“Đà Nẵng thực sự là đất của người Chăm sinh sống từ lâu đời và chưa bao giờ họ có ý định rời bỏ đi nơi khác” (Hồ Trung Tú - Có 500 năm như thế, NXB Đà Nẵng, tái bản 2019). Điều này được thể hiện rõ nhất bằng hệ thống các di tích Chăm dày đặc tồn tại ở đây. Các nhà nghiên cứu đã xác định có 7 địa điểm chính, trong đó 4 khu vực có dấu tích các ngôi đền tháp Chăm.
Tháp cổ Chămpa
Theo nhà nghiên cứu Lê Đình Phụng trong tác phẩm Đối thoại với nền văn minh cổ Champa (NXB KHXH, 2012), hiện nay trên cả nước còn tồn tại 60 ngọn tháp Chăm, trong đó Quảng Nam nhiều nhất với 29 ngọn (chiếm 48,4%) gồm 1 ở Bàng An (Điện Bàn), 20 ở Mỹ Sơn (Duy Xuyên), 3 ở Chiên Đàn (Phú Ninh), 3 ở Khương Mỹ (Núi Thành).
Người Chăm gọi tên các ngọn tháp bằng gạch của họ là Kalan, nghĩa là đền thờ “và hầu hết những Kalan mà người Chăm còn thờ phụng tế lễ đều mang tính lăng mộ của vua chúa” (Ngô Văn Doanh, Văn hóa cổ Chămpa, NXB VHDT, 2002, tr.149). Nhưng thực ra các ngọn tháp cổ còn là nơi thờ các vị thần của Ấn Độ giáo. Họ coi đây là dinh thự của các vị thần. Cho nên, chức năng đền thờ - mộ chí mới là chức năng chính, phổ biến của các tháp Chăm. Ấn Độ giáo tin rằng, các vị thần của họ ngự ở trung tâm thế giới trên núi Meru. Vì vậy, các đền thờ là ngôi nhà của thần ở hạ giới phải được thể hiện như núi Meru thu nhỏ và phải tuân theo những quy định chặt chẽ.
Các đền tháp thường được xây dựng trên một khu gò - đồi theo bố cục hướng tâm, các trục quay ra 4 hướng. Mặt tiền (cửa chính) quay ra hướng Đông là hướng Mặt trời mọc, biểu trưng cho nguồn gốc của sự sống.
Một khu tháp hoàn chỉnh thường gồm 3 ngọn tháp nằm trên trục Bắc - Nam, cửa tháp quay mặt về hướng Đông. Tùy theo thời kỳ sẽ có ngọn tháp phía Nam (trước thế kỷ X) hoặc ngọn tháp Giữa to lớn nhất (sau thế kỷ thứ X), giữa tháp đặt điện thờ nhỏ nơi thần linh trú ngụ. Mỗi ngọn tháp thường có 3 tầng, thu hẹp dần từ dưới lên trên. Một số tháp chịu ảnh hưởng của Khơ-me có cấu trúc bên trên là hình cong (như tháp Bằng An ở Điện An, thị xã Điện Bàn).
Hệ thống tháp thường được bao quanh bởi một hệ thống tường bao. Tường bao phía trước cửa chính của tháp Giữa có cổng vào. Nhiều tháp có thêm hệ thống phụ là một dãy nhà dài - nơi chuẩn bị các vật phẩm trước khi đem vào tế thần hoặc nơi chuẩn bị cho các tăng lữ, nhạc công, vũ nữ thiêng.
Đền tháp Chăm không phải là nơi để các tín đồ đến tụ hội cầu nguyện mà chỉ các vị Bà La Môn đã thụ pháp mới được vào, nên không gian trong tháp thường khá chật chội.
Tháp Chăm xây gạch Chăm, làm bằng đất sét nhóm illit. Nhóm đất sét này có độ mịn cao nên “vừa là vật liệu tuyệt hảo bền vững cho xây dựng, vừa là chất liệu lý tưởng cho điêu khắc” (Ngô Văn Doanh, Văn hóa cổ Chămpa, trang 148). Những người thợ Chăm đã xây dựng những ngôi tháp bằng gạch và những nghệ nhân Chăm đã điêu khắc những tuyệt phẩm lên trên các tường gạch đặc biệt này (chứ không phải họ xây tháp bằng đất sét, thực hiện các phù điêu lên trên đó rồi mới cho nung cả ngôi tháp như một số ý kiến).
