Xuất phát từ nhu cầu cấp bách về xử lý rác hữu cơ tại các trường học, nhóm sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường, Trường Đại học (ĐH) Sư phạm Kỹ thuật - ĐH Đà Nẵng đã nghiên cứu thành công “Hệ thống xử lý rác hữu cơ tại trường học” nhờ công nghệ In-Vessel ủ phân cải tiến. Với ưu điểm không mùi hôi, vận hành đơn giản, chi phí đầu tư thấp, thân thiện với môi trường, hệ thống này phù hợp áp dụng ở trường học và các khu dân cư đô thị.
TS. Phạm Phú Song Toàn (phải) và sinh viên Trần Trương Hoàng Vy mô phỏng quy trình xử lý rác tại Trường Tiểu học Trần Đại Nghĩa (quận Cẩm Lệ). (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
In-Vessel là công nghệ ủ phân đảo trộn trong hệ thống kín kiểm soát chặt chẽ các thông số vận hành. Đây là công nghệ cải tiến so với công nghệ ủ phân truyền thống, tối ưu trong vấn đề quản lý rác thải vi mô tại nguồn thải. Quy trình xử lý rác của hệ thống qua 5 bước: Cắt nhỏ rác hữu cơ đã phân loại, sau đó trộn với nguyên liệu lá khô hoặc mùn cưa, phun vi sinh đặc hiệu đảo trộn hệ thống trong 1 phút, theo dõi độ ẩm và đảo trộn với tần suất 2 ngày/lần, mỗi lần tầm 1 phút với tốc độ chậm, sau 3 tuần sẽ thu được thành phẩm (2/3 sản phẩm được lấy ra, 1/3 để lại thùng để phối trộn với hữu cơ mới thay cho nguyên liệu ban đầu). Cứ như thế sẽ bắt đầu một quy trình phản ứng phân ủ mới, sau khi tái chế thành phân ủ góp phần cải thiện đất và bón cây trồng.
Hệ thống của máy xử lý rác vận hành liên tục với 4 modun thay phiên nhau. Việc sử dụng 1/3 sản phẩm ủ phối trộn với nguyên liệu mới để tận dụng hệ vi sinh đặc trưng đã được sàng lọc trong quá trình ủ (của mẻ trước), giảm bổ sung vi sinh thường xuyên, giảm chi phí vận hành. Với phiên bản này, việc vận hành khá đơn giản và thủ công, điện năng tiêu tốn khi cắt nguyên liệu (dưới 1 phút/ngày). Vì thế, chi phí hoạt động của hệ thống này rất thấp (dự tính 20.000 - 30.000/tháng, bao gồm chi phí điện năng và vi sinh).
Sinh viên Trần Trương Hoàng Vy, Trưởng nhóm nghiên cứu cho hay, nhóm đã đưa đề tài tham gia dự án “Quản lý tối ưu rác thải trường học” tại Trường Tiểu học Trần Đại Nghĩa (quận Cẩm Lệ) do tổ chức Đông Tây hội ngộ tài trợ và được Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 2 xác nhận các thông số kỹ thuật không có chất độc hại, phù hợp với trồng trọt, cải tạo đất, đáp ứng nhu cầu và mục đích sử dụng. “Chúng em rất vui khi đề tài bước đầu có thể áp dụng thực tế, có ích cho cộng đồng. Điều quan trọng là được học hỏi, trau dồi thêm kỹ năng và kiến thức để tiếp cận các đề tài nghiên cứu khác”, Vy nói thêm.
Cô Trương Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Đại Nghĩa chia sẻ: “Hiện nay, mỗi ngày nhà trường có khoảng 10kg thức ăn dư thừa được xử lý và tạo được ít nhất 5kg phân trộn. Tính trong một tháng, hệ thống đã giúp trường tiết kiệm 1 triệu đồng (phí xử lý rác), đồng thời sản xuất hơn 100kg phân trộn dinh dưỡng. Chúng tôi ghi nhận và đánh giá cao hệ thống vì góp phần nâng cao nhận thức của người dân về phân loại rác và tái chế rác thải. Đặc biệt, mô hình này tại trường học sẽ giúp học sinh có những trải nghiệm thú vị về thực hành tái chế rác”.
Trực tiếp hướng dẫn nhóm sinh viên, TS. Phạm Phú Song Toàn, giảng viên khoa Công nghệ Hóa học - Môi trường, cho biết hệ thống xử lý chất thải rắn hữu cơ được nghiên cứu sáng tạo nhờ công nghệ In-Vessel phát triển theo hướng tối giản, vừa thuận tiện để ứng dụng rộng rãi, vừa bảo đảm hợp lý hóa, đạt hiệu quả cao trong xử lý ô nhiễm. Sau hơn 2 năm nghiên cứu thiết kế, chế tạo, hệ thống này vận hành trơn tru nhằm tăng cường các giải pháp xử lý giảm thiểu tác hại của chất thải rắn để góp phần bảo vệ môi trường.
“Đề tài này đã giành giải Nhất chương trình “Câu chuyện không rác” của Liên minh Không rác Việt Nam (Vietnam Zero Waste Alliange - VZWA) và lọt vào top 10 đề tài khởi nghiệp công nghệ sinh viên của Đại học Đà Nẵng năm 2022. Trong tương lai, chúng sẽ tôi chú trọng hiệu quả và tính lan tỏa cộng đồng nên đang hướng đến mô hình khách sạn, nhà hàng và hộ gia đình kiểu mẫu”, TS. Phạm Phú Song Toàn nói.
HUỲNH TƯỜNG VY