Tại buổi nói chuyện mới đây về đề tài “Tương lai kinh tế Việt Nam trước biến động của thế giới”, trong phần “Đà Nẵng: Hướng đến thành phố lý tưởng”, GS. Trần Văn Thọ (Đại học Waseda, Nhật Bản) nêu 6 gợi ý để xây dựng thành phố bên bờ sông Hàn ngày càng văn minh, hiện đại hơn.
Về ý thức hành động của thị dân, GS. Trần Văn Thọ cho rằng, cần đề cao ý thức của người dân tham gia trực tiếp vào việc hình thành nếp sống đô thị theo hướng văn minh; đồng thời nêu ví dụ, như việc làm cho người tham gia giao thông có thói quen nhường cho người đi bộ sang đường tại vạch trắng trên đường phố. Theo diễn giả, tại các đô thị văn minh, người điều khiển phương tiện giao thông phải giảm tốc độ/ dừng trước vạch kẻ màu trắng để nhường lối cho người đi bộ sang đường; nhưng theo quan sát, thì ở Việt Nam - trong đó có Đà Nẵng, dường như không phải vậy. Trong dòng xe cộ chen chúc và phóng nhanh, người đi bộ tự tìm lấy cơ hội sang đường trong sự rủi ro tai nạn rất lớn.
Đó là một thực tế không thể chối cãi!
Bên cạnh đó, theo quan sát, người tham gia giao thông ở Đà Nẵng cũng bộc lộ hạn chế về ý thức khi dừng/chắn trước lối rẽ phải ở các nút đèn giao thông. Trong khi cả bảng hướng dẫn, đèn tín hiệu hay vạch kẻ đường chỉ rõ, đó là làn đường dành cho phương tiện được rẽ phải, nhưng nhiều người tham gia giao thông khi chờ đèn đỏ để đi thẳng, đã chiếm hẳn phần này, khiến các phương tiện khác không thể rẽ phải dù được phép, nên họ đành phải chờ!
Tồn tại cả hai hiện tượng trên, không gì khác hơn là do ý thức của người tham gia giao thông.
Trước thực tế trên, ở một số khu vực có đông du khách, các đơn vị chức năng tiến hành lắp đèn tín hiệu chủ động qua đường, để khách bộ hành khi cần thì nhấn nút đèn tín hiệu xanh đỏ để sang đường tại vạch trắng, như trên tuyến Trần Hưng Đạo, phía bắc cầu Rồng. Hay trong các chiến dịch tình nguyện hè của Đoàn Thanh niên thành phố trước đây, các bạn trẻ tham gia điều khiển giao thông tại các nút tín hiệu, luôn nhắc nhở người tham gia giao thông nhường đường cho phương tiện được rẽ phải ở những nơi được phép. Thế nhưng, tình trạng trên không có chuyển biến đáng kể, từ căn nguyên là chưa chuyển biến trong nhận thức, để đi đến tạo thành thói quen hành động trong thực tiễn.
Tuy nhiên, có thể thấy, một “điểm sáng” trong trật tự giao thông đô thị ở Đà Nẵng là thói quen dừng trước đèn đỏ và ít có sự chen lấn, vượt làn… của người điều khiển phương tiện giao thông. Có thể một phần do hạ tầng giao thông, xử lý vi phạm, mật độ dân cư và nhịp sống đô thị…; nhưng phần khác rất quan trọng và có ý nghĩa quyết định là đã hình thành những thói quen đó trong đại bộ phận thị dân. Việc một cá nhân nào đó vượt đèn đỏ hay chen lấn trong dòng phương tiện giao thông đông đúc chỉ là hiện tượng cá biệt, không tạo được “làn sóng” để người khác hùa theo, mà còn bị chỉ trích, xem thường về ý thức nữa.
Từ bài học thực tiễn trên, cần thiết phải có những hành động tạo nên thói quen, dần hình thành ý thức trong việc nhường đường cho người đi bộ qua vạch trắng, nhường lối cho làn rẽ phải tại những nơi được phép. Thiết nghĩ, hạ tầng giao thông, biển báo hướng dẫn… đã có sẵn, quan trọng nhất là tuyên truyền nâng cao nhận thức, vận động người tham gia giao thông thực hiện những hành vi văn minh này.
Bên cạnh việc tuyên truyền ở khu dân cư, các đoàn thể… theo hình thức truyền thống và tiến hành hướng dẫn, xử phạt theo luật định của cơ quan chức năng…, cần vận dụng sự lan tỏa thông tin của mạng xã hội, truyền thông để tạo nên nhận thức về những hành vi này trong thị dân. Cần nghĩ đến việc lập các fanpage, chuyên mục… ở các trang mạng xã hội để tuyên truyền, hướng dẫn người dân khi tham gia giao thông, đồng thời chỉ trích những hành vi cố tình vi phạm…; từ đó làm cho mỗi người dân nhận thức rõ ràng, cụ thể hơn việc giảm tốc độ/ dừng trước vạch trắng dành cho người đi bộ, nhường lối cho phương tiện rẽ phải tại nơi cho phép là hành vi văn minh, thể hiện lối sống của thị dân…
Từ những hành vi nhỏ như vậy sẽ góp phần quan trọng vào việc xây dựng nếp sống văn minh ở một đô thị hiện đại, thân thiện, an bình… mà Đà Nẵng đang hướng đến!
ANH QUÂN