Với mục tiêu xây dựng thành phố thông minh, Đà Nẵng xem việc phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) là nhiệm vụ quan trọng và đột phá. Trong đó, Công ty FPT Software (FSoft) Đà Nẵng luôn đồng hành chính quyền thành phố triển khai nhiều chương trình thiết thực nhằm thu hút nhân sự CNTT chất lượng cao về làm việc tại Đà Nẵng như: chính sách chuyển vùng, an cư lạc nghiệp và an cư giáo dục.
Các bạn trẻ FPT Software Đà Nẵng tham gia ngày hội Công nghệ và khởi nghiệp tại Google I/O Extended Mien Trung 2022 ở Đà Nẵng. |
Ông Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc FSoft Đà Nẵng cho biết, đơn vị này tiếp tục hợp tác chặt chẽ, toàn diện với các trường đại học, cao đẳng, các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực CNTT thông qua hỗ trợ chương trình đào tạo, cử chuyên gia của công ty tham gia giảng dạy, tổ chức các hội thảo về công nghệ, tài trợ các hoạt động học tập và nghiên cứu của sinh viên và nhà trường, tạo điều kiện cho sinh viên kiến tập, thực tập tốt nghiệp, hướng dẫn sinh viên làm đồ án tốt nghiệp tại doanh nghiệp... nhằm góp phần xây dựng nguồn lực CNTT của thành phố.
* Sau đại dịch Covid-19, hoạt động sản xuất phần mềm tại FSoft Đà Nẵng như thế nào? Đơn vị đã xây dựng cơ sở vật chất ra sao để đáp ứng yêu cầu phát triển, thưa ông?
- Hoạt động sản xuất phần mềm tại FSoft Đà Nẵng không bị gián đoạn mà liên tục tăng trưởng trong và sau đại dịch Covid-19. Riêng trong năm 2021, FSoft Đà Nẵng tuyển dụng hơn 1.600 vị trí. Đặc biệt, ngày 24-5 vừa qua, chúng tôi đã khởi công giai đoạn 3 của tòa nhà FPT Compex để hoàn tất dự án không chỉ cho 10.000 người làm việc mà còn có nhiều công trình phụ trợ để tạo ra không gian làm việc sáng tạo, thân thiện cho nhân viên.
* Ông đánh giá như thế nào về tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực CNTT ở FSoft Đà Nẵng nói riêng và ở thành phố Đà Nẵng nói chung hiện nay?
- Với nguồn lực 5.000 nhân sự hiện tại, mỗi năm chỉ riêng FSoft Đà Nẵng cần tuyển thêm hàng nghìn vị trí. Hằng năm, các cơ sở đào tạo CNTT tại Đà Nẵng chỉ tuyển sinh 6.000 - 7.000 học sinh, sinh viên cho tất cả các cấp đại học, cao đẳng, trung cấp và sơ cấp. Số lượng sinh viên tốt nghiệp hằng năm với kỹ năng phù hợp ít hơn rất nhiều. Điều này dẫn đến sự thiếu hụt lớn về nhân lực, cả ở cấp độ các bạn mới ra trường cũng như các kỹ sư có kinh nghiệm hoặc các chuyên gia.
* Điểm yếu của kỹ sư ngành CNTT sau khi ra trường là gì? FSoft Đà Nẵng đã và đang làm gì để đào tạo ra nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao và tạo cơ hội việc làm cho sinh viên, nhất là trình độ ngoại ngữ?
- Như đã nói ở trên, rất nhiều sinh viên CNTT ra trường nhưng vẫn còn thiếu các kiến thức/kỹ năng phù hợp, dù đó là kiến thức nền, ngoại ngữ hay các kỹ năng mềm. Để khắc phục, FSoft Đà Nẵng tiếp tục hợp tác, phối hợp chặt chẽ, toàn diện với các trường đại học, cao đẳng, các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực CNTT thông qua hỗ trợ chương trình đào tạo, cử chuyên gia của công ty tham gia giảng dạy, tổ chức các hội thảo về công nghệ, tài trợ các hoạt động học tập, nghiên cứu của sinh viên và nhà trường, định hướng nghề nghiệp, tạo điều kiện cho sinh viên kiến tập, thực tập tốt nghiệp, hướng dẫn sinh viên làm đồ án tốt nghiệp tại doanh nghiệp... Tất cả những hoạt động này là một phần trong định hướng của FSoft Đà Nẵng nhằm góp phần xây dựng nguồn lực CNTT của thành phố.
Về nội bộ, chúng tôi đẩy mạnh đào tạo nâng cao kỹ năng cho tất cả nhân viên của công ty từ chuyên môn đến năng lực ngoại ngữ và các kỹ năng mềm. FSoft đã đầu tư 100 tỷ đồng cho các chương trình đào tạo, trong đó có nền tảng học trực tuyến Udacity với danh mục gần 6.000 khóa học. Công ty cũng có chính sách hỗ trợ lệ phí thi, khen thưởng để khuyến khích các bạn trau dồi bản thân, trang bị chứng chỉ quốc tế cần thiết phục vụ cho công việc.
Riêng về ngoại ngữ, ngoài cơ hội tham gia các chương trình đào tạo trong và ngoài công ty, chúng tôi cử hàng trăm kỹ sư làm việc tại các quốc gia như Mỹ, Nhật, Đức, Anh…, giúp các bạn cải thiện trình độ ngoại ngữ, tăng trải nghiệm, trưởng thành và tiến xa trên con đường sự nghiệp.
* Theo ông, tiềm năng và lợi thế của nguồn nhân lực CNTT ở Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung là gì? Chính quyền thành phố cần có những chính sách nào để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này và tạo cầu nối giữa nhà đào tạo và nhà tuyển dụng?
- Thành phố Đà Nẵng đã có chiến lược rõ ràng về chuyển đổi số và thành phố thông minh, điều này tạo ra cuộc chơi lớn thu hút nguồn nhân lực CNTT. Đây chắc chắn là một lợi thế để phát triển nguồn lực CNTT ở Đà Nẵng.
Tuy nhiên, hiện thiếu hụt nhân lực CNTT có trình độ chuyên môn sâu và kinh nghiệm làm việc trong các lĩnh vực ưu tiên như sản xuất các sản phẩm, ứng dụng chuyên cho thiết bị di động; phục vụ chính quyền điện tử, thành phố thông minh… Nhân lực CNTT chất lượng cao như: trưởng nhóm (Team Leader), quản trị dự án (Project Manager), kỹ sư cầu nối (Bridge Engineering)... khan hiếm, trong khi nhu cầu doanh nghiệp về lực lượng này rất cao, dẫn đến tình trạng chèo kéo, nhảy việc giữa các doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp thiếu nhân sự giỏi và gắn kết lâu dài.
FSoft Đà Nẵng mong muốn được chính quyền thành phố tạo điều kiện về phát triển nguồn lực tại địa phương thông qua những cơ chế khuyến khích đào tạo ngành CNTT, hướng nghiệp sớm cho học sinh; đồng thời tạo điều kiện cho các chuyên gia, đặc biệt là chuyên gia nước ngoài về đầu quân cho Đà Nẵng.
* Cảm ơn ông!
ĐOÀN HẠO LƯƠNG thực hiện