LÀNG NGHỀ

Giải pháp bảo tồn và phát triển làng nghề

.

Trước thực tế nhiều nghề, làng nghề thủ công truyền thống tại Đà Nẵng có nguy cơ mai một, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, bảo tàng đã tổ chức kiểm kê, đánh giá thực trạng và có kế hoạch bảo tồn, phát triển trong thời gian tới.

Thời gian tới Bảo tàng Đà Nẵng sẽ tiến hành kiểm kê, đánh giá thực trạng các nghề thủ công truyền thống tại Đà Nẵng. TRONG ẢNH: Nghề làm chiếu ở Cẩm Nê đứng trước nguy cơ mai một. Ảnh: T.Y
Thời gian tới Bảo tàng Đà Nẵng sẽ tiến hành kiểm kê, đánh giá thực trạng các nghề thủ công truyền thống tại Đà Nẵng. TRONG ẢNH: Nghề làm chiếu ở Cẩm Nê đứng trước nguy cơ mai một. Ảnh: T.Y

Trên cơ sở này, Sở Văn hóa và Thể thao chủ động tham mưu UBND thành phố ban hành nhiều đề án, kế hoạch bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch, mang lại đời sống kinh tế cho người dân. 

* Qua thời gian, một số làng nghề thủ công truyền thống ở Đà Nẵng dần mai một. Theo ông, đâu là nguyên nhân?

- Trước đây, ở Đà Nẵng có nhiều nghề thủ công truyền thống, như nghề đan lát ở thôn Yến Nê, làm nón lá ở thôn La Bông, nghề dệt chiếu ở thôn Cẩm Nê (xã Hòa Tiến); nghề làm thúng rái thôn Phước Hưng (xã Hòa Nhơn); nghề trồng và chế biến chè xanh thôn Phú Thượng (xã Hòa Sơn); nghề trồng và chế biến thuốc lá Cẩm Lệ; nghề làm bánh khô mè Cẩm Lệ; bánh tráng Túy Loan; nước mắm Nam Ô, nghề đan thuyền thúng đi biển ở phường Thọ Quang...

Hiện nay, nhiều nghề trong số đó đã mai một, một số khác tồn tại nhưng sản xuất ít, chủ yếu người cao tuổi theo nghề, như dệt chiếu Cẩm Nê (1 hộ), bánh khô mè Cẩm Lệ, bánh tráng Túy Loan (6 hộ). Nguyên nhân do phát triển đô thị hóa, các sản phẩm truyền thống làm ra không có thị trường tiêu thụ.

Bên cạnh đó, yếu tố nhân lực cũng là bài toán khó, hầu hết nghệ nhân làm nghề ở tuổi “xưa nay hiếm”, thợ có tay nghề đếm trên đầu ngón tay, lớp thanh niên không mặn mà. Ngoài ra, vấn đề về vốn cũng như khả năng cải tiến mẫu mã thấp dẫn đến việc duy trì, phát triển nghề truyền thống gặp khó khăn, chật vật.

* Ngoài giá trị kinh tế, nghề làm nước mắm Nam Ô, điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước… được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Vậy ngành văn hóa Đà Nẵng  có những giải pháp nào để bảo tồn và phát triển?

- Định kỳ hằng năm, Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức kiểm kê nhằm đánh giá thực trạng tồn tại và phát triển các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn, trong đó có loại hình nghề thủ công truyền thống; trên cơ sở đó có kế hoạch bảo tồn và phát triển. Đến nay, có 2 nghề truyền thống: điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước và làm nước mắm Nam Ô được Bộ VH-TT&DL công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Để bảo tồn, phát triển, Sở Văn hóa và Thể thao đã chủ động tham mưu UBND thành phố ban hành nhiều đề án, kế hoạch như đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2013-2015”, đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2016-2020”, đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025”, đề án “Bảo tồn và phát huy làng nghề nước mắm Nam Ô gắn với phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng”…

Các nội dung cụ thể của các đề án, kế hoạch góp phần rất lớn vào công tác bảo vệ giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, khuyến khích mạnh mẽ cộng đồng có di sản, chính quyền địa phương và xã hội tham gia quá trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Đơn cử, trong đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025” được thành phố ban hành năm 2021, đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm: tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó tập trung truyền dạy kỹ năng, bí quyết và quảng bá, giới thiệu giá trị di sản, tránh nguy cơ mai một, thất truyền.

Đối với đề án “Bảo tồn làng nghề nước mắm Nam Ô gắn với phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng”, bước đầu chính quyền địa phương đang tập trung tuyên truyền, vận động các cơ sở, hộ làm nước mắm sản xuất đạt sản lượng nước mắm tiêu thụ từ 200.000 - 250.000 lít/năm; nâng cao chất lượng, mẫu mã bao bì, nhãn mác sản phẩm; hỗ trợ hội làng nghề, các cơ sở, hộ dân làm nước mắm tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài thành phố; hoàn thành trùng tu, tôn tạo, bảo tồn các di tích, cơ sở tín ngưỡng thờ tự gắn với làng nghề tại làng Nam Ô và hướng dẫn 3 cơ sở sản xuất nước mắm tham gia chương trình OCOP…

* Bài toán bảo tồn và phát triển đối với các nghề thủ công truyền thống như khô mè Cẩm Lệ, bánh tráng Túy Loan sẽ được giải quyết như thế nào, thưa ông?

