Ai trong chúng ta từng cắm nhầm một thiết bị dùng điện 110V vào nguồn điện 220V rồi xót xa tiễn món đồ “về vườn” vì cháy? Ai từng mang về một cuộn băng video nhưng không xem được vì đầu đĩa nhà mình không “chơi” cùng hệ băng từ?... Những “cú lạc nhịp” như thế đã dần lùi vào dĩ vãng, đôi khi chỉ trở lại trong những câu chuyện hoài niệm của một thế hệ để cùng cười xòa về một thời đã qua.
Đà Nẵng đón du khách quốc tế sau hai năm gián đoạn vì Covid-19. Ảnh: ĐỨC HOÀNG |
Sau vài thập niên, thế giới đang ngày càng “tiệm cận” nhau hơn nhờ các nỗ lực “chuẩn hóa” những thứ giúp cuộc sống đơn giản, gọn gàng và tiện ích hơn. Cả thế giới thống nhất với nhau từ chuẩn ổ cắm điện chỉ còn 1-2 kiểu, chung nhau khoảng 3 chuẩn sạc thiết bị điện tử và đang nỗ lực tiến dần hơn tới 1 chuẩn tiện lợi nhất, chung nhau một chuẩn wifi, chuẩn tương thích để một thiết bị dù sản xuất ở Mỹ, châu Âu hay châu Á thì cũng chỉ cần “cắm và chạy” (plug and play) mà không phải dùng thêm phụ kiện hay bất cứ phần mềm nào…
Rồi trong đợt đại dịch Covid-19 vừa qua, nhiều nước ở khắp các châu lục đã khẩn trương bàn thảo tìm chuẩn chung “hộ chiếu vắc-xin” để giảm bớt những phiền hà cho người dân khi đi lại. Tất cả những nỗ lực tạo nên chuẩn chung đó dĩ nhiên không đơn giản, nhưng vì lợi ích của nó quá lớn nên dường như quốc gia nào cũng cố gắng tìm tiếng nói chung.
Ấy vậy mà những năm gần đây, một xu thế “ngược dòng” dường như đang nhen nhóm. Khi điều gì đó là một “chuẩn chung”, nó cũng trở thành quyền lực và có nguy cơ bị lạm dụng. Để phản ứng lại với những chuẩn chung bị lạm quyền, xu thế “trở lại ngày xưa” theo một hình thái mới đã xuất hiện.
Không chấp nhận một mạng xã hội như Facebook, Twitter, Trung Quốc lập riêng mạng Weibo, Wechat của họ. Không yên tâm với một mạng Internet toàn cầu, người Nga lập riêng một nền tảng mạng, sẵn sàng hoạt động độc lập khi bị “ngắt mạng”. Lo lắng với hệ thống thanh toán quốc tế toàn cầu SWIFT, Trung Quốc thiết lập một hệ thống thanh toán riêng CIPS và tham vọng hơn về tương lai một hệ thống thanh toán chủ yếu bằng đồng nhân dân tệ…
Một câu chuyện rõ ràng hơn nữa là những tín hiệu thay đổi của việc “phân mảnh” trở lại của chuỗi cung ứng toàn cầu. Sau đại dịch Covid-19 và một loạt tác động từ xung đột địa chính trị trong thời gian qua, phương Tây cho rằng, họ đang lệ thuộc quá sâu vào các đối tác cung ứng ở châu Á và một số nơi khác. Trong khoảng hai năm qua, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã bàn tính những giải pháp thay đổi nhằm “cấu trúc lại” chuỗi cung ứng của họ. Đã có những tập đoàn lớn của phương Tây dịch chuyển chuỗi cung ứng hoặc đưa dây chuyền sản xuất về nước thời gian gần đây.
Sau nhiều thập niên chuyển các dây chuyền sản xuất tới các nước có giá lao động rẻ hơn, nhiều quốc gia phát triển đang tính toán đưa trở lại nội địa những hoạt động đó (gọi là “onshoring” hay “inshoring), hoặc lựa chọn các nước bạn bè, đối tác tin cậy để xây dựng chuỗi cung ứng (gọi là “friend-shoring” hay ally-shoring).
Trong một quan hệ làm ăn đối tác, tiêu chí dựa trên sự tin cậy, tình thân được đặt cao hơn năng lực, hiệu quả thực chất của nhu cầu công việc rõ ràng không phải lúc nào cũng tốt.Thế giới đã từng không “phẳng” và nhân loại đã thấm thía đủ những tốn kém, thiệt hại vì sự “lạc nhịp” này. Và thế giới đã “phẳng” hơn trong vài chục năm qua khi nhân loại tiến bộ nhìn về những khác biệt (và cả khiếm khuyết, hạn chế) của nhau như những miếng ghép bổ sung thay vì chê trách.
Quan sát từng bước đi của nhân loại ở thời mà mức độ công nghiệp hóa số hóa ngày càng nhanh, có thể thấy hai xu hướng tưởng như ngược nhau mà lại không hề ngược và rất được cổ vũ. Trong khi bản sắc văn hóa mỗi dân tộc ngày càng được khuyến khích gìn giữ, phát huy, thì chuẩn mực chung trong các ngành nghề công nghiệp càng được thúc đẩy để tiệm cận và “đồng phục” với thế giới. “Hòa nhập mà không hòa tan” hẳn cũng là ý đó.
TRẦN ĐẮC LUÂN