BẢO ĐẢM AN TOÀN LAO ĐỘNG

Phòng ngừa tai nạn lao động trên biển

.

“Tôi hiếm khi bỏ cuộc nhỡ điện thoại, lúc nào cũng túc trực 24/24 giờ. Sau 22 giờ mà có số điện thoại lạ gọi đến thì linh cảm có chuyện chẳng lành và hầu như là điện thoại gọi liên hệ cứu nạn khẩn cấp của người nhà nạn nhân. Cũng may, vợ con thông cảm và chia sẻ công việc của chồng nên không có trở ngại gì lắm”, anh Hồ Xuân Phong, Trưởng phòng Phối hợp cứu nạn, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 (DaNang MRCC), Cục Hàng hải Việt Nam, chia sẻ.

DaNang MRCC triển khai ứng cứu kịp thời các thuyền viên gặp tai nạn lao động trên biển. Ảnh: Đ.G.H
DaNang MRCC triển khai ứng cứu kịp thời các thuyền viên gặp tai nạn lao động trên biển. Ảnh: Đ.G.H

Theo báo cáo của DaNang MRCC, trong năm 2021 xảy ra 81 vụ tai nạn trên biển. Từ đầu năm đến ngày 22-4 có 24 vụ. Hầu hết các vụ tai nạn do hỏng máy, thả trôi, mắc cạn, thủng tàu, chìm tàu, đâm va, nước tràn vào tàu, mất tích, người rơi xuống biển và bệnh tật. Mỗi khi có vụ việc, các nhân viên phối hợp cứu nạn phải đi công tác 3-6 ngày. Đặc biệt, có những vụ tai nạn rất nguy hiểm, không chỉ ảnh hưởng đến tính mạng thuyền viên mà còn ảnh hưởng đến nhân viên cứu nạn do thời tiết khắc nghiệt.

Quả cảm cứu người gặp nạn

Trong ký ức của anh Hồ Xuân Phong, chuyến công tác tham gia phối hợp cứu nạn tàu Vietship 01 trên biển Cửa Việt (Quảng Trị) là vụ việc hết sức nguy kịch đòi hỏi sự nhanh nhạy và dũng cảm của các thuyền viên mới hoàn thành nhiệm vụ. Anh Phong cho biết, sau khi nhận được thông tin, anh cùng nhân viên tức tốc lên đường, chỉ kịp mang theo một bộ đồng phục, một bộ bảo hộ lao động. Sau đó, DaNang MRCC điều xuồng chở bằng đường bộ ra bãi biển Cửa Việt để tiếp cận tàu Vietship 01. Trong 6 ngày ứng cứu, tất cả các anh em hầu như ngâm mình dưới nước trong bộ đồ bảo hộ ướt sủng.

Vietship 01 là tàu nạo hút bùn dưới biển. Sáng 8-10-2020, khi neo ở biển Cửa Việt, tàu gặp lũ và gió mạnh nên bị đánh chìm, chỉ còn phần cabin, ống khói và phần dàn sắt phía trước nổi trên mặt nước cách bờ khoảng 800m. Trên tàu Vietship 01 có 12 người, kể cả 3 thuyền viên của tàu Vietship TK 12 được cứu trước đó. Ngay khi nhận được tin báo, anh Phong cùng với đồng đội lập tức tới hiện trường. “Khó khăn mà chúng tôi gặp phải ở đây là tác nghiệp trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, địa hình nước sâu, có gió và sóng lớn, đòi hỏi mình không được sai sót vì không bao giờ có cơ hội làm lại. Chúng tôi hầu như quên đi sự nguy hiểm của tính mạng mình để tập trung sơ cứu, kiểm tra chỉ số sinh tồn cho những người bị đuối nước. Sau khi gọi, lay người nạn nhân dậy và hỏi xem họ còn nhận thức được không, rồi mới ủ ấm cơ thể cho đến khi tỉnh hẳn”, anh Phong kể.

Trước tình hình thời tiết khắc nghiệt, một số đơn vị cứu hộ ngay lập tức được triển khai nhưng kế hoạch cứu hộ không khả thi. Ngày 9-10, 4 thuyền viên đã bơi được vào bờ, 8 thuyền viên còn lại bám vào phần nổi của chiếc tàu, cố gắng cầm cự. Tuy nhiên, 2 thuyền viên bị sóng mạnh cuốn trôi ra biển khi đang làm nhiệm vụ canh bờ, anh Trần Văn Khôi làm việc tại DaNang MRCC ngay lập tức buộc một sợi dây vào người, xả thân vượt những con sóng cao 5m và dòng chảy xiết để giải cứu cả 2 người này thoát hiểm. Chiều cùng ngày, 2 thuyền viên khác của tàu hàng bị nạn may mắn được sóng đánh dạt vào bờ. Chiều 10-10-2020, anh Khôi tiếp tục xung phong cùng lực lượng cứu nạn đưa tàu cá cùng 4 người, dũng cảm vượt sóng ra tiếp cận tàu Vietship 01 và đưa được 2 người về bờ thành công. Lúc này, do hoảng loạn, 2 thuyền viên trên tàu Vietship 01 đã nhảy xuống biển. Trước tình huống này, anh Khôi liều mình bơi ra cứu được 2 thuyền viên đưa về bờ an toàn. Đến ngày 11-10-2020, trực thăng cứu hộ được triển khai đến hiện trường và những người mắc kẹt trên tàu Vietship 01 được cứu an toàn.

