Để quên điện thoại

.

Chị tôi than: “Thằng con không về thăm thì buồn, mà về còn buồn hơn”. Tôi ngạc nhiên hỏi lại chị, vì cháu trai tôi vốn ngoan ngoãn. Chị tôi kể, nó tình cảm lắm, ở xa nhưng tối nào cũng gọi điện hỏi thăm chị vài câu rồi mới đi ngủ. Vậy nhưng, khi về nhà, chỉ ngoài lúc ăn cơm và chìm vào giấc ngủ thì lúc nào nó cũng dán mắt vào màn hình điện thoại. Đến nỗi chị muốn nói chuyện gì với con cũng thấy không tiện, hoặc đang nói thì có tín hiệu từ điện thoại làm cắt ngang câu chuyện. Ánh sáng từ màn hình cảm ứng như bức tường cao ngăn cách cuộc đối thoại giữa hai mẹ con. 

Tôi hiểu nỗi niềm của chị - thế hệ không cần phương tiện công nghệ để kết nối, mang lại niềm vui. Tôi cũng hiểu cháu - thế hệ Z (Gen Z - những người được sinh vào khoảng thời gian từ năm 1997-2012), sinh ra đã tiếp xúc với công nghệ và dễ dàng bị lệ thuộc công nghệ. Và tôi ở thế hệ chuyển giao giữa hai thế hệ đó.

Trong cuốn sách có tựa đề “Dopamine Nation”, tác giả Anna Lembke đề cập chứng “nghiện” smartphone và lý giải rằng, người dùng không thể tách rời smartphone là do não bộ đã quen tìm kiếm sự kích thích từ những thông báo liên tục, nhanh chóng mang lại sự thỏa mãn tức thì. Mỗi khi vào các trang web yêu thích, cơ thể nhận được một chút dopamine (một loại chất dẫn truyền thần kinh do cơ thể tạo ra nhằm truyền thông tin giữa các tế bào thần kinh) khiến họ cảm thấy thích thú. Sự kích thích liên tục này sẽ dẫn đến mệt mỏi và tạo nên một vòng tròn luẩn quẩn, tức khi không nhận được chất kích thích đó, người dùng sẽ cảm thấy chán nản và thèm muốn nó. Đó là chưa kể đến tác hại của ánh sáng xanh và sóng wifi.

Điều đáng lo ngại nữa là thói quen dùng điện thoại liên tục làm giảm những tương tác khác, như sự kết nối giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em trong gia đình... Những buổi sinh hoạt chung trong gia đình dường như thưa vắng dần, hoặc có khi ngồi bên nhau mà chẳng ai nói chuyện với ai vì trên tay mỗi người là... một chiếc điện thoại...

Vì vậy, xét cho cùng, Gen Z mới là thế hệ thiệt thòi - thế hệ của sự rời rạc và ngắt quãng, từ sự kết nối, bữa cơm gia đình, đến cử chỉ yêu thương… Ngoài việc đối mặt với cuộc sống, Gen Z còn có thêm những lo lắng đến từ chiếc điện thoại, như sợ bỏ lỡ những thông tin mới nhất của người mình yêu thích, không ngừng so sánh bản thân với người khác, kể cả việc mong đợi những cái like (thích), comment (bình luận) từ status (dòng trạng thái) của mình trên mạng xã hội, từ đó khiến phiền não phát sinh.

Ở lớp học mà tôi tham gia có nhiều bạn Gen Z, dù ngồi cạnh nhau nhưng gần như không còn thói quen giao tiếp với nhau bằng lời nói nữa, nếu có cũng nhờ smartphone kết nối thông qua các kênh mạng xã hội thông dụng. Những cảm xúc được thay bằng icon (biểu tượng cảm xúc) đủ thứ hình thù phong phú. Vậy nên, có những mối quan hệ tưởng như thân thiết lắm trên mạng xã hội, nhưng khi bước ra đời sống thực, lại như người xa lạ.

Để khắc phục điều này, không ai khác, chính những “tín đồ” ấy phải “thức tỉnh” bằng cách buông chiếc điện thoại, để dành thời gian đó cho những việc có ích với bản thân hơn như: học tập, đọc sách, rèn luyện thể chất, hay những thú vui lành mạnh khác.

Tôi thấy thật may mắn vì mình không bị sức hấp dẫn của điện thoại cuốn vào. Nhờ vậy, mỗi khuya, tôi không mất thời gian quý giá vào việc lướt mạng vô định, và mỗi sáng thức giấc không cuống cuồng tìm chiếc điện thoại, xem thử mình có bị bỏ lỡ điều gì hay không. Tôi vẫn yêu quý chiếc điện thoại vì nó giúp tôi xử lý công việc nhanh và tiện hơn, đồng thời kéo gần những mối quan hệ nhờ những cuộc gọi, tin nhắn. Vậy nên, tôi đón ánh nắng mặt trời trong yên tĩnh, thong dong vào mỗi sáng.

Thử một ngày bạn không mang theo điện thoại, cứ thế bước ra ngoài để cảm nhận sự kết nối của chính mình với thiên nhiên xanh mát, với thanh âm của cuộc sống đang hiện hữu, và để nói với người thương những câu chuyện trọn vẹn nhất mà không có bất cứ sự gián đoạn nào.

ÁNH HƯỜNG

;
;
.
.
.
.
.