* Vì sao người ta có tâm lý kiêng kỵ số 13 và số 4? (Trần Thiện Tâm, quận Thanh Khê, Đà Nẵng)
- Về con số 13 và ngày thứ Sáu, trang tin điện tử Đảng bộ tỉnh Gia Lai (tinhuygialai.org.vn) dẫn bài viết Nguồn gốc nỗi ám ảnh thứ 6 ngày 13 cho biết, hội chứng sợ thứ 6 ngày 13 tên friggatriskaidekaphobia khá phổ biến. Tên gọi này gồm từ Frigga (nữ thần trong thần thoại Bắc Âu) và triskaidekaphobia, nghĩa là sợ số 13. Tính theo dương lịch, thứ 6 ngày 13 luôn xuất hiện ít nhất một lần trong năm và có thể lặp lại tới 3 lần trong mỗi năm bất kỳ.
Nguồn gốc nỗi sợ hãi quanh thứ 6 ngày 13 chưa được làm rõ. Các nhà khoa học không tìm thấy văn bản viết tay về nỗi sợ thứ 6 ngày 13 trước thế kỷ XIX, nhưng những quan niệm mê tín xoay quanh số 13 xuất hiện sớm nhất từ thế kỷ XVIII trước Công nguyên. Trong bộ luật Hammurabi của người Babylon cổ đại ra đời năm 1772 trước Công nguyên, số 13 bị bỏ khỏi danh sách luật.
Theo bài Những con số xui xẻo trên máy bay đăng trên VnExpress.net, con số 13 được xem là số xui xẻo trong các nền văn hóa phương Tây. Con số này gắn liền với Judas - người phản bội Chúa Jesus, là vị tông đồ thứ 13 tham gia vào “bữa tối cuối cùng”.
Con số 13 được gọi là “Con số Judas”, cách gọi này xuất phát từ sự tích Bữa tiệc ly trong sách Phúc Âm, tức là bữa ăn sau cùng của chúa Jesus với các môn đồ trước khi ngài chết. Có 13 môn đồ ngồi với chúa hôm đó, trong số này có Judas. Trong Phúc Âm kể rằng, chúa Jesus hướng về phía môn đồ nói: “Không phải Ta đã chọn 12 người các con ư? Nhưng một trong số các con là quỷ”.
Nếu số 13 được cho là xui xẻo thì các nhà toán học và khoa học thời cổ đại coi số 12 là “hoàn hảo”. Dựa trên con số 12, người Sumer cổ đại đã phát minh ra một hệ thống số để tính toán thời gian vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay, 12 tháng và 12 giờ; 12 chòm sao, 12 vị thần chính của Olympus và nhiều hơn nữa. Rõ ràng, 12 là con số hoàn hảo, vì vậy 13 sau con số hoàn hảo khiến người ta cảm thấy kỳ quái và khác thường.
Ngoài số 13, con số 17 cũng không xuất hiện trên cabin của một số hãng hàng không như Lufthansa. Ví dụ, ở Ý và Brazil, con số đen đủi điển hình là 17 chứ không phải 13. Đối với một số người, số 17 là con số xui xẻo vì khi chuyển nó sang chữ số La Mã và đảo lại, ta có cụm từ có nghĩa gần với “cuộc đời tôi kết thúc” trong tiếng Latinh. Đối với một số người Trung Quốc, hàng ghế số 14 cũng được xem là không may mắn, do số 14 khi phát âm nghe gần giống “sẽ chết” trong tiếng Trung.
Giống như con số 13 ở phương Tây, nhiều quốc gia châu Á cũng kiêng kỵ con số 4. Số 4 là “Tứ” đọc âm như “Tử”, đứng vào thứ tự “Sinh - Lão - Bệnh - Tử” nên khiến con người có tâm lý sợ hãi. Tuy nhiên, đây chỉ là tâm lý lo sợ có tính dị đoan. Thực chất, con số 4 hay bất kỳ con số nào, may rủi cũng là chuyện của con người, không liên quan tới nó. Vì tư tưởng này mà rất nhiều người kiêng dùng biển số xe có con số 4. Hay nếu chẳng may gặp vận rủi mà có con số 4 ở bất cứ nơi đâu, họ sẽ nghĩ ngay đó là do con số này mang lại.
Chuyện may rủi hoàn toàn không phụ thuộc vào các con số. Nhưng vô tình một số chuyện trùng hợp ngẫu nhiên khiến người ta có tâm lý đám đông, bài trừ, lo sợ.
ĐNCT