Bốn ngôi tháp Chăm ở Đà Nẵng
Trong 7 địa điểm Di tích Chăm ở Đà Nẵng có 4 nơi có dấu tích tháp cổ gồm:
- Tháp Xuân Dương ở phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu. Tháp này được ghi trong các tài liệu cổ: Hòa Vang huyện chí (soạn năm 1862 và 1905), I(năm 1909) với tên gọi là “Tháp cổ Trà Vương”. Sách Đại Nam nhất thống chí viết: “Phía tây núi có đền thờ, có đường trạm đi qua, trong có di tích tháp Trà Vương ngày xưa” (tr. 28).
Đặc biệt, tháp này được viết trong các báo cáo của tạp chí Viện Viễn Đông Bác cổ (BEFEO) của Henri Parmentier: “Nằm giữa một cái gò thuộc địa phận Hóa Ô... Chúng tôi có thể nhận ra dấu vết các bức tường và nền móng vuông của một ngôi tháp. Một khối đá cửa tháp còn thấy tại chỗ...” (BEFEO năm 1928, tr. 596).
Hiện nay, “Khu vực này vẫn còn một nền đất rộng nằm giữa một núi đá thấp ở phía tây và bờ biển phía đông... Phía nam của nền đất là Miếu Bà thờ thần Bô Bô và thần Thiên Y A Na”, theo cuốn Di tích Chăm tại Đà Nẵng & Những phát hiện mới, NXB Đà Nẵng, 2017, tr. 64).
- Tháp Phong Lệ ở làng Phong Lệ, nay thuộc phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ. Năm 2011, một người dân đào móng xây nhà đã phát lộ nền móng của một ngôi tháp. Cuộc khai quật năm 2012 và các cuộc khai quật sau đó tiếp tục mở rộng hố khai quật năm 2011, phát hiện nền móng của một khu đền tháp khá lớn gồm các tháp: tháp Giữa, tháp Bắc, tháp Nam và một tháp Cổng. Ba tháp nằm trên một trục Bắc - Nam và có quy mô khá lớn. Do đặc điểm khu vực có nhiều công trình xây dựng nên chưa thể khai quật trên diện rộng để nắm được đầy đủ sự độc đáo của khu tháp cổ này.
- Tháp Quá Giáng ở xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang. Năm 1903, Parmentier đến khảo sát nơi này và cho biết tại đây còn một ngôi tháp đứng vững mặc dù đã bị hư hỏng nặng. Lòng tháp là một phòng hình chữ nhật xoay theo chiều ngang. Parmentier cũng cho rằng, đây là một cụm tháp với 3 tháp tọa lạc trên một khu đất rộng có tường bao quanh. Đây là khu tháp còn hiện diện trễ nhất ở Đà Nẵng. Nhưng rất tiếc việc xây dựng quốc lộ 1A đã làm biến mất ngọn tháp còn sót lại và ngày nay khu đền tháp này chưa được khai quật nên không có nhiều thông tin cụ thể.
- Tháp Cấm Mít ở thôn Cẩm Toại Tây, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang. Năm 2012, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng kết hợp cùng Bảo tàng Lịch sử quốc gia tiến hành một cuộc khai quật có quy mô khá lớn kéo dài trong suốt 3 tháng và phát hiện tại đây dấu tích một quần thể tháp Chăm với 3 tháp liền kề, một tháp cổng, một nhà dài. Tất cả được bảo vệ bằng một hệ thống tường bao có chu vi lên đến 160m, bề dọc 44m, bề ngang 36m.
Nếu không có sự tàn phá của thời gian, thiên nhiên và con người, ngày nay trên địa bàn Đà Nẵng có thể vẫn tồn tại 4 khu đền tháp Chăm làm phong phú thêm cảnh quan, lịch sử và văn hóa của thành phố.
LÊ THÍ