Về quê, tôi thường kiếm cớ để gợi chuyện cùng bà. Những câu chuyện của người già bao giờ cũng ấm áp và truyền đến thông điệp thiện lành.
Bà bảo, cháu thấy không, ngày xưa, trong nhà nếu có đồ đạc gì hư thì người ta tìm cách sửa chữa. Nhưng ngày nay, chỉ cần chiếc ấm sứt vòi, người ta sẵn sàng bỏ luôn cả bộ ấm chén; một chiếc quạt trục trặc, gia chủ sẵn sàng mua cái mới thay vào. Sức chịu đựng của con người dường như ngày càng kém dần nên thay vì đợi chờ, sửa chữa, hầu hết mọi thứ nếu gặp trục trặc, hư hỏng đều được thay mới cho nhanh.
Trong các mối quan hệ ngày nay cũng vậy. Nếu mâu thuẫn, không vừa lòng với nhau, mọi người thay vì cau có, càm ràm, thay vì đưa ra những đề nghị và mong cầu, họ thường chỉ làm một động tác đơn giản: ngắt kết nối, bỏ theo dõi, rồi phán một câu “không hợp” là xong.
Bà nói đúng. Tôi vẫn thường làm vậy với những mối quan hệ làng nhàng trên mạng xã hội. Nếu thấy khác cách ăn nói và hành xử với mình, tôi chọn nút bỏ theo dõi. Nếu thấy khác nhân sinh quan, chọn nút bỏ theo dõi. Nếu thấy phiền hà, cũng chọn nút bỏ theo dõi. Chỉ một động tác nhẹ nhàng, chẳng ai làm mất lòng ai, mỗi người tự rút vào một chân trời riêng...
Thoạt nghe, sự lựa chọn đó rất êm đềm và cần thiết, ít gây xáo trộn và những dư âm ồn ào của sự đổ vỡ. Vậy nhưng, với một gia đình thật sự thì không thể dễ dàng chọn nút bỏ theo dõi nhau. Gia đình chính là nơi mà mỗi người một tính cách, một thói quen khác nhau nhưng mỗi ngày lại cùng song hành và kề cận. Gia đình là nơi chung sống, chia sẻ và yêu thương.
Làm sao để cha mẹ, vợ chồng và con cái hòa hợp, đồng sức đồng lòng, làm sao để hàn gắn những mối nối chừng như gần bục. Thời gian thôi chưa đủ. Hành trình ấy cần đến con tim và cả khối óc. Hãy để con tim dẫn đường và lý trí làm người tài xế. Một ai đó không thể tiếp tục ở lại và trao đi yêu thương nếu trái tim của họ đã ráo cạn tình yêu. Vậy nhưng, cũng cần dùng nhiều cách để thắp lửa trái tim, hâm nóng tình thân, để hành trình vun đắp hạnh phúc bớt chệch choạc, mệt mỏi...
Một bác thợ khi sửa chiếc đài bị hỏng, phải khom lưng, lắng tai, mỗi ngày kiên trì, miệt mài dò từng kênh tần số. Ở tần số này, đài không phát tiếng nhưng biết đâu ở tần số khác, nó lại rọt rẹt, dấy lên niềm hy vọng hồi sinh. Việc sửa chữa đời sống hôn nhân, sửa chữa các mối quan hệ lỏng lẻo trong gia đình cũng vậy, cũng cần lắng tai, kiên trì và miệt mài thì mới mong điều chỉnh, hàn gắn, kết nối... Ai cũng cần yêu mình, yêu người một cách hài hòa, thiết tha và đúng đắn để được sống một cuộc đời lâu dài và xứng đáng hơn.
Bà kể, ngày xưa bà sinh 6 đứa con. Cơm gạo, muối mắm không đủ ăn. Ông đi làm nhiệm vụ ở xa, bà ở nhà vừa làm kinh tế, vừa chăm con, vừa chăm lo cho nhà chồng nhưng bà chẳng bao giờ than trách. Không phải bà không vất vả, càng không phải bà không nuối tiếc thanh xuân, nhưng bà đã chọn kết hôn thì phải nhẫn nại, kiên cường vun vén với tất cả trái tim yêu thương và sự khéo léo của người phụ nữ. Nếu ai cũng dễ dàng buông tay thì chắc hẳn họ không có diễm phúc tận hưởng sự rực rỡ ở ngày mai.
Bất giác, tôi nhớ đến những câu hát được giới trẻ yêu thích: Đường về nhà là vào tim ta/ Dẫu nắng mưa gần xa/ Thất bát, vang danh/ Nhà vẫn luôn chờ ta… Nhà là nơi để về. Phía sau cánh cửa nhà luôn đầy ắp tình thân.
DIỆU THÔNG