BẢO ĐẢM AN TOÀN LAO ĐỘNG

An toàn là trên hết

.

Kiểm soát tai nạn lao động, bảo vệ sức khỏe của người lao động là mục tiêu mà các cấp, các ngành, các đơn vị, doanh nghiệp hướng đến nhằm tạo môi trường sản xuất an toàn, chất lượng. Chính phủ chọn tháng 5 là Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) để tăng cường các biện pháp giảm rủi ro tai nạn lao động, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc.

Công ty CP Cao su Đà Nẵng luôn thực hiện đúng, đủ các chế độ chính sách cho người lao động về an toàn vệ sinh lao động. Ảnh: T.T
Công ty CP Cao su Đà Nẵng luôn thực hiện đúng, đủ các chế độ chính sách cho người lao động về an toàn vệ sinh lao động. Ảnh: T.T

ATVSLĐ là các giải pháp phòng, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm, có hại nhằm bảo đảm không xảy ra thương tật, tử vong, bệnh tật, làm suy giảm khả năng lao động đối với con người trong quá trình lao động. Năm 2022, Tháng hành động về ATVSLĐ được tổ chức từ ngày 1-5 đến 31-5 tại tất cả các địa phương trên cả nước.

Hình thành thói quen bảo đảm an toàn

Đảm nhận chức năng vận hành lưới điện bảo đảm cung ứng điện an toàn, liên tục phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) không ngừng nỗ lực để không xảy ra tai nạn lao động, không có trường hợp vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp. Tại Điện lực Đà Nẵng, những năm qua, các chỉ tiêu kỹ thuật, quản lý, vận hành đáp ứng tốt, nhất là giảm sâu các sự cố trung áp, không có sự cố lưới điện 110kV…

Ông Nguyễn Thái Hùng, Trưởng phòng An toàn, Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng cho biết, có được kết quả trên là nhờ công ty thực hiện đồng bộ các giải pháp an toàn, nâng cao ý thức người lao động về ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ. “Công tác sinh hoạt an toàn đầu giờ tại công ty luôn thực hiện hằng ngày để người lao động nắm rõ công việc, kiểm tra sức khỏe, tâm lý cũng như kiểm tra đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân, trang bị công cụ an toàn trước khi ra hiện trường”, ông Hùng cho hay.

Cũng theo ông Hùng, công ty yêu cầu các đơn vị kịp thời phân tích nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm để hạn chế tối đa tai nạn lao động. Công nhân trực tiếp trên lưới điện luôn ghi nhớ việc bảo đảm an toàn cá nhân và phòng nguy cơ tai nạn lao động. “Công ty cho in các bộ móc khóa an toàn lao động có các biểu tượng, khẩu hiệu an toàn và cấp phát cho cán bộ, nhân viên, người lao động; đồng thời in, gửi thông điệp “Thích ứng an toàn - Về nhà an toàn” treo lên trụ sở làm việc, gửi thông điệp “Về nhà an toàn” đến nhà mỗi một cán bộ, nhân viên, người lao động để nhắc nhở họ nâng cao cảnh giác với tai nạn lao động. Điện lực Đà Nẵng mong muốn từ các giải pháp triển khai có thể xây dựng được “Văn hóa an toàn” trong mỗi người lao động, từ đó hình thành thói quen bảo đảm tuyệt đối an toàn lao động trước khi thực hiện nhiệm vụ”, ông Hùng chia sẻ.

Với tiêu chí an toàn là trên hết, nhiều năm qua, Công ty CP Cao su Đà Nẵng (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) không để xảy ra tai nạn lao động chết người hay sự cố cháy nổ nghiêm trọng. Có được kết quả đó, là nhờ đơn vị thực hiện đúng, đầy đủ các chế độ chính sách cho người lao động về ATVSLĐ; thực hiện tốt các quy định về bảo hộ lao động, phòng chống cứu hộ, cứu nạn, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, nhân viên, người lao động về ATVSLĐ.

Ông Nguyễn Văn Đoàn, Trưởng ban Bảo hộ lao động, Công ty CP Cao su Đà Nẵng cho hay: “Công ty thường xuyên tổ chức hoặc phối hợp một số đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ cung cấp các kiến thức về ATVSLĐ, sơ cấp cứu tai nạn lao động cho người lao động. Thực hiện các biện pháp bảo hộ lao động, xây dựng video hướng dẫn công tác an toàn, quy trình vận hành máy an toàn, vệ sinh môi trường nơi làm việc nhằm bảo đảm an toàn cho người lao động. Nhờ vậy, người lao động luôn ý thức chấp hành đúng, đủ các biện pháp an toàn tại hiện trường công tác, không xảy ra sự cố và tai nạn lao động, hướng đến tạo môi trường làm việc an toàn, thân thiện”.

Nỗ lực hạn chế tai nạn lao động

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH), từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 5 vụ tai nạn lao động làm 5 người chết trong các lĩnh vực về công trình xây dựng, khai thác và chế biến đá. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động, trong đó phổ biến là do người lao động vi phạm nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn.

Để hạn chế thấp nhất tai nạn lao động, Sở LĐ, TB&XH luôn có văn bản hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp tự kiểm tra, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại, đánh giá hệ thống ATVSLĐ tại đơn vị để có giải pháp phòng ngừa. Song song đó, đẩy mạnh hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp, các nhà thầu thi công công trình kiểm tra máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, thực hiện đầy đủ công tác kiểm định, khai báo… đúng quy định.

Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Giám đốc Sở LĐ, TB&XH thành phố nhấn mạnh: “ATVSLĐ là công tác quan trọng không chỉ với cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực, ngành mà còn với mỗi một doanh nghiệp, đơn vị và người lao động nên phải thực hiện thường xuyên, liên tục. Tại Đà Nẵng, những năm gần đây, nhờ làm tốt công tác ATVSLĐ, số vụ tai nạn lao động giảm đáng kể; điều kiện lao động, làm việc của người lao động dần được cải thiện. Các đơn vị, doanh nghiệp ứng dụng hiệu quả hệ thống ATVSLĐ, các biện pháp kỹ thuật ATVSLĐ nên các yếu tố nguy hiểm, có hại trong quá trình lao động, sản xuất kiểm soát tốt hơn, hạn chế tai nạn lao động”.

Hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ, trong tháng 5 này, các sở, ban, ngành, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố triển khai đồng loạt các hoạt động tăng cường các biện pháp giảm rủi ro về ATVSLĐ, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc; không ngừng đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động và người lao động thực hiện ATVSLĐ, góp phần bảo vệ tính mạng, sức khỏe người lao động.

THANH TÌNH

;
;
.
.
.
.
.