Chăm lo phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao là giải pháp tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, góp phần giúp công nhân, người lao động nâng cao sức khỏe, thể chất; đồng thời là “liều thuốc” tinh thần để mọi người gắn kết, hiểu nhau, từ đó làm việc hiệu quả hơn.
Công nhân, người lao động tham gia Phiên chợ công nhân năm 2022. Ảnh: THANH TÌNH |
Sau gần 2 năm gián đoạn vì dịch bệnh, trong tháng 5 và tháng 6-2022, giải Bóng đá truyền thống công nhân lao động lần thứ 16 do Công đoàn Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp (KCNC&CKCN) Đà Nẵng tổ chức đã tạo luồng gió mới, giúp công nhân, người lao động giải tỏa áp lực công việc, tái tạo sức lao động. Giải thu hút 40 đội nam và 11 đội nữ từ 41 công đoàn cơ sở với trên 600 vận động viên nam, nữ tham gia.
Sân chơi bổ ích
Vừa là Ủy viên Ban chấp hành Công đoàn, vừa là cầu thủ chủ chốt tham dự giải đấu, anh Ngô Nhân Phương (nhân viên thiết kế Công ty KANE M Đà Nẵng) cho biết, công nhân, người lao động mong mỏi giải đấu bởi thông qua hoạt động này, họ không chỉ rèn luyện sức khỏe mà còn được chơi môn thể thao yêu thích, gắn kết và có những giờ phút thư giãn cùng nhau.
Theo anh Phương, khi dịch bệnh tạm ổn, các đơn hàng gia tăng, công nhân, người lao động tăng ca nhiều. Song, khi nghe tin tổ chức giải đấu, anh em công nhân đã chủ động sắp xếp thời gian bảo đảm vừa tập luyện đầy đủ, vừa ổn định sản xuất. “Ngoài hai đội tham gia thi đấu thì trong mỗi trận đấu, công ty tạo điều kiện cho cán bộ, công nhân, người lao động thay ca đi cổ vũ với khoảng 150-170 người. Sau giải đấu, anh em phấn khởi, hào hứng”, anh Phương cho hay.
Trong khi đó, anh Nguyễn Hữu Hoàng, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP MP Pack (KCN Hòa Khánh) cho hay, sau khi Công đoàn cấp trên triển khai giải đấu, Công đoàn cơ sở trích ra một khoản hỗ trợ, động viên công nhân, người lao động tập luyện. Anh em ai cũng phấn khởi vì sau thời gian dài dịch bệnh, mọi người muốn xốc lại tinh thần để làm việc tốt hơn.
Sau gần một tháng diễn ra, giải bóng đá nói trên đã khép lại với nhiều ấn tượng đẹp trong lòng cầu thủ, trọng tài, huấn luyện viên, cổ động viên và Ban tổ chức. “Các cầu thủ hầu hết là công nhân, người lao động vừa trải qua những ngày dài lao động nhưng khi vào sân thi đấu thì rất hăng say, vui vẻ. Thành công của giải đấu đáp ứng mục tiêu “khỏe để lao động sản xuất”, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm”, ông Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch Công đoàn KCNC&CKCN Đà Nẵng nhìn nhận.
Vừa qua, nhân ngày Gia đình Việt Nam 28-6, Công đoàn Công ty CP Cao su Đà Nẵng tổ chức cho vợ/chồng cán bộ, người lao động trong công ty về tham quan, giao lưu với đơn vị. “Chúng tôi tổ chức một chuyến xe cho người thân của người lao động đang làm việc tại công ty tham quan, hiểu hơn về nơi mà chồng/vợ họ đang công tác hằng ngày. Chúng tôi còn chiếu phóng sự về sự hình thành, phát triển công ty, tặng quà, giao lưu văn nghệ… nhằm động viên người thân tiếp tục làm hậu phương vững chắc”, anh Nguyễn Văn Tính, Thường trực Thi đua Công đoàn Công ty CP Cao su Đà Nẵng cho hay.
Tạo sợi dây kết nối
Theo Công đoàn KCNC&CKCN Đà Nẵng, tính đến ngày 30-5-2022, tổng số lao động tại các doanh nghiệp, đơn vị có Công đoàn cơ sở trực thuộc gần 44.000 người. Ngay khi dịch bệnh tạm ổn, Công đoàn các KCN đồng loạt triển khai các hoạt động chăm lo cũng như tạo không khí sôi nổi trong cán bộ, công nhân, người lao động, nổi bật là các hoạt động như: phiên chợ công nhân; tặng phiếu mua hàng cho đoàn viên, người lao động; hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bệnh hiểm nghèo…
Ngoài ra, Công đoàn các cấp phối hợp Thành Đoàn, Hội Thầy thuốc trẻ thành phố tổ chức các đợt khám, tư vấn, phát thuốc miễn phí; phối hợp Bệnh viện 199 tư vấn hậu Covid-19 cho đoàn viên, người lao động. Song song đó, tổ chức giải bóng đá công nhân lao động, vận động người lao động tham gia hội thao do Liên đoàn Lao động thành phố tổ chức. Nhiều công đoàn thuộc các doanh nghiệp lớn tự tổ chức các giải bóng đá, buổi ra quân vệ sinh môi trường, team building, hay cho nhân viên, người lao động đi du lịch để gắn kết. “Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, tham quan, dã ngoại… góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động. Khi đời sống vật chất bảo đảm, đời sống tinh thần được quan tâm đúng mức thì hẳn người lao động sẽ yên tâm gắn bó lâu dài, đóng góp vào thành quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Thành Trung khẳng định.
Đối với Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay, Công đoàn của đơn vị triển khai nhiều hoạt động để gắn kết cán bộ, nhân viên, người lao động như: Hội thao truyền thống Công ty Điện lực Đà Nẵng thu hút hơn 300 người tham gia; tổ chức cuộc thi tuyển thợ giỏi; xây dựng clip “Bài tập thể dục” với thông điệp “Khỏe để chiến thắng Covid-19, tăng năng suất, chất lượng lao động”; tổ chức cuộc thi viết, sáng tác thơ, ảnh, clip về “Nét đẹp người thợ điện Việt Nam”; tham gia chương trình “Một triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng Covid-19” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động…
Ông Trần Đình Lành, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết, thời gian tới, ngoài nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn tay nghề, Công đoàn sẽ nỗ lực chăm lo hơn nữa đời sống tinh thần cho đoàn viên, người lao động như tổ chức các hội thi tiếng hát công nhân, viên chức, lao động EVNCP, hay các đợt tham quan, học tập cho cán bộ, công nhân viên. Song song đó, tiếp tục duy trì, lan tỏa công tác xã hội từ thiện cũng như các chương trình “Mái ấm Công đoàn” để kịp thời động viên, hỗ trợ đoàn viên, người lao động ổn định đời sống, yên tâm lao động sản xuất, gắn bó, thúc đẩy sự phát triển công ty nhiều hơn nữa.
Cùng với nhiệm vụ hoàn thành tốt mục tiêu sản xuất kinh doanh, việc chú trọng đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa doanh nghiệp thông qua hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao là phần quan trọng mà các doanh nghiệp quan tâm. “Khi người lao động có thu nhập, đời sống tinh thần phong phú, họ cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ trong môi trường làm việc của doanh nghiệp thì sự gắn kết của họ đối với đơn vị cũng bền chặt hơn”, ông Lành nói.
THANH TÌNH