Vũ điệu trong gương

.

“Nhìn vào gương, đưa tay lên cao, cao hơn nữa…”. Tiếng cô kỹ thuật viên vật lý trị liệu như một hòa âm dịu dàng nâng cánh tay run rẩy của người bệnh lên khỏi bờ vai hóa thành đôi cánh chim sắp vỗ cánh bay trong một sáng mùa hè lấp loáng nắng.

Chuyên gia Vật lý trị liệu người Mỹ Virginia Mary Lockett.
Chuyên gia Vật lý trị liệu người Mỹ Virginia Mary Lockett.

Thật ngạc nhiên khi bước vào một căn phòng của đơn vị Phục hồi chức năng - Bệnh viện Y học cổ truyền (YHCT) Đà Nẵng, bốn bề là gương, phản chiếu mọi hoạt động đi lại, nói cười của bệnh nhân và y, bác sĩ. Mỗi bệnh nhân được một kỹ thuật viên (KTV) hướng dẫn tập luyện từng động tác một. Không vội vã, không ồn ào. Chỉ có những cánh tay đưa lên, hạ xuống chầm chậm, đôi bàn chân cố đi thật đều và đôi vai phải cân bằng trên một trục… Nếu không có màu áo bệnh viện thì nơi đây trông giống một sàn tập múa ba lê hơn là phòng điều trị cho bệnh nhân hậu tai biến.

Liệu pháp cho bệnh nhân hậu tai biến

Ngày nào cũng vậy, dù ngoài kia có mưa nắng ra sao thì các KTV vẫn miệt mài tập luyện phục hồi chức năng cho người bệnh. Đôi khi chỉ một động tác đơn giản như đưa tay lên cao rồi hạ xuống, vận động các ngón tay cũng khiến các thầy thuốc hao tâm tổn sức suốt nhiều ngày liền mà bệnh nhân vẫn không tiến triển mấy.

Thấy chúng tôi ngạc nhiên trước những bức tường gương vây quanh căn phòng trị liệu, KTV Hồ Thị Cẩm Linh cười giải thích: “Khi bệnh nhân tập luyện, việc quan sát qua gương tạo ra các hình ảnh chức năng được ghi nhớ tại vỏ não vận động, tiền vận động, kích thích các tế bào thần kinh bắt chước lại các động tác đó để phục hồi mức độ khéo léo của các chi bị liệt. Hơn nữa, việc luyện tập bằng gương rất đơn giản, dễ áp dụng nên sau thời gian điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân tiếp tục về luyện tập tại nhà”.

Ông Võ Duy Linh (60 tuổi) là kiến trúc sư, trú đường Trần Cao Vân (Đà Nẵng) chia sẻ: “Chỉ khi nào vào bệnh viện chữa bệnh, chúng ta mới thấy sức khỏe quý giá đến nhường nào. Những hoạt động đơn giản nhất như đi lại, nói năng, ăn uống… cũng phải học lại từ đầu như một đứa trẻ”.

Sau đợt bị tai biến và ảnh hưởng nặng bởi Covid-19, tưởng chừng không qua khỏi, ông Linh đã trải qua 2 liệu trình điều trị phục hồi chức năng tại Bệnh viện YHCT (mỗi đợt 21 ngày) với di chứng liệt một chân và tay, khó nuốt, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn cảm xúc… Đến nay, tuy giọng nói của ông hãy còn ngọng nghịu, nhưng chân tay đã bắt đầu linh hoạt, có thể tự đi lại và tự chủ một số sinh hoạt cá nhân. Trong lúc trò chuyện, ông còn cao hứng biễu diễn động tác xoay tròn quả bóng đã học ở phòng tập trong bàn tay.

