Xe dừng xịch trước cổng, Lưu gạt chân chống xe, dặn đứa con gái sáu tuổi ngồi yên đừng nhúc nhích rồi khom người, luồn tay vô phía trong ô cửa sắt vuông mở khóa. Không cần nhìn thì Lưu vẫn mở được.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Thói quen này, Lưu đã làm đi làm lại hàng tỷ lần. Vào đến nhà, Lưu cởi bỏ khẩu trang, áo khoác cho con gái, rót cho nó ly nước trong chiếc tủ lạnh đang kêu rì rì. Con bé quen uống nước lạnh lên ngửa cổ tu một hơi, mặt nó tươi lại hẳn sau quãng đường dài đi nắng. Lưu lấy một trái táo, chùi sơ cho bớt lạnh rồi đưa cho con. Lên võng nằm chờ mẹ nấu cơm. Đừng chạy ra ngoài nghịch đất. Vừa nói, Lưu quơ tay dẹp những món đồ chơi ngổn ngang của con gái vứt khắp nơi vào sọt nhựa. Sớm nay vì vội vàng lôi con bé từ trên giường đến lớp mẫu giáo, cô chưa kịp dọn dẹp gì hết. Rồi cô cởi áo khoác máng lên móc, hơi sựng lại khi thấy cái nón của mẹ cô vẫn treo ở đấy. Nhìn chằm chằm cái nón lá có quai vải nhung màu tím hơi sờn, Lưu ngồi phịch xuống ghế, thở hắt.
Giờ cơm, Lưu bật tivi, loại phim hoạt hình mà con gái cô thích, rồi đút cơm cho nó. Con bé mắt chăm chú xem phim, miệng ngậm cơm phùng cả má. Lưu kiên nhẫn đợi con. Kiểu nhẫn nại ấy như thể một thói quen. Vì lúc nào đến bữa cơm thì con bé cũng sẽ thi gan như thế. Nhưng hễ có mẹ Lưu ở đây, bà sẽ cằn nhằn việc con bé ngậm cơm trong miệng, rằng Lưu không biết nuôi con, hèn chi con nhỏ cứ quắt lại thế kia. Lưu bực. Đôi lần cô dằn dỗi. Mẹ cho nó ăn thử xem có đút được không? Mẹ cô quay ngoắt. Con mày đẻ ra thì mày phải có trách nhiệm chứ. Lưu bực, hậm hực lôi con bé ra vụt, gào lên bảo nhai nhanh lên, không tao đánh cho một trận bây giờ. Kết cuộc nó vẫn không thôi ngậm, nước mắt ngắn dài. Bữa cơm của con bé chẳng thay đổi gì, chỉ có Lưu là uất ức suốt.
Mẹ gọi điện vào số máy của Lưu, bảo mẹ chờ Lưu về mà xe dịch vụ đến đón nên không đợi được. Lưu nói cho qua chuyện. Mẹ bỏ quên cái nón treo trên vách, về dưới nhà có nón đội đi chợ không? Ở nhà có mấy cái cũ. Mà con chưa có lương hả? Có tiền gửi xuống cho mẹ đóng tiền học cho bé Thy. Lưu thở dài. Mẹ gọi điện cho con cũng chỉ để hỏi bấy nhiêu thôi sao?
Chỉ nói từng ấy, Lưu cúp máy dù bên kia điện thoại tiếng mẹ cô vẫn cằn nhằn điều gì đó. Cô với tay giật dây công tắc quạt. Chớp mắt quạt quay vù vù. Lưu xoa tay vào cái lưng gầy nhom của con bé con, vỗ nhè nhẹ. Nó hơi khẽ cựa mình. Nằm rất lâu nhưng Lưu vẫn không ngủ được, cố gắng khẽ khàng nhất khi trở mình. Đêm nào cũng vậy, lâu thật lâu Lưu mới có thể chợp mắt.
Lưu không hiểu cách mà mẹ đối xử giữa cô với chị Phiên, thằng Tuấn.
