NHÂN LỰC NGÀNH DU LỊCH

Để nhân lực không là rào cản

.

Du lịch Đà Nẵng đang có sự phục hồi mạnh mẽ. Tháng 6-2022, số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 417.900 lượt, tăng gấp 8,8 lần so cùng kỳ năm 2021, trong đó khách nội địa ước đạt hơn 389.200 lượt, tăng gần gấp 10 lần so với cùng kỳ. Lượng khách đến đông đòi hỏi chất lượng dịch vụ, cơ sở hạ tầng phải bảo đảm, trong đó nhân lực lao động ngành du lịch vẫn là ưu tiên hàng đầu cần được quan tâm.

Nhiều lao động nâng cao chuyên môn nghiệp vụ của mình khi quay trở lại với công việc.  Trong ảnh: Đầu bếp Đoàn Văn Cường (trái)  và đồng nghiệp đang chuẩn bị bữa ăn cho khách. Ảnh: THU HÀ
Nhiều lao động nâng cao chuyên môn nghiệp vụ của mình khi quay trở lại với công việc. TRONG ẢNH: Đầu bếp Đoàn Văn Cường (trái) và đồng nghiệp đang chuẩn bị bữa ăn cho khách. Ảnh: THU HÀ

Bài toán nhân lực: Dễ mà khó!

Là tổ trưởng bếp Âu của Belle Maison Parosand Danang Hotel (đường Võ Nguyên Giáp, quận Sơn Trà), một ngày của anh Đoàn Văn Cường thường bắt đầu từ 10 giờ sáng. Dịp này, ngoài phục vụ khách lưu trú tại khách sạn, nhà hàng của khách sạn đón và phục vụ thêm khách ngoài nên công việc đứng bếp của anh rất bận rộn. Anh Cường tâm sự, anh làm việc tại khách sạn từ năm 2018, sau thời gian bị gián đoạn vì dịch bệnh, nay vẫn được làm công việc mình yêu thích tại nơi làm việc cũ thì không còn gì hạnh phúc bằng.

Cũng như nhiều lao động khác trong ngành du lịch, khi cả thành phố thực hiện giãn cách để phòng, chống dịch, anh Cường phải nghỉ việc. Lúc đó, anh lo lắng không biết dịch bệnh sẽ kéo dài bao lâu, công việc sẽ như thế nào… Trong khoảng thời gian các khách sạn chưa mở cửa trở lại, để không bị “lụt nghề”, anh dành thời gian nghiên cứu công thức cũng như cách thức trình bày các món ăn. Không có nhiều tiền để mua các nguyên liệu đắt tiền, anh chọn những nguyên liệu tương tự để nấu thử và thực hành ngay tại nhà.

“Nghề bếp áp lực rất lớn, bản thân mình phải tự học hỏi, trau dồi thêm kiến thức chuyên môn, kỹ năng để nâng cao tay nghề của chính mình. Nếu không có tình yêu nghề thì sẽ khó gắn bó lâu dài, nhất là trong giai đoạn dễ khủng hoảng như hiện nay”, anh Cường chia sẻ.

Thực ra, không phải ai cũng may mắn như anh Đoàn Văn Cường vẫn được gắn bó với nơi làm việc cũ sau thời gian biến động. Nhiều lao động trong ngành du lịch đã phải chuyển hướng tìm công việc khác làm tạm hoặc chuyển hẳn luôn sang một công việc mới vì tâm lý lo ngại, sợ công việc lại có biến động.

Đây cũng là điều dễ hiểu bởi báo cáo của Sở Du lịch năm 2021 cho thấy dịch bệnh đã khiến khoảng 80% - tương đương 42.000 lao động trực tiếp ngành du lịch và hàng trăm ngàn lao động gián tiếp đã và đang thất nghiệp. Những người làm du lịch cho rằng, nhân lực trong giai đoạn phục hồi là bài toán không của riêng doanh nghiệp nào; khi thiếu, các doanh nghiệp sẽ phải tuyển dụng để bù vào, nhưng đi kèm với đó mỗi doanh nghiệp phải có các chính sách đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động.

Bà Trần Thanh Trang, Tổng Giám đốc điều hành khách sạn Belle Maison Parosand Danang chia sẻ, trước khi dịch bệnh xảy ra, khách sạn có khoảng 180 lao động ở tất cả các vị trí việc làm. Trong thời gian ảnh hưởng dịch bệnh, doanh nghiệp giữ lại khoảng 50-60 nhân viên đều là những vị trí quản lý chủ chốt. Hiện khách sạn có khoảng 140 nhân viên, trong đó 80% là đội ngũ điều hành cũ, chỉ tuyển mới nhân viên ở một số bộ phận. So với công suất phòng hiện nay, với số lao động hiện có, khách sạn vẫn đang thiếu người nhưng doanh nghiệp đã linh động bố trí các nhân viên đang làm có thể kiêm nhiệm và tính thêm vào lương ngoài giờ nên mọi người đều có động lực cố gắng. 