Hành động phi thường của anh Khôi đã được Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) tôn vinh và trao giải thưởng cao quý “Hành động đặc biệt dũng cảm trên biển”. Đây cũng là lần đầu tiên thuyền viên Việt Nam vinh dự được nhận giải thưởng uy tín này của IMO. Nhớ lại những khoảnh khắc nguy hiểm đó, anh Khôi cho biết: “Càng về chiều ngày 10-10, mỗi con sóng gió càng thêm dữ dội hơn, tham gia trực tiếp ở hiện trường 2 ngày liên tiếp nên tôi và đồng nghiệp hiểu rõ mức độ nguy hiểm của công tác cứu nạn lần này vì sống chết chỉ cách nhau tích tắc. Với tâm trạng hồi hộp, chúng tôi nổ máy xuồng cứu nạn lao ra biển, mỗi cơn sóng phủ qua xong là một lần chúng tôi biết mình vẫn còn sống. Quãng đường ra khơi đã gian nan nhưng lúc tiếp cận được gần tàu Vietship 01 còn khó khăn hơn nhiều lần”.

Tăng cường giảm rủi ro

DaNang MRCC phụ trách vùng biển từ vĩ tuyến 17010’ Bắc đến 13036’ Bắc (từ vùng biển nam Quảng Bình đến nam Bình Định), phía đông nằm ở kinh độ 116000’ Đông. Hiện Trung tâm có 2 tàu SAR412, SAR274 hoạt động cứu nạn trên vùng biển xa và 2 ca nô cao tốc ứng cứu gần bờ. Trong tổng số 72 cán bộ, viên chức, người lao động của trung tâm, có 50 người thuộc khối phương tiện, thường xuyên thực hiện công tác phối hợp cứu nạn. Đặc biệt, đây là vùng biển chịu nhiều ảnh hưởng của bão, gió mùa, trong khi ngư dân hoạt động đánh cá rất đông, nhất là vùng biển Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Do đó, lực lượng phương tiện và con người cứu nạn vẫn còn mỏng.

Thực tế cho thấy, tai nạn trên biển chủ yếu do thời tiết xấu, thiết bị tàu hư hỏng và bệnh tật. Trong khi đó, nghề đi biển không thu hút được lao động trẻ, khỏe, do môi trường làm việc quá khắc nghiệt, thu nhập chưa tương xứng với công sức bỏ ra nên nhiều người không mặn mà. Điều này dẫn đến chủ tàu phải thuê những người chưa có kinh nghiệm nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Đặc biệt, hoạt động bắt hải sản chủ yếu vào ban đêm, trái với nhịp sinh học của con người nên rất nguy hiểm với những người bị bệnh cao huyết áp, ruột thừa, dạ dày mạn tính.

Để giảm rủi ro tai nạn trên biển, hằng năm, DaNang MRCC hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Sở Thủy sản, Hội nghề cá, Cảng vụ hàng hải các địa phương tổ chức từ 10-12 hội nghị cho ngư dân về an ninh an toàn hàng hải, tìm kiếm cứu nạn, sơ cấp cứu trên biển, chủ quyền biển đảo…; từ đó giúp bà con ngư dân nắm rõ thông tin để hoạt động trong vùng biển cho phép, tránh tai nạn lao động đáng tiếc xảy ra. Theo anh Hồ Xuân Phong, do nhiều ngư dân không nắm được Luật Hàng hải Việt Nam, Luật Hàng hải Quốc tế, Luật An toàn giao thông hàng hải của các nước nên thường xảy ra vi phạm, chẳng hạn như: neo tàu không có người trực, không có biển cảnh báo nên tàu hàng lớn không phát hiện ra, dẫn đến va chạm. Sau khi được tập huấn, bà con quan tâm cắt cử người trực tàu, khi thấy tín hiệu tàu hàng thì chủ động né tránh. Bên cạnh đó, DaNang MRCC còn hướng dẫn ngư dân cách báo nạn để thông tin sớm tới được với đơn vị chuyên trách. Những phương tiện đánh bắt xa bờ có trang bị thiết bị định vị thì hướng dẫn bà con cách đọc số trên màn hình để hỗ trợ cứu hộ dễ dàng hơn.

Hiện nay, ngư dân có nhiều kênh để liên lạc khi gặp nạn như Đài Thông tin duyên hải, Bộ đội Biên phòng. Sau khi nhận được thông tin từ phía nạn nhân, DaNang MRCC tìm cách liên lạc với tàu, hướng dẫn điều xe y tế, hoặc phối hợp Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng, Bệnh viện 199 Đà Nẵng… triển khai phương án ứng cứu. “DaNang MRCC có 1 bác sĩ thường xuyên đi cùng đội cứu nạn để hướng dẫn y tế. Đa phần các sự cố xảy ra khi gặp nạn trên biển, sau khi liên lạc với DaNang MRCC đều được cử phương tiện tàu và xe cấp cứu ứng cứu kịp thời, bảo đảm tính mạng”, anh Hồ Xuân Phong cho biết.

ĐOÀN GIA HUY

;
;
.
.
.
.
.