Chị Phiên lớn hơn Lưu 3 tuổi. Chị học đến lớp 9 thì bỏ học, vào Sài Gòn làm công nhân trong xưởng giày. Sáu năm sau đó, chị yêu anh chàng công nhân cùng chỗ làm, không cưới xin gì thì có bầu. Ngày chị bế đứa con gái vừa bốn tháng rưỡi về đưa cho mẹ Lưu. Tụi con khó khăn lắm, hai đứa đi làm cả ngày mà lương tháng không đủ nuôi con. Thôi gửi bà ngoại nuôi, để tụi con gửi tiền hằng tháng về cho bà nuôi cháu. Lưu (khi ấy mới vừa tốt nghiệp đại học, vừa xin dạy hợp đồng trong trường cấp hai trong thị trấn) đứng nép ở cánh cửa phòng, nhìn thấy mắt chị Phiên ráo hoảnh. Trao đứa bé cho mẹ mình mà tỉnh không. Chỉ có mẹ cô ôm cháu, gục gặc đầu.
Chị gái Lưu chỉ nói suông. Số tiền gửi về nuôi con như lời hứa không gửi theo tháng, mà sáu tháng một lần. Mỗi khi Lưu chạy ra bưu điện huyện gọi điện cho chị Phiên thì không bao giờ chị bắt máy. Mẹ thay vì chạy chợ như ngày trước thì mở sạp hàng bán rau trước cửa nhà, mỗi ngày mua rau củ của những người dân tộc đi rẫy về rồi vừa bán túc tắc, vừa trông con bé. Lưu đi dạy và nhận dạy kèm cho học trò trong thị trấn, mỗi tối hai cua. Tiền lương mỗi tháng cũng được vài trăm ngàn đồng đủ để phụ mẹ mua sữa nuôi con bé và cho thằng Tuấn đóng học phí. Chị Phiên biệt tăm, lâu lâu chị gọi điện về nhà hàng xóm nhờ gọi nói chuyện với mẹ, hỏi han con gái bữa nay thế nào rồi vội vàng cúp máy. Cước bưu điện xa tốn tiền lắm. Lưu bực chị. Nhưng mẹ cô thì không. Bà cứ chặc lưỡi, tội nghiệp đứa con gái lớn. Chưa kịp sống đời vợ chồng thì đã chia tay. Cái thằng đàn ông khốn nạn khiến đời cực khổ trăm bề nơi xứ người. Mẹ xót xa. Không biết vì thương chị quá nên chẳng bao giờ trách hờn chuyện chị Phiên bỏ đi biền biệt, quên mất mình có đứa con gái đỏ hỏn như bé Thy.
Con bé lên sáu tuổi thì Lưu có người yêu. Anh chàng kỹ sư cầu đường đen nhẻm, cười hiền khô. Ngày cô đưa Long về nhà, mẹ Lưu đang cho con bé ăn cơm chiều, chỉ nhướng mày lên khi thấy Long chào. Cháu ngồi chơi, bác đang bận cháu ngoại. Long dạ lí nhí. Lưu rót cho anh ly nước, rồi hai đứa ngồi đối diện nhau ở chiếc bàn hình chữ nhật rất lâu. Khi Long chào về, mẹ cô vẫn ngồi ở hiên nhà, chén cơm đã hết, bà chỉ hơi ngẩng lên gật đầu đáp lại. Long về rồi mẹ bảo Lưu từ từ hãy tính chuyện chồng con, muốn thì cứ yêu đương, tìm hiểu thoải mái. Lưu ngẩn ngơ. Năm nay con hai mươi sáu tuổi rồi mà mẹ không nóng ruột sao? Mẹ Lưu tặc lưỡi. Mày lấy chồng thì ai phụ tao nuôi hai đứa. Vài năm nữa tụi nó cứng cáp thì muốn lấy đứa nào thì tùy. Giọng mẹ ráo hoảnh. Lưu sững sờ. Rồi đột ngột cô ôm mặt bật khóc. Trong khi Lưu nấc lên từng chặp thì mẹ ôm con bé sang nhà hàng xóm chơi. Sau bữa cơm chiều, con bé thích đi rong. Việc Lưu khóc, hình như chẳng có ý nghĩa gì để mẹ cô bỏ một buổi đưa cháu đi chơi như mọi bận.
