Thuở đó, nhà tôi mới chuyển về làng, bố mẹ tôi bắt đầu khai hoang làm rẫy trồng trọt ở đất thượng nguồn sông Sêrêpôk, còn gọi là Đầu Nước. Rẫy Đầu Nước là đất đỏ bazan màu mỡ, phì nhiêu. Nông sản nhà tôi trồng trên rẫy lúc ấy là lạc. Vì là mùa đầu tiên và đất mới khai hoang nên rất phù hợp với lạc. Mùa lạc năm ấy, nhà tôi bội thu.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Do được mùa, để bảo đảm thời gian và công sức nên khi thu hoạch lạc, nhà tôi phải kêu công nhổ lạc. Công ở đây là bà con hàng xóm láng giềng qua làm giúp. Thu hoạch xong, tùy theo nhu cầu của bà con, có thể trả công bằng mấy cân lạc, hoặc mai mốt bà con hàng xóm có công việc đồng áng hay nương rẫy thì nhà tôi qua giúp đỡ gọi là đổi công.
Khi thu hoạch về, quả lạc còn dính màu đất đỏ tươi, nhão nhoẹt, phải phơi phóng trên sân nhà khoảng một tuần nắng sao cho đất và lạc khô ráo, sau đó dùng rổ sàng và sảy đất cho sạch, những quả lạc chắc mẩy, tròn trịa ra đời. Thương lái tới mua tận nhà, họ ép giá trả rẻ, bố mẹ tôi không bán. Muốn bán được giá cao, phải tốn thêm một công đoạn nữa là “đập lạc”, nghĩa là tách vỏ lạc ra làm đôi để lấy hạt lạc bên trong, giá thành lúc này sẽ cao hơn, thu nhập ổn định mới đủ trang trải sinh hoạt trong nhà và đóng học phí để tôi đến trường.
Bỗng dưng nhớ những ngày tháng nhà tôi “đập lạc”. Cả xóm xúm vào giúp đỡ xôm tụ, rôm rả. Mỗi người trên tay một rổ lạc, dụng cụ đập lạc là một thanh sắt nhỏ. Mỗi người chọn một góc nhà, miệt mài với công việc của mình. Bọn trẻ chúng tôi tinh nghịch, chỉ quẩn quanh bên người lớn làm vướng víu chứ không chịu tham gia đập lạc. Nhằm tạo động lực cho chúng tôi, bố mẹ giao: “Ai đập lạc đầy chén, sẽ thưởng mỗi chén 200 đồng”. Chúng tôi vô cùng háo hức, vì hồi đó 200 đồng rất lớn, mua được một cây cà rem hay một miếng bánh da lợn. Tôi phấn đấu ráng đập được 5 chén, mẹ thưởng 1.000 đồng, rồi hồ hởi đứng bên con đường đất đỏ ngoằn ngoèo, hạnh phúc chờ đợi bác bán cà rem, bác lái xe đạp có quả chuông leng keng ở cổ xe và chở thùng cà rem ở yên sau. Mỗi lần bác xuất hiện, với bọn trẻ ngày ấy, là một niềm vui vì được thưởng thức những cây cà rem ngọt ngào và mát lạnh.
Tiếng đập lạc lách tách cứ thế vang lên giòn tan trong căn nhà gỗ. Các cô, các chú, các bác ai nấy đều xởi lởi, nhiệt tình, vừa làm vừa chuyện trò, rộn rã tiếng nói cười. Mọi người còn cùng nhau lắng nghe chương trình “Quà tặng âm nhạc” phát trên sóng FM của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Chiều dần buông, mọi người trở về nhà của mình nhóm lửa, thổi cơm và chuẩn bị bữa tối. Màn đêm đặc quánh, những cơn gió miền cao nguyên thổi lồng lộng. Mẹ tôi rang lạc để làm muối mè ăn với cơm. Mẹ rang lạc xong, tôi xung phong vo lạc và thổi cho sạch vỏ, rồi lém lỉnh giấu ít lạc trong túi để dành nhai...
Cuối mùa thu ấy, bọn trẻ chúng tôi bước sang “tuổi chanh cốm”. Khuya về, trăng rằm 16 tròn vo như quả bóng; hương trầm phảng phất, bảng lảng. Chúng tôi ra bờ sông Sêrêpôk, chỉ để ngắm sông. Dòng sông phẳng lặng, ánh trăng lấp lánh. Thấp thoáng những cánh đom đóm trái mùa lạc bầy bay trong đêm, lập lòe, chấp chới...
Càng về khuya, không gian càng tĩnh lặng, hương thơm cà phê tỏa ra từ các khu xí nghiệp chế biến mới nồng nàn, phưng phức. Những cánh chim rừng đi ăn đêm, vỗ cánh bay phành phạch. Gió miền sơn cước vẫn không ngừng thổi, rét mướt đến tái tê. Thỉnh thoảng, những tiếng chuông chùa đằng xa vọng lại xa xăm...
Chúng tôi về, ngồi co ro nhóm lửa trước sân nhà xuýt xoa sưởi ấm và ngồi ăn lạc luộc. Khi bóc vỏ lạc, có quả 3 hạt lạc, quả 2 hạt và quả 1 hạt.
“Sao lại có quả 1 hạt lạc, mẹ ơi?”, tôi hỏi mẹ.
“Lạc đó là lạc đơn côi”, mẹ giải thích.
Những năm tháng ấy đã xa lắm rồi. Chúng tôi giờ đã trưởng thành, có người ở lại quê hương, có người đi làm ăn xa. Những câu chuyện tuổi thơ đã trở thành ký ức ngọt ngào, mà nhắc lại thì thấy nhớ, thấy thương và thấy mắt mình ngân ngấn nước.
Bỗng dưng tôi nhớ mẹ, nhớ lạc… đơn côi!
LÒ DUY BƯU