ĐỜI SỐNG CÔNG NHÂN

Mái nhà chung của người lao động

.

Nhiều công nhân sống xa nhà cảm thấy yên tâm hơn khi tham gia các Tổ công nhân tự quản khu nhà trọ (viết tắt tổ công nhân tự quản - PV). Ở đó, họ được địa phương quan tâm, chia sẻ về tinh thần, vật chất cũng như tạo điều kiện tham gia các hoạt động phong trào ở khu dân cư.

Ông Nguyễn Duy Minh (trái), Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố trao quà hỗ trợ công nhân sinh sống tại Tổ công nhân tự quản trên địa bàn phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ năm 2021. Ảnh: T.Y
Ông Nguyễn Duy Minh (trái), Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố trao quà hỗ trợ công nhân sinh sống tại Tổ công nhân tự quản trên địa bàn phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ năm 2021. Ảnh: T.Y

Đến nay, Đà Nẵng có 57 tổ công nhân tự quản với 8.697 công nhân đang sinh sống tại 4.786 phòng trọ trên địa bàn, tập trung chủ yếu ở hai quận Liên Chiểu và Cẩm Lệ…

Chỗ dựa tinh thần cho lao động xa quê

Nơi đi về sau giờ làm việc của chị Nguyễn Thị Hường, công nhân Công ty TNHH Daiwa Việt Nam, Khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh là căn phòng trọ nằm tại khu dân cư Đa Phước 6, phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu). Làm việc trong doanh nghiệp sản xuất dụng cụ câu cá với 100% vốn đầu tư Nhật Bản, chị Hường chia sẻ bản thân chịu nhiều áp lực về độ chính xác và tính chuyên nghiệp trong công việc. Do đó, sau giờ làm, chị chỉ muốn về phòng trọ nghỉ ngơi, thư giãn lấy lại sức khỏe.

Năm 2022, chị Hường được đại diện khu dân cư hướng dẫn tham gia Tổ công nhân tự quản số 26. Từ đó đến nay, tổ tự quản trở thành ngôi nhà thứ hai với những người chị, người anh thân thiết. “Trước đây, lịch trình mỗi ngày của tôi đơn giản, gần như ít giao lưu với ai ngoài chị em đồng nghiệp công ty. Sau này, tham gia tổ tự quản, tôi có điều kiện gặp gỡ nhiều người cùng hoàn cảnh nên dễ dàng chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau. Bên cạnh đó, tình hình an ninh trật tự tại tổ khá tốt giúp chúng tôi yên tâm hơn”, chị Hường nói.

Thành lập khoảng 1 năm nay, Tổ công nhân tự quản số 26 hiện quản lý khoảng 250 công nhân làm việc tại KCN Hòa Khánh. Ông Trương Minh Đạt, Tổ trưởng tổ tự quản 26 cho biết, tổ quản lý 130 phòng trọ nằm rải rác tại khu dân cư Đa Phước 6. Mục tiêu của tổ là xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, trong đó tập trung công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân, người lao động. Mặt khác, tổ cũng thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động để kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn xã hội, giúp họ an tâm làm việc, ổn định cuộc sống.

Quận Liên Chiểu là địa bàn tập trung 28 tổ công nhân tự quản, quản lý gần 5.000 lao động tại 3.013 phòng trọ trên địa bàn; trong đó, riêng phường Hòa Khánh Bắc có 27 tổ. Ông Phạm Thành Công, Tổ trưởng Tổ công nhân tự quản số 10, phường Hòa Khánh Bắc cho hay, do số lượng người lao động tập trung tại tổ khá đông (650 công nhân) nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bằng tinh thần kết nối, Ban điều hành tổ đã lập nhóm Zalo để kịp thời trao đổi thông tin và gửi các thông báo hoạt động từ tổ chức Công đoàn cấp trên. “Mọi người đều ý thức mình đang sinh hoạt dưới mái nhà chung nên sẵn sàng giúp đỡ nhau khi cần, đồng thời các đề xuất, ý kiến đều mang tính xây dựng vì tập thể”, ông Công chia sẻ.

Đồ họa: MAI ANH
Đồ họa: MAI ANH

Từ năm 2019, Liên đoàn Lao động thành phố phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông lắp đặt hệ thống wifi miễn phí tại nhiều khu nhà trọ. Chất lượng băng thông mỗi điểm lắp đặt có thể đáp ứng hơn 600 người dùng. Chị Trần Thị Hòa, đang sinh hoạt tại Tổ công nhân tự quản số 1, phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ) cho biết, nhu cầu sử dụng internet của chị không nhiều, chủ yếu buổi tối, sau giờ làm, nếu đăng ký sử dụng dịch vụ thương mại cũng mất gần 200.000 đồng/tháng. “Quá trình đi tìm chỗ trọ, tôi tham khảo nhiều nơi, nhiều khu vực để bảo đảm môi trường sống an toàn, lành mạnh và có nhiều tiện ích hỗ trợ như sử dụng wifi miễn phí, tham gia tổ tự quản và thụ hưởng các chính sách nhân văn dành cho người lao động”, chị Hòa bộc bạch.