“Múa” để tìm lại bản thân

Trong câu chuyện xoay quanh các vấn đề của đơn vị, bác sĩ Trần Thị Ngọc Lanh, Trưởng đơn vị Phục hồi chức năng Bệnh viện YHCT Đà Nẵng cho biết thêm: “Bệnh nhân bị đột quỵ thường để lại nhiều di chứng nặng nề, trong đó di chứng làm giảm và mất vận động của chi trên, đặc biệt là bàn tay chiếm tỷ lệ lớn. Vì vậy, cải thiện chức năng vận động của chi trên và bàn tay là mục tiêu hàng đầu trong phục hồi chức năng sau đột quỵ”.

Trời cuối hạ nắng như có lửa trên đầu. Thỉnh thoảng những cơn giông ì ầm đi ngang qua khuôn viên bệnh viện như nhắc các bệnh nhân về một bầu trời trong trẻo sau cơn mưa. Trong phòng tập, những cánh tay cố gắng đưa lên cao, rồi từ từ hạ xuống trong tiếng cổ vũ của y, bác sĩ. Để có sự tiến triển tốt trong điều trị, người bệnh phải chịu khó “tương tác” thật nhiều với KTV, nghĩa là phải kiên trì tập và tập đúng theo yêu cầu của thầy thuốc.

"Trong khi các kỹ thuật viên kiên trì tập cho các bệnh nhân những động tác “múa” trước gương thì tôi và các bác sĩ, chuyên gia Vật lý trị liệu lặng yên theo dõi thực tế để từ đó có thể thay đổi các chương trình luyện tập, sáng tạo trong công tác điều trị nhằm giúp người bệnh đạt kết quả điều trị cao nhất trong thời gian nhanh nhất đối với mức tổn thương của họ. Người thầy thuốc phải tạo niềm tin cho người bệnh bằng sự quan tâm, ánh mắt, cử chỉ và tìm ra nhiều cách để giao tiếp với họ, từ đó mới có thể đưa ra cách điều trị hiệu quả”

Chuyên gia Vật lý trị liệu người Mỹ Virginia Mary Lockett

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh (65 tuổi, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) vẫn nhớ như in ngày mình nhập viện trong tình trạng di chứng nhồi máu não và Parkison. Lúc đó, bà không chỉ di chuyển khó khăn (phải dùng khung sắt) mà tâm lý cũng bi quan tột độ. Sau một liệu trình được các KTV hướng dẫn tập “múa”, bà dần dần tìm được cảm giác của đôi chân. Giây phút đó bà đã vui mừng đến ứa nước mắt.

Trong khi những người bệnh khác đang miệt mài tập “múa” trước gương, ông Võ Duy Linh lại say sưa ôn lại điệu nhảy Chachacha cùng các y tá trẻ ở một góc phòng Vật lý trị liệu. Theo lời các bác sĩ và chuyên gia, “khiêu vũ trị liệu” lâu nay đã trở thành bài thi “tốt nghiệp” của các bệnh nhân hậu tai biến. Đây được xem là bài tập có mức độ cao dành cho nhóm bệnh nhân có tiến triển tốt, sắp ra viện. Để “khiêu vũ” theo nhóm, bệnh nhân phải đạt đến sự linh hoạt của tay, chân và cả thân người, đồng thời phải biết phối hợp nhịp nhàng với bạn nhảy trên nền nhạc. Quả là một bài thi không dễ dàng dành cho các bệnh nhân lớn tuổi vừa trải qua cơn bạo bệnh, chức năng vận động của các chi chưa hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, chính khát khao tìm lại bản thân mình qua các bước nhảy đã khiến những vũ công đặc biệt này ngày đêm ra sức luyện tập.

“Làn gió mới” trong điều trị phục hồi chức năng

Gần 12 năm qua, đội ngũ y, bác sĩ và bệnh nhân đã quen với cách làm việc của chuyên gia Vật lý trị liệu, tình nguyện viên người Mỹ Virginia Mary Lockett. Không chỉ trực tiếp khám, điều trị cho hàng ngàn bệnh nhân khỏi bệnh, bà còn đào tạo nâng cao tay nghề cho hàng chục bác sĩ, KTV của bệnh viện. Bà cũng bỏ tiền túi mua dụng cụ tập luyện và giúp rất nhiều người bệnh miền Trung. Ngày này sang ngày khác, bà luôn có mặt ở phòng trị liệu, lặng lẽ quan sát người bệnh luyện tập rồi ghi chép cẩn thận mọi diễn biến… Đôi khi có cảm giác sự hiện hữu của bà như một tấm gương nhân cách trong veo, không vụ lợi để những lúc mệt mỏi, ngã lòng thì mỗi người tự soi vào và đứng dậy.

