Bánh khoái cá kình - món ăn dân dã gắn với đời sống người dân vùng đầm phá Tam Giang (tỉnh Thừa Thiên Huế) được vợ chồng chị Đoàn Duyên, chủ quán Làng Tôi (227/85 Nguyễn Văn Thoại, quận Ngũ Hành Sơn) mang vào Đà Nẵng phục vụ thực khách.
Những món ăn truyền thống xứ Huế tại quán Làng Tôi. Ảnh: H.L |
Sinh ra và lớn lên ở làng Chuồn, xã Phú Đa, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, vợ chồng chị Duyên nắm rõ công thức chế biến món ăn này. Chị cho hay, để giữ được hương vị nóng, giòn, loại bánh khoái này ăn đến đâu, đổ đến đó; bánh làm từ bột gạo làng Chuồn tạo nên lớp vỏ giòn bên ngoài, mềm bên trong, ở giữa là con cá kình vùng đầm phá vị béo, ngọt thơm, nhẫn đắng. Muốn món ăn giữ được hương vị quê nhà, chị pha nước chấm từ mắm ruốc nguyên chất, chỉ thêm vào đó vài lát ớt và chanh. Theo chị Duyên, cá kình làm bánh khoái không nên bỏ phần ruột, vì ruột cá chứa nhiều thành phần dinh dưỡng giúp an thần, ngủ ngon.
Được biết, món bánh khoái cá kình trứ danh được quán Làng Tôi phục vụ từ tháng 4-8 âm lịch, bởi đây là thời điểm cá vào mùa, phần thịt - xương ngọt mềm và thơm, bụng cá nhẫn béo, đắng nhẹ. Khoảng thời gian khác trong năm, thực khách có thể chọn cá dìa hoặc tôm, mực, hến, bò, heo… thay thế phần nhưn. Đặc biệt, thứ Tư hằng tuần, Làng Tôi phục vụ combo “Bánh khoái mâm” với 5 loại bánh khoái có nhưn mực cơm, hến, thịt heo, thịt bò và tôm; thực khách chọn ăn combo sẽ được quán tặng kèm 2 ly nước mận ngâm. Nhiều thực khách cho rằng, chính sự biến tấu về phần nhưn mang lại hương vị đặc trưng của món ăn dân dã này.
Bên cạnh món bánh khoái, Làng Tôi phục vụ thêm những món ăn truyền thống của người Huế, như bánh lọc, bánh nậm, nem lụi, nem, ram tôm cuốn, bún mắm thịt heo quay, gân bò ruốc sả… Không chỉ ghi điểm bởi bảng thực đơn phong phú, Làng Tôi còn được thực khách yêu thích bởi không gian bình dị, tạo cảm giác gần gũi và ấm cúng.
HUỲNH LÊ