Tạo môi trường sống an toàn, văn minh

Có thể nói, việc thành lập các tổ công nhân tự quản là nỗ lực của Liên đoàn Lao động thành phố và các tổ chức Công đoàn cơ sở nhằm chăm lo tốt hơn đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân, người lao động.

Là địa phương quản lý hàng chục doanh nghiệp hoạt động tại KCN Đà Nẵng, quận Sơn Trà có 5 tổ công nhân tự quản, tập hợp gần 600 công nhân. Bà Trần Thị Tin, Tổ trưởng Tổ công nhân tự quản số 45, phường Thọ Quang cho biết, tổ quản lý khoảng 120 công nhân, chủ yếu người đồng bào Cơ tu ở huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) và người Pa Cô (tỉnh Quảng Trị), làm việc thời vụ tại các xí nghiệp chế biến thủy, hải sản tại KCN Đà Nẵng. Trong 2 năm dịch bệnh, vai trò của Tổ công nhân tự quản được nâng cao, trở thành chỗ dựa tinh thần cho người lao động, như thường xuyên thăm hỏi, động viên, trao quà hỗ trợ và vận động chủ nhà trọ không tăng giá nhà, giá điện, nước…

Tại phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ), năm 2021, tổ chức Công đoàn đã vận động 15 chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê trọ cho công nhân các tổ tự quản, tổng số tiền gần 140 triệu đồng. Đơn cử, bà Nguyễn Thị Nga (tổ dân phố 29, phường Hòa Thọ Tây) đã giảm 50% tiền thuê nhà hai tháng 7 và 8-2021 cho gần 20 công nhân với số tiền 18 triệu đồng. Bên cạnh đó, bà cam kết không tăng giá cho thuê nhà, phối hợp với đại diện tổ dân phố, tổ công nhân tự quản đề xuất Công đoàn cấp trên hỗ trợ công nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Khẳng định các tổ công nhân tự quản đã làm tốt vai trò đồng hành, kết nối, giúp đỡ công nhân xa nhà ổn định cuộc sống, bà Bùi Thị Linh Chi, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Cẩm Lệ cho biết, quận Cẩm Lệ có khoảng 3.000 công nhân sinh hoạt tại 21 tổ tự quản. Năm 2021, thông qua tổ chức công đoàn, công nhân khó khăn sinh sống tại tổ tự quản được các cấp, ngành hỗ trợ hàng trăm suất quà, mỗi suất 300.000 - 500.000 đồng. Ngoài ra, Liên đoàn Lao động thành phố tổ chức phun thuốc khử trùng, hỗ trợ dung dịch sát khuẩn, khám tầm soát bệnh tại hầu hết các điểm nhà trọ tự quản trong thời điểm Covid-19 diễn biến phức tạp. Định kỳ mỗi năm tổ Công đoàn cơ sở phối hợp tổ công nhân tự quản, Công an phường tuyên truyền Luật Lao động, nhắc nhở người lao động thực hiện tốt công tác khai báo tạm trú, tạm vắng, bảo đảm các tiêu chí an toàn, đề phòng kẻ gian lợi dụng sơ hở cướp đoạt tài sản tại khu nhà trọ…

Công nhân có hoàn cảnh khó khăn sinh sống tại các Tổ công nhân tự quản thường xuyên được các tổ chức, đoàn thể tặng quà. (Ảnh chụp năm 2021)Ảnh: T.Y
Công nhân có hoàn cảnh khó khăn sinh sống tại các Tổ công nhân tự quản thường xuyên được các tổ chức, đoàn thể tặng quà. (Ảnh chụp năm 2021) Ảnh: T.Y

Để hoạt động hỗ trợ đi vào chiều sâu, Liên đoàn Lao động quận Cẩm Lệ ký quy chế phối hợp hoạt động với lực lượng công an, y tế, bảo hiểm y tế, hằng năm khám bệnh miễn phí, tuyên truyền Luật Cư trú và bảo đảm quyền lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… cho công nhân. “Chúng tôi đang dự thảo nội dung phối hợp 3 bên “công đoàn - công an - doanh nghiệp” để quản lý tốt hơn hoạt động của các tổ tự quản, từ đó đề xuất các giải pháp hoạt động phù hợp, hiệu quả”, bà Chi chia sẻ thêm.

Một trong những mục tiêu quan trọng của Liên đoàn Lao động thành phố khi xây dựng mô hình tổ công nhân tự quản là tạo môi trường sống an toàn, thân thiện, văn minh cho người lao động xa quê. Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Nguyễn Duy Minh cho rằng, sự gắn kết giữa Công đoàn - người lao động là cần thiết và mỗi tổ tự quản là cánh tay nối dài của tổ chức Công đoàn trong chăm lo, hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời giảm thủ tục hành chính khi đăng ký tạm trú, tạm vắng, tổ chức hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa các thành viên… Ông Minh cũng cho hay, mỗi tổ tự quản sẽ được Liên đoàn Lao động thành phố trang bị tủ sách pháp luật, loa di động, wifi miễn phí, khuyến khích tổ chức giao lưu văn hóa, thể thao, hoạt động đối thoại, tạo cơ sở đề xuất ý kiến, nguyện vọng lên Liên đoàn Lao động thành phố để có hướng giải quyết kịp thời, thỏa đáng.

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.