Làng nghề nước mắm Nam Ô (phường Hòa Hiệp Bắc và Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) được hình thành vào đầu thế kỷ XX. Không chỉ là nghề mang lại hiệu quả kinh tế, nước mắm Nam Ô với vị thơm đậm, ngọt tự nhiên, có màu đỏ cánh gián, còn là sản phẩm văn hóa tinh thần độc đáo, mang giá trị lịch sử, tri thức dân gian, thể hiện bản sắc cộng đồng địa phương vùng biển.
Ông Trần Ngọc Vinh, Chủ tịch Hội Làng nghề nước mắm Nam Ô (phải), tự hào là người truyền lửa để giữ gìn nghề làm nước mắm.Ảnh: THANH TÌNH |
Trải qua bao thăng trầm cùng biến thiên của thời gian, nghề làm nước mắm Nam Ô vẫn tồn tại và phát triển; bí quyết và công thức làm nước mắm được bảo lưu, trao quyền qua nhiều thế hệ.
Thế hệ thứ 4 làm mắm
Là người con của Nam Ô, không muốn làng nghề bị mai một, năm 2016, anh Bùi Thanh Phú (36 tuổi) quyết tâm xây dựng thương hiệu nước mắm Hương Làng Cổ. Anh Phú kể: “Nhà tôi 4 đời làm mắm. Thế nhưng, khi tôi bày tỏ ý định theo nghề này, gia đình can ngăn bởi nghề làm mắm vất vả, hôi tanh… Lúc đó, tôi nghĩ tại sao người khác làm được mà mình lại không, trong khi mình là người con được sinh ra và lớn lên trên chính mảnh đất này. Tôi đã thuyết phục gia đình và phát triển thương hiệu nước mắm Hương Làng Cổ đến nay”.
Cũng theo anh Phú, dựa vào nhiều năm kinh nghiệm làm mắm của gia đình nên việc làm mắm đối với anh không khó. Cái khó là việc quảng bá, phát triển thương hiệu sản phẩm. Tuy vậy, với sự nhạy bén, sáng tạo, năng động, anh Phú đã nỗ lực học hỏi, không ngừng cải thiện chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Nhờ vậy, cái tên Hương Làng Cổ dần quen thuộc với khách hàng trong và ngoài thành phố; góp mặt ở nhiều hội chợ, sự kiện thương mại.
“Thành công không chỉ đơn thuần là lợi nhuận mà còn phải được đo đếm bằng giá trị văn hóa tinh thần. Từng ngày tôi luôn chăm chút, tỉ mẩn từng khâu của sản phẩm, từ chọn nguyên liệu đến quy trình chế biến, đóng chai. Nghề này vất vả nhưng là nghề truyền thống của cha ông nên thế hệ sau như chúng tôi phải chung tay gìn giữ. Vì thế, tôi hạnh phúc khi tiếng tăm Hương Làng Cổ vang xa cũng như góp phần vào việc đưa làng nghề truyền thống của quê hương khởi sắc”, anh Phú chia sẻ.
Tiếp chúng tôi trong khuôn viên Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp Ô Long, anh Phan Công Quang (34 tuổi), Chủ tịch HTX Dịch vụ tổng hợp Ô Long, khoe những chai nước mắm Ô Long không chỉ được bày bán tại các cửa hàng thực phẩm trên địa bàn thành phố mà còn có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, đồng thời xuất khẩu sang thị trường Thái Lan, Nhật Bản. HTX Dịch vụ tổng hợp Ô Long ra đời vào năm 2016, đến nay mỗi năm HTX cho ra thị trường 15.000 - 30.000 lít nước mắm.
Anh Quang lý giải, nước mắm Nam Ô được làm từ cá cơm than; lấy 70% cá cơm than từ các tàu, thuyền ở quận Sơn Trà; còn lại 30% từ các tàu, thuyền Nam Ô. Cá được đánh bắt về còn tươi, không ướp đá, đem về muối sống trong các chum vại khoảng 11-12 tháng, riêng HTX Dịch vụ tổng hợp Ô Long muối cá đến 18 tháng theo tỷ lệ 12 cá : 4 muối. Muối được sử dụng là loại muối trắng hạt to của vùng Cà Ná (Ninh Thuận).