Cũng theo bà Trang, ngoài môi trường làm việc, chế độ đãi ngộ…, để bảo đảm chất lượng công việc cũng như chuyên môn của đội ngũ lao động, khách sạn liên tục có các khóa đào tạo tại chỗ cho từng bộ phận; thiết lập quy trình từng bộ phận, vị trí của nhân viên để nâng cao tay nghề, nghiệp vụ cho nhân viên. Một trong những lợi thế của khách sạn là bộ máy nhân sự chủ chốt của khách sạn đều là những người đồng hành với doanh nghiệp vượt qua khó khăn nên công tác đào tạo nhân viên rất được quan tâm.

“Yếu tố con người rất quan trọng, sẽ góp phần tạo ra được hệ sinh thái riêng cho doanh nghiệp. Vì thế, khi tuyển dụng, ngoài năng lực, kỹ năng chuyên môn thì thái độ là ưu tiên hàng đầu. Người lao động yêu thích công việc, môi trường làm việc thì mới tạo ra năng lượng tích cực và họ sẽ truyền năng lượng tích cực đó tới cho khách. Ngoài cơ sở hạ tầng tốt thì thái độ, sự niềm nở, thân thiện của đội ngũ nhân viên chính là yếu tố để thu hút khách quay trở lại”, bà Trang chia sẻ.

Hiện nay, trên các trang, hội nhóm liên quan đến khách sạn, lữ hành, du lịch… dễ dàng thấy những thông tin tuyển dụng các vị trí như buồng phòng, điều hành tour, lễ tân… Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Lữ hành Quốc tế Hải Vân Cát (quận Sơn Trà) chia sẻ: Khi tuyển dụng, quan trọng là tìm được người phù hợp với định hướng của doanh nghiệp. Hiện nhiều sinh viên ngành du lịch mới ra trường nhưng có một số bất cập, đó là hai năm qua dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp đóng cửa, cơ hội thực tập, thực hành không nhiều nên khi đi làm các em còn bỡ ngỡ, khó khăn.

Tăng cường hợp tác đào tạo

Ông Võ Văn Anh, Chủ tịch Hội hướng dẫn viên du lịch thành phố Đà Nẵng cho rằng, hiện mới chỉ du lịch nội địa phục hồi nên ngoài hướng dẫn viên tiếng Việt, một số hướng dẫn viên tiếng Anh cũng có thể đi dẫn đoàn. Qua theo dõi các group (nhóm) của hướng dẫn viên, khi khách du lịch đông, tỷ lệ lao động quay trở lại khoảng 60%. Ông Võ Văn Anh cho biết, bản thân mỗi hướng dẫn viên khi làm nghề đều phải nỗ lực trau dồi kiến thức để có thể làm tốt nhiệm vụ. Hội hướng dẫn viên cũng có kế hoạch, chương trình cụ thể để nâng cao kỹ năng, kiến thức cho hội viên.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng phân tích, du lịch mở cửa trở lại, lúc cao điểm khách, Đà Nẵng không huy động được nhanh nguồn nhân lực, dẫn đến tình trạng thiếu hụt cục bộ. Đây cũng là bài toán chi phí của nhiều doanh nghiệp, khi không có khách thì cắt giảm nhân sự, khi khách đông thì chưa kịp tuyển nên điều cần nhất đối với doanh nghiệp lúc này là phải sử dụng hiệu quả lao động. Còn với nhân lực chất lượng cao, nhất là các chuyên gia nước ngoài, nhiều người đã về nước, muốn quay trở lại thì họ cũng cần có có thời gian làm thủ tục cần thiết…

Ông Dũng cho rằng, trước mắt cần có sự tương tác mạnh hơn nữa giữa các doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo để bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với xu hướng cũng như tăng cường hợp tác giữa nhà trường, Nhà nước và doanh nghiệp để bảo đảm nguồn lao động cho ngành.

Giám đốc Sở Du lịch Trương Thị Hồng Hạnh cho hay, sở và các doanh nghiệp rất quan tâm vấn đề nguồn nhân lực, nhất là trong giai đoạn du lịch thành phố đang có sự phục hồi mạnh mẽ. Sở đã tổ chức 17 lớp đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ, chăm sóc khách hàng cho đội ngũ nhân sự về nhận thức, thái độ, tư duy dịch vụ chuyên nghiệp, cách xử lý các tình huống thường gặp trong quá trình phục vụ khách và các nghiệp vụ chuyên sâu về buồng phòng, nhà hàng, lễ tân; hỗ trợ tổ chức các chương trình tuyển dụng, hướng nghiệp và thiết lập trang web đào tạo trực tuyến daotaodulichdanang.com để các doanh nghiệp cập nhật kiến thức nghiệp vụ và tự đào tạo hoàn thiện chất lượng dịch vụ. Sắp tới, Sở Du lịch tiếp tục triển khai các bộ tiêu chí chuẩn chuyên nghiệp trong phục vụ khách du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng ứng xử phục vụ khách, chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh; tổ chức các chương trình tuyển dụng, hướng nghiệp tuyển dụng nhân sự...

THU HÀ

;
;
.
.
.
.
.