*
Từ ngày không còn dạy học ở trường cấp II ở dưới huyện vì hết hợp đồng, vợ chồng Lưu chuyển lên thành phố. Long bảo lên đây có nhiều cơ hội kiếm sống hơn cái huyện nhỏ như bàn tay, làm quanh năm mà không đủ ăn. Mẹ không muốn Lưu đi. Nhưng Lưu nhất quyết lên thành phố. Phần vì cô muốn cuộc sống thay đổi. Nhưng thực ra Lưu muốn dứt khỏi mẹ.
Lưu nhận việc ráp áo dài cho hai tiệm may lớn trên phố. Cô khéo tay, trước nay vẫn tự may áo dài cho mình và bạn bè. Từng đặt cái bàn máy may ở góc nhà để nhận may áo dài cho các cô giáo cùng trường hay các bà già thường đi chùa trong xóm. Từ những ngày ấy, Lưu đã ước có thể đủ tiền để mở tiệm. Cái tiệm may duy nhất loại trang phục áo dài. Đồ sau khi may xong, cô sẽ mặc cho những con ma nơ canh bằng nhựa, đặt ở ngay cạnh lối vào tiệm. Mỗi ngày sẽ thay cho ma nơ canh bộ áo dài khác nhau.
Vậy mà ước hoài. Rồi điều ước trôi tuột qua cả chục năm nay. Lưu vẫn chỉ là cô thợ ráp đồ thuê cho những tiệm may lớn nhất nhì thành phố. Cô bận rộn làm ngày làm đêm, lúc nào cũng cắm mặt vào bàn máy may. Có đêm thức đến gần một hai giờ sáng cho kịp giao hàng theo lịch hẹn của nhà chủ. Rồi có hôm Lưu giật mình tỉnh dậy, nhìn đồng hồ một lúc lâu mà vẫn không định hình được mấy giờ dù ánh sáng lọt qua khe cửa sổ đã trong lắm rồi. Soi gương thấy mắt mình vằn đỏ. Thì ra đêm trước. Rồi đêm trước nữa thức quá khuya. Lúc ấy, Lưu mới thấy hoảng hốt, sợ nhỡ đâu mình kiệt sức, đau xuống thì ai sẽ chăm con bé con. Thế là sau khi đưa con đến lớp mẫu giáo, quay về đến nhà, cô dặn mình sẽ chỉ chợp mắt chừng một tiếng để lấy sức. Ấy vậy mà khi giật mình tỉnh dậy, trời đã quá trưa. Điện thoại réo rắt. Số nhà chủ hối chiều nay bàn giao đồ cho khách. Lưu lại cắm mặt vào bàn máy may, lạch xạch mãi đến mức quên cả giờ ăn trưa.
Một đôi lần Lưu gọi điện cho mẹ. Việc ở nhà, mẹ sắp xếp được thì lên đây đỡ cho con mấy ngày. Con nhiều việc quá. Ừ. Để tao tính. Còn phải lo cho con Thy nữa. Tiếng mẹ cô nhẹ bẫng ở đầu dây bên kia. Cúp máy. Cố nén tiếng thở dài nhưng hơi thở cứ trượt ra, buồn thiu. Thì chạnh lòng. Nếu là chị Phiên hay thằng Tuấn em trai mình gọi thì mẹ cô sẽ sấp ngửa chạy lên. Cứ như thể Lưu là người giỏi giang có thể làm được hết mọi thứ mà không cần ai giúp. Thì đó, dù chồng có đi làm xa thì Lưu vẫn thu vén mọi việc đâu vào đấy còn gì. Còn chị Phiên. Tha hương nơi xứ người. Vất vả. Rồi Tuấn, nó mới đi làm, còn phải lo cho tương lai, để dành tiền cưới vợ. Rồi thì con bé Thy, nó nhỏ quá, mà mẹ thì ở xa…
Nghĩ đến chị Phiên hôm trước thì hôm sau chị về. Chị từ Sài Gòn về thẳng nhà của Lưu. Lưu ngẩn người giây lát mới nhận ra đó là chị. Không biết vì nhìn chị thay đổi. Tóc vàng cháy, uốn xoăn tít. Da trắng xanh hơi tái. Mặt trang điểm kỹ như diễn viên chuẩn bị lên sân khấu. Cũng có thể Lưu không nhận ra vì lâu quá chị Phiên mới trở về thăm nhà. Mẹ nhìn thấy chị Phiên thì cuống quýt. Bà xăng xái chạy ra đỡ túi xách cho con gái, cứ hỏi mãi đi xe có mệt không? Rồi ăn uống gì chưa? Bà bảo Lưu đưa tiền đi chợ, muốn nấu món gì đó ngon ngon vì lâu lắm con gái mới về thăm nhà.