Là thế hệ thứ 4 ở làng chài cổ Nam Ô, sinh ra, lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nước mắm, anh Quang đau đáu khi làng nghề có nguy cơ mai một. Vì vậy, anh quyết định bỏ công việc ổn định tại Khu công nghiệp để trở về khôi phục làng nghề nước mắm. Việc đầu tiên anh Quang làm là kêu gọi bà con thành lập HTX, từng bước gầy dựng thương hiệu nước mắm Nam Ô. Hiện sản phẩm của HTX Dịch vụ tổng hợp Ô Long đã có mặt tại 800 cửa hàng ở địa bàn thành phố và nhiều cửa hàng khác trên cả nước.
“Tài sản thừa kế của người con địa phương”
Nam Ô là làng đánh cá nhỏ nằm ở cửa sông Cu Đê, dưới chân đèo Hải Vân. Ngoài những người trẻ đang nỗ lực gìn giữ nghề, không thể không nhắc đến ông Trần Ngọc Vinh,
Chủ tịch Hội Làng nghề nước mắm Nam Ô. Ông Vinh năm nay 73 tuổi nhưng tình yêu nghề nước mắm của ông không hề phai nhạt. Tiếp chúng tôi, ông Vinh cầm trên tay chai nước mắm truyền thống và hào sảng nói rằng, khi đến Đà Nẵng, mọi người thường nhắc đến các sản vật như: mực một nắng, mực cơm rim me, bánh khô mè và... nước mắm Nam Ô. Đây là loại mắm trước kia từng được lựa chọn để tiến vua. “Tôi và những thành viên trong Hội Làng nghề nước mắm Nam Ô luôn nỗ lực động viên, khích lệ bà con gìn giữ kinh nghiệm làm nghề để cho ra những mẻ nước mắm thơm ngon, bắt mắt”, ông Vinh cho biết.
Chủ tịch Hội Làng nghề nước mắm Nam Ô nhắn nhủ: “Trải qua nhiều thế hệ, người Nam Ô hiện nay vẫn giữ được bí quyết làm nước mắm truyền thống. Chúng tôi càng tự hào hơn khi nghề làm nước mắm được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhờ làng nghề khôi phục, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt, bà con cũng đoàn kết hơn trong việc truyền dạy nghề để nước mắm Nam Ô luôn là tài sản thừa kế của người con địa phương”.
Thời gian tới, ngoài việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy truyền thống làng nghề, các thành viên trong Hội Làng nghề nước mắm Nam Ô không ngừng nâng cao chất lượng, thiết lập mạng lưới phân phối sản phẩm ra thị trường tốt hơn. Ông Vinh bày tỏ mong muốn các cấp, các ngành vận động bà con thành lập đội tàu vươn khơi bám biển đánh bắt cá cơm nhằm cung cấp nguyên liệu đầy đủ cho bà con làng nghề.
Cùng với đó, thành phố có những chính sách đầu tư, quy hoạch phát triển làng nghề kết hợp du lịch sinh thái biển Nam Ô, đồng thời hỗ trợ thiết thực trong việc quảng bá để đưa sản phẩm làng nghề đến gần hơn người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Người dân làng nghề nước mắm Nam Ô kỳ vọng nghề mà họ đang gìn giữ sẽ tạo thu nhập bền vững cho hàng trăm lao động địa phương và thương hiệu nước mắm Nam Ô sẽ vang xa hơn nữa, để nhiều người khi nhắc đến vùng đất Nam Ô đều nhớ ngay câu “Nước mắm Nam Ô/ Cá rô Xuân Thiều”.
Đưa nước mắm Nam Ô trở thành sản phẩm du lịch |
THANH TÌNH