“Bà Virginia Mary Lockett đã đem đến cho bệnh viện một làn gió mới. Đó là cung cách làm việc khoa học, tận tụy, sáng tạo và một trái tim nhân hậu, coi bệnh nhân như người nhà”, bác sĩ Nguyễn Văn Ánh, Giám đốc Bệnh viện YHCT Đà Nẵng nhận định.

Hôm chúng tôi đến, phòng Vật lý trị liệu có đầy đủ chức năng như căn nhà nhỏ rộn ràng tiếng nói, tiếng cười. Đằng này, một người phụ nữ, mái tóc pha sương đang lóng ngóng điều khiển các ngón tay vặn vòi nước. Đằng kia, ở cuối phòng, một người đàn ông dáng người mập mạp đang cố vặn nắm đấm cửa toilet. Những người còn lại trong phòng an nhiên ngồi bấm công tắc điện… Những chiếc blouse trắng đứng bên, nhỏ nhẹ hướng dẫn các thao tác sinh hoạt ở nhà giúp bệnh nhân khi xuất viện có thể tái hòa nhập với gia đình.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh cùng “múa” trước gương với kỹ thuật viên Hồ Thị Cẩm Linh.  Ảnh: NHƯ HẠNH
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh cùng “múa” trước gương với kỹ thuật viên Hồ Thị Cẩm Linh. Ảnh: NHƯ HẠNH

Nhiều bệnh nhân tâm sự: “Nơi đây không chỉ là bệnh viện chữa lành vết thương thân thể mà còn là mái nhà cho chúng tôi một tình yêu không điều kiện”. Những người bệnh chịu di chứng nặng nề sau tai biến, tâm lý lúc nào cũng bi quan, chán nản. Các thầy thuốc luôn tìm hiểu về bệnh nhân trước khi tìm hiểu về bệnh tật.

Qua lời thông dịch của anh Nguyễn Hữu Huy, mới biết thêm rằng, để bảo đảm an toàn, không bị ngã khi di chuyển và tập luyện, chuyên gia người Mỹ đã có sáng kiến dùng các đai vải buộc ngang lưng bệnh nhân. Chỉ cần người bệnh mất thăng bằng thì KTV nắm đai giật ra sau, lúc đó cơ thể nhanh chóng trở lại vị trí cũ. Khi được hỏi về cảm xúc khi đơn vị chuyển sang cơ sở mới trên đường Đinh Gia Trinh (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ), bà Lockett cho biết: “Rất vui vì cơ sở mới có phòng tập phục hồi chức năng rộng và thoáng hơn nhiều. Điều đó giúp bệnh nhân có không gian tập luyện tốt hơn và hiệu quả sẽ cao hơn”.

Nói rồi, bà đưa chúng tôi đến phòng làm việc của mình. Trên tường có tấm ảnh của nhà báo V.T.L chụp bà đang hướng dẫn trị liệu cho một bệnh nhân trong chuyên đề “Phục hồi chức năng” trên Báo Đà Nẵng cuối tuần số ra ngày 20-5-2018. Bà nói, lần đó được “lên” báo, tuy có bất ngờ một chút nhưng bà rất vui. Cũng chính suy nghĩ làm thế nào để phục hồi chức năng hiệu quả hơn cho người bệnh, bà đã đề xuất Giám đốc bệnh viện cho lắp gương, biến phòng Vật lý trị liệu thành nơi luyện lập các “vũ điệu”, góp phần giúp các bệnh nhân - vũ công nhanh chóng tìm lại những ngày bình an cũ...

NHƯ HẠNH

;
;
.
.
.
.
.