Em và Trịnh - Bản tình ca lãng mạn nhưng chưa sâu sắc

.

Bộ phim Em và Trịnh của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh tập trung phần lớn vào câu chuyện tình yêu của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với hai “nàng thơ” có nhiều dấu ấn sâu đậm trong lòng ông - Ngô Vũ Dao Ánh và Michiko Yoshii, đồng thời nhắc nhiều đến mối lương duyên của ông với tri kỷ trong âm nhạc - Khánh Ly.

Cảnh trong phim Em và Trịnh.
Cảnh trong phim Em và Trịnh.

Mới ra rạp, Em và Trịnh ngay lập tức thu hút sự quan tâm của khán giả. Hầu hết các suất chiếu đều kín rạp, đủ thấy “sức nóng” ban đầu của bộ phim. Thế nhưng, liệu việc chuyển thể từ đời thực thành phim có phải là sự mạo hiểm không khi Trịnh Công Sơn là một tượng đài âm nhạc quá lớn trong lòng người hâm mộ?

Chỉn chu về hình ảnh và âm nhạc

Lấy bối cảnh chính là Huế và Sài Gòn những năm 1960-1990, Em và Trịnh đã làm rất tốt về mặt hình ảnh, đầu tư công phu về trang phục và đạo cụ. Chỉ cần nhìn màu phim, nhìn những chi tiết nhỏ như bảng hiệu, bì thư, cây bút… đã có thể hình dung cả một thời kỳ văn hóa mà ở đó, những người trẻ như Trịnh Công Sơn, những người bạn hay “nàng thơ” của ông đều toát lên sự lãng mạn trong tâm hồn. Tất cả đều mang màu sắc hoài niệm, nhắc người ta nhớ về một thời tuổi trẻ rực lửa, đầy khát vọng và tha thiết yêu thương.

Xuyên suốt 136 phút phim, những ca khúc trữ tình và phản chiến được cất lên như Ướt mi, Diễm xưa, Nắng thủy tinh, Ta đã thấy gì trong đêm nay… phần nào cho người xem thấy được thanh xuân thơ mộng, đầy lãng mạn và tinh thần đấu tranh cho hòa bình của nhạc sĩ. Trong số hơn 600 ca khúc mà cố nhạc sĩ tài hoa đã sáng tác, Em và Trịnh chọn đưa vào đến 39 ca khúc, được thể hiện bởi nhiều giọng ca trẻ khác nhau, khiến âm nhạc của Trịnh Công Sơn như được thổi thêm một làn gió mới.

Có thể nhiều khán giả khó tính đã khắc sâu trong tâm tưởng giọng hát của danh ca Thanh Thúy hay Khánh Ly, nhưng nếu cảm nhận một cách thật bao dung, thì việc những ca sĩ trẻ nghiêm túc hát nhạc Trịnh cũng là điều đáng hoan nghênh, để nhạc Trịnh được tiếp cận rộng hơn với những lớp thế hệ trẻ.

Kịch bản rời rạc, tình tiết hư cấu khiên cưỡng

Nếu như Em và Trịnh làm rất “mượt” phần nghe - nhìn bao nhiêu, thì phần nội dung lại vụng về bấy nhiêu. Phải nói, ngay từ ý tưởng làm phim về cuộc đời cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã là sự liều lĩnh. So với hơn 300 bức thư tình mà Trịnh Công Sơn gửi cho Dao Ánh (được in thành sách Thư tình gửi một người, NXB Trẻ, 2011), thì kịch bản phim chưa thực sự sâu sắc, mặc dù phim đã sử dụng rất nhiều tư liệu từ những bức thư này.

Phim tập trung phần lớn vào câu chuyện tình yêu của nhạc sĩ với hai “nàng thơ” có nhiều dấu ấn sâu đậm trong lòng ông - Ngô Vũ Dao Ánh và Michiko Yoshii, đồng thời nhắc nhiều đến mối lương duyên của ông với tri kỷ trong âm nhạc - Khánh Ly. Tuy nhiên, có lẽ vì muốn kể lại quá nhiều sự kiện trong cuộc đời nhạc sĩ nên các mốc thời gian trong phim được sắp xếp khá sít sao, chồng chéo lên nhau, khiến người xem khó đồng cảm với diễn biến tâm lý tình cảm của nhân vật.

Mặc dù ngay từ đầu, nhà sản xuất phim lưu ý kịch bản dựa trên nhân vật có thật nhưng có yếu tố hư cấu để tăng sự kịch tính cần thiết, nhưng cũng cần tôn trọng sự thật, vì một chi tiết nhỏ cũng có thể làm thay đổi bản chất câu chuyện.

Những cảnh phim tả lại khoảnh khắc Trịnh Công Sơn phát hiện tình yêu của mình dành cho Dao Ánh, hay việc đạo diễn nghĩ ra cái kết cho cuộc tình của ông và Michiko, là những tình tiết hư cấu rất khiên cưỡng. Nó làm người xem, nếu chưa tìm hiểu về Trịnh Công Sơn, sẽ hiểu sai về giá trị và tầm vóc của người nghệ sĩ này.

Diễn xuất có đi đôi với tạo hình?

Một điểm cộng nữa cho Em và Trịnh là phần tuyển chọn diễn viên và tạo hình nhân vật. Vẻ ngoài của các diễn viên Trần Lực (vai Trịnh thời trung niên), Avin Lu (vai Trịnh thời trẻ), Hoàng Hà (vai Dao Ánh), Lan Thy (vai Bích Diễm), Bùi Lan Hương (vai Khánh Ly), Nakatani Akari (vai Michiko) cho thấy được sự đầu tư nghiên cứu khá tỉ mỉ về những nhân vật này ngoài đời thật.

Tuy nhiên, nếu các “nàng thơ” được đánh giá là diễn khá tròn vai thì ngược lại, hai vai Trịnh chưa chiếm được cảm tình của đa số khán giả. Ngoài nét diễn si tình, lãng mạn, người xem chưa thấy toát lên được chiều sâu triết lý và tinh thần phản chiến trong nội tâm nhân vật. Đây cũng là điều có thể thông cảm được, bởi lẽ việc hóa thân thành một trong những nhạc sĩ lớn nhất của nền tân nhạc Việt Nam không phải là chuyện dễ dàng. Bên cạnh đó, giọng Huế được sử dụng trong phim là giọng thật của các diễn viên. Vì cả hai vai Trịnh đều là người gốc Bắc nên việc nói giọng Huế chưa chuẩn khiến những cuộc trò chuyện trở nên mất tự nhiên và thiếu cảm xúc.

Nhìn chung, Em và Trịnh là tác phẩm điện ảnh có sự đầu tư và nghiên cứu kỹ lưỡng, phản ánh thái độ làm việc nghiêm túc và chỉn chu của đoàn làm phim. Ngoài những khuyết điểm về mặt nội dung như đã kể, có thể nói đây là sự khởi sắc cho nền điện ảnh nước nhà. Những ý kiến khen chê đa chiều suy cho cùng cũng là điều bình thường. Khán giả quan tâm đến cuộc đời Trịnh Công Sơn hoàn toàn có thể ra rạp mua ngay một chiếc vé để có cách cảm nhận của riêng mình.

THẢO VY

;
;
.
.
.
.
.