- Đối với nghề thủ công truyền thống như nghề làm bánh khô mè Cẩm Lệ, nghề làm bánh tráng Túy Loan, Bảo tàng Đà Nẵng sẽ tiếp tục kiểm kê, rà soát đánh giá thực trạng tồn tại, phát triển của nghề, từ đó đề xuất lập hồ sơ khoa học công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và xây dựng kế hoạch bảo tồn các di sản này theo quy định.

Mặt khác, để tạo sinh kế cho người dân làm nghề, UBND huyện Hòa Vang đã hỗ trợ gia đình làm bánh tráng Túy Loan phát triển thương hiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm. UBND xã Hòa Phong khảo sát quy hoạch khu sản xuất tập trung và tăng quy mô, tăng số hộ sản xuất. Sở Khoa học - Công nghệ hỗ trợ xây dựng quy trình sản xuất, quản lý, vận hành hệ thống sản xuất, bảo đảm nâng cao chất lượng, số lượng sản phẩm, hoàn thành và triển khai trong năm 2022. Tôi hy vọng những giải pháp này sẽ giúp vực dậy nghề bánh tráng Túy Loan và trong tương lai là bánh khô mè Cẩm Lệ.

* Nội dung bảo tồn làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch từng được đề cập trong nhiều đề án trước đây nhưng hầu hết chưa phát huy hiểu quả rõ nét. Vậy cần làm gì để những mục tiêu, kế hoạch nêu trong các đề án mới sớm thành hiện thực?

- Hiện nay, loại hình du lịch làng nghề truyền thống ở Việt Nam ngày càng hấp dẫn du khách, đặc biệt du khách nước ngoài, bởi những giá trị văn hóa lâu đời và các sản phẩm thủ công đặc trưng ở mỗi vùng/miền. Để công tác bảo tồn và phát triển làng nghề thủ công truyền thống đạt kết quả như mong đợi, Đà Nẵng cần nâng cao vai trò của cộng đồng thực hành di sản bởi họ chính là người sở hữu, bảo tồn, trao truyền và thực hành di sản.

Vấn đề đặt ra là làm sao để cộng đồng đó có thể gắn bó, bảo vệ, duy trì và phát huy giá trị di sản? Giải quyết được vấn đề này sẽ giải quyết được bài toán giữa lợi ích kinh tế của cộng đồng với công tác bảo tồn di sản, dẫn đến đáp án chung: phát triển bền vững. Một khi sinh kế được bảo đảm, người dân sẽ có ý thức giữ gìn, phát huy giá trị di sản và ngược lại.

Có thể nói, bất kỳ loại hình di sản văn hóa nào khi được khai thác để phát triển đều phải chú ý đến hiệu quả và mang lại quyền lợi, sinh kế cho người dân tại chỗ. Sinh kế chính đáng được tạo ra từ các hoạt động bảo tồn, khai thác di sản văn hóa như chế tác, bán hàng lưu niệm, các dịch vụ, sản phẩm làng nghề, du lịch lễ hội, du lịch trải nghiệm cộng đồng, ẩm thực, đưa nghệ thuật trình diễn/diễn xướng dân gian vào bán vé…

Ngoài ra, để làng nghề truyền thống thoát khỏi nguy cơ mai một, điều quan trọng là xây dựng được kế hoạch phát triển bền vững, như liên kết với ngành du lịch, đưa làng nghề thành điểm tham quan, du lịch hấp dẫn nằm trong lộ trình của du khách. Ý tưởng này tạo điều kiện mở rộng điểm đến cho ngành du lịch, đồng thời tạo thị trường, nguồn tiêu thụ rộng rãi cho sản phẩm thủ công truyền thống.

Theo tôi, với tầm quan trọng của làng nghề, Sở Khoa học - Công nghệ, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Đà Nẵng cần có dự án khích lệ cộng đồng có di sản cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm; hỗ trợ xây dựng quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng, số lượng sản phẩm và hỗ trợ công tác đào tạo, quảng bá, truyền dạy kỹ năng cũng như bí quyết thực hành nghề cho lớp người kế cận.

"Để làng nghề truyền thống thoát khỏi nguy cơ mai một, điều quan trọng là xây dựng được kế hoạch phát triển bền vững, như liên kết với ngành du lịch, đưa làng nghề thành điểm tham quan, du lịch hấp dẫn nằm trong lộ trình của du khách. Ý tưởng này tạo điều kiện mở rộng điểm đến cho ngành du lịch, đồng thời tạo thị trường, nguồn tiêu thụ rộng rãi cho sản phẩm thủ công truyền thống”

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng

TIỂU YẾN thực hiện

;
;
.
.
.
.
.