Lưu vẫn ngồi ở bàn may. Giữa ngổn ngang vải vóc. Cô nhìn hút theo bóng mẹ tất tả đi ra cổng mà lòng nhói lên một cảm giác rất lạ. Hình như mẹ chưa bao giờ cuống quýt như thế khi Long đi công trình về nhà. Ngay cả khi anh giúi vào tay mẹ Lưu những đồng tiền hơi nhàu vì mồ hôi. Cả lúc anh đưa cho bà thang thuốc chữa bệnh đau khớp mà anh nhờ ông thầy lang bốc cho. Kể cả lúc ấy thì nét mặt mẹ Lưu cũng không rạng rỡ như lúc này.
- Chị về làm gì?
Tiếng của Lưu nhẹ bẫng. Chị Phiên nằm duỗi chân trên chiếc ghế salon, vẫn chăm chăm vào cái điện thoại, trả lời mà không nhìn Lưu
- Thì chị về thăm mẹ và thăm con bé Thy.
- Em tưởng chị quên mình có con bé Thy. Lâu quá mà.
Giọng Lưu chát ngắt. Không biết có phải vì vị chát ấy không mà chị ngồi nhỏm dậy, nhướng người nhìn Lưu bằng vẻ mặt hơi hờn giận. Giọng chị cũng vì thế mà trở nên khàn đi.
- Dì nói vậy mà nghe được. Mẹ mình, con mình. Sao mà không nhớ cho được. Dì đừng có mà xéo xắt.
- Thì đó. Chị nghĩ con bé Thy nó bao nhiêu tuổi. Chị về thăm nó được bao nhiêu lần. Gửi cho nó được bao nhiêu tiền. Bao nhiêu cái áo, món quà, tấm bánh. Giọng Lưu nghẹn lại. Chị nghĩ nãy giờ bước chân vào nhà gần một tiếng đồng hồ, chị đã mở miệng hỏi con bé ở đâu tiếng nào chưa?
Vừa lúc này thì có tiếng khóc òa lên. Tức tưởi. Con bé Thy đứng ở cửa phòng nhà sau từ bao giờ nghe thấy nhắc đến tên mình thì bật lên. Nó nấc như chưa bao giờ được khóc. Lưu đứng bật dậy chạy đến bên con bé cháu. Nó mới trạc mười tuổi mà cao gần bằng dì. Con bé Thy ôm cứng lấy Lưu, vùi đầu vào ngực cô khóc không dứt. Cảm giác giận hờn con bé Thy từ bao nhiêu năm nay trong Lưu đột ngột biến mất. Cảm giác ấy đã thường trực suốt nhiều năm ròng khi mẹ cô cứ chăm chăm vô đứa cháu ngoại xa mẹ phút chốc tan như bọt biển. Chỉ còn lại là sự xót xa vô bờ bến. Cô vuốt những giọt nước mắt giàn giụa trên má con bé, vỗ về lên tấm lưng gầy đang run lên vì tủi thân.
Trong khi ấy, chị Phiên vẫn ngồi trên ghế. Kiểu nửa nằm nửa ngồi. Tay chị vẫn cầm điện thoại. Khuôn mặt thuỗn dài và cứ thế yên lặng. Nhưng kiểu yên lặng của chị không giống mẹ Lưu. Từ lúc nào bà đứng ngay cửa lớn. Mặt nheo lại chứ không phải vẻ hớn hở như cách đó một tiếng. Đôi mắt của mẹ long lanh như thể đang ầng ậc nước. Như muốn khóc.
Mẹ Lưu cứ đứng sững ở cửa. Yên lặng. Rất lâu.
Gió từ ngoài sân thổi vào lồng lộng. Mùa này, trời lúc nào cũng hanh nắng. Vậy mà bỗng dưng có gió. Lạ quá…
NIÊ THANH MAI