còn nhiều việc phải làm trước mắt và lâu dài. Hành trình này như một cuộc chạy đường dài, sau khi khởi động phải giữ được sức bền, cần có sự tiếp sức thường xuyên để hướng về đến đích.
Trong hàng loạt hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất, tại tọa đàm “Văn hóa đọc - Cơ hội, thách thức và những kiến nghị” do Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức tối 15-4, ông Lê Hoàng cho rằng, muốn phát triển văn hóa đọc, phải thúc đẩy phát triển đồng bộ 3 trụ cột: Các nhà quản lý, cơ quan quản lý Nhà nước; các cộng đồng xã hội và mỗi cá nhân trong xã hội mà trung tâm là người đọc.
Theo ông Lê Hoàng, cần thành lập một Ủy ban Quốc gia phát triển văn hóa đọc Việt Nam để thống nhất chỉ đạo và triển khai các hoạt động. Cùng với đó, Hội xuất bản Việt Nam tổ chức nghiên cứu, khảo sát định kỳ 5 năm một lần về thực trạng đọc trong xã hội làm cơ sở xây dựng các kế hoạch dài hạn, phát triển toàn diện và đồng bộ văn hóa đọc. Bộ Thông tin - Truyền thông bổ sung một số điều khoản về nội dung phát triển văn hóa đọc vào Luật Xuất bản sửa đổi sắp tới. Chính phủ cần đẩy mạnh các hoạt động văn hóa đọc nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Nhà nước đầu tư hơn nữa cho các thư viện văn hóa - tổng hợp, đặc biệt là thư viện trường học có đủ kinh phí hoạt động và phát triển ngang tầm các hệ thống thư viện tương ứng trong khối ASEAN. Bộ Giáo dục và Đào tạo chú trọng việc tổ chức dạy và học theo phương pháp lớp học đảo ngược và đọc có hướng dẫn (guide reading) - khuyến khích giáo viên và học sinh thu thập, chia sẻ thông tin từ nguồn tài nguyên thông tin (xuất bản phẩm) của thư viện, thực hiện hiệu quả các tiết đọc sách trong nhà trường. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa việc đọc sách và xây dựng tủ sách gia đình vào tiêu chí gia đình văn hóa; kích hoạt các giải pháp để khuyến khích cha mẹ đọc sách cùng con và mỗi gia đình phải xây dựng được tủ sách gia đình và góc sách cho trẻ.
Với những nền tảng đã chuẩn bị trong hàng chục năm qua, với cú khởi động “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” lần thứ nhất (21-4-2022), với một sự tiếp sức đồng bộ và bền bỉ, hành trình văn hóa đọc sẽ hình dung một đích đến tốt đẹp.
ANH QUÂN