Người ta nói “Quảng Nam hay cãi”. Thường thì cãi hay tranh luận với nhau hăng quá dễ sinh mất lòng, mất đoàn kết. Những câu chuyện thực tế dưới đây minh chính cho tính cách người Quảng rất khẳng khái nhưng đều hướng đến mục tiêu cùng xây dựng và phát triển vì cái chung.
Một quầy hàng của người gốc Quảng tại chợ Bà Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: KHA MIÊN |
1.Chuyện ở HTX Duy Sơn 2 (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ) những năm đầu 1980. Ông Lưu Ban, Chủ nhiệm HTX, trở về sau khi đi khảo sát học tập kinh nghiệm làm thủy điện nhỏ ở địa phương bạn đã trăn trở: Nước làm ra điện, quê mình độ dốc của núi cao, nước suối trên núi nhiều, tại răng không làm được?
Học hành không nhiều, lại là chủ nhiệm một HTX mà 75% cư dân là lương giáo, 25% là Công giáo (đến hiện nay, năm 2022, có hơn 2.500 giáo dân), ông Lưu Ban chưa biết gì về luận chứng khoa học kỹ thuật thủy điện, làm sao thuyết phục xã viên, nhất là xã viên thuộc giáo xứ Trà Kiệu?
Chủ nhiệm Lưu Ban tìm đến Linh mục Antôn Nguyễn Trường Thăng - quản xứ Trà Kiệu. Cha Thăng là người tiến bộ, ban đầu cũng e dè trước ý tưởng làm thủy điện táo bạo của ông Lưu Ban, nhưng rồi ủng hộ bởi mục đích “vị dân sinh” thực lòng của người chủ nhiệm. Việc đầu tiên phải bắt tay vào là kêu gọi sự đoàn kết toàn HTX để huy động sức dân.
Từng là cán bộ HTX Duy Sơn 2 thời ấy, ba tôi vài lần kể: “Họ nói ông Ban lẩn thẩn. Bàn ra dữ lắm! Tại hội nghị HTX, xã viên cãi banh cái hội trường. Giáo xứ Trà Kiệu nhờ có Cha Thăng thuyết phục, dân Công giáo mới tin, chịu làm theo”.
Hoạt động HTX nông nghiệp ở Quảng Nam - Đà Nẵng những năm ấy, Duy Sơn 2 nổi lên thành một điểm sáng với phong trào toàn dân tham gia xây dựng thủy điện nhỏ. Toàn bộ hộ xã viên đều đóng góp ngày công, vác xi-măng và cát (đóng bao) cùng vật tư vượt núi để xây bể chứa (còn gọi: bể áp lực).
Nơi đây, độ cao 250m, nước từ suối Ba Ao xuôi ra rồi đổ theo đôi ống thép xuống nhà máy, quay tuốc-bin, phát điện. Tháng 12-1983, thủy điện Duy Sơn phát điện, đủ cho xã viên thắp sáng và sử dụng cho sản xuất, sinh hoạt, sau đó còn bán điện ra các xã bạn, trở thành mô hình thủy điện nhỏ cấp HTX thành công tiêu biểu đầu tiên trên cả nước!
Chủ nhiệm Lưu Ban được phong danh hiệu Anh hùng Lao động năm 1984. Bất ngờ, ông bị một vài người tố cáo, rằng “ăn” lúa của dân (?!) Thế là phải họp dân. Tại đây, Cha Antôn Nguyễn Trường Thăng phải lên tiếng giải thích: Chủ nhiệm Lưu Ban làm tất cả là vì dân, số lúa ông hưởng cao là nhờ Nhà nước thưởng công cho chủ nhiệm HTX giỏi; ông chủ nhiệm được thưởng cao thì bữa cơm của nhà nông chúng ta cũng đầy đặn hơn so với các địa phương bạn.
Dân nghe ra, vỗ tay rần rần. Thủy điện Duy Sơn 2 sau đó đến nay đã nhiều lần tăng công suất, hòa lưới điện quốc gia, đóng góp ngày càng nhiều vào sự phát triển của địa phương, nâng cao đời sống người dân. Về trên mảnh đất anh hùng ấy hôm nay, thấy rất rõ sự thay da đổi thịt. Không thể phủ nhận: Mối đoàn kết, trong đó có sự đoàn kết thắm tình lương giáo - Công giáo, đã làm nên sức mạnh, sức bật cho mảnh đất này.
2.Người Quảng vào Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp từ khá sớm. Đến năm 1980 trở đi, làn sóng di cư vào đây ngày càng nhiều hơn. Di dân mang theo nghề truyền thống đến vùng đất mới để làm sinh kế.
Trong số đó có nghề dệt cửi. Nhờ ông Võ Dẫn (Cửu Diễn, người làng Thi Lai, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ) vào Sài Gòn học hỏi, tìm tòi và sáng chế ra máy dệt kiểu mới với nhiều cải tiến, cho năng suất cao, thành phẩm đẹp mà nghề dệt của người Quảng ngày càng thịnh ở Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, tập trung đông nhất ở khu Bảy Hiền.
Thấy làm dệt, sợi có “ăn”, nhà nọ kéo nhà kia, người nọ kéo người kia vào thành phố. Những năm cuối 1980 đến cuối 1990, vào khu Bảy Hiền, suốt ngày đêm nghe sầm sập tiếng máy cửi, tiếng thoi đưa. Vải vóc, tơ sợi chất đầy, thương lái thi nhau đến lấy hàng. Làng dệt Bảy Hiền nức tiếng cả nước.
Giữa không gian thương mãi sôi động, nhộn nhịp và phồn thịnh như vậy, tưởng như có sự cạnh tranh gay gắt, tưởng như có sự đấu đá kịch liệt, tưởng như thiên la địa võng đòn phép thương trường được giăng ra… Nhưng không hề. Người Quảng ở Bảy Hiền; dân dệt Tái Thiết, Võ Thành Trang, khu chữ U… gắn bó bất ngờ. Họ nương tựa vào nhau, hỗ trợ tích cực trong sản xuất - kinh doanh, suốt thời gian dài như thế. Và, bây giờ, dù nghề dệt Bảy Hiền không còn như xưa nhưng tính cố kết vẫn còn hiển hiện ở đó. Thử bước chân vào chợ Bà Hoa hôm nay (còn gọi là chợ người Quảng ở Sài Gòn), sẽ thấy rõ điều đó, đúng nghĩa “buôn có bạn, bán có phường”.
3.Một nghề nữa, là bán mì Quảng. Dân Quảng hễ cứ ăn mì, bàn về mì là cãi. Món ăn quê kiểng này cũng theo lưu dân Quảng Nam vào Sài Gòn và các tỉnh khác từ lâu, trở thành cần câu cơm của bao người. Người Quảng, kể cả dân không phải gốc Quảng, đều có thể mở tiệm bán mì Quảng ở thành phố thịnh vượng nhất phương Nam này, là đủ sống. Qua quan sát thì thấy số tiệm mì Quảng tập trung nhiều nhất vẫn là trên những con đường có đông người Quảng, người miền Trung sinh sống, nhiều hơn cả chắc vẫn là khu Bảy Hiền.
Vợ chồng người em thúc bá của tôi mở tiệm mì Quảng ở đó, đã gần 15 năm qua, nói chắc nịch: “Thực khách ăn mì Quảng có thể cãi nhau tiệm nào ngon, tiệm nào dở; tô mì phải có thứ này, không nên có thứ kia…, đó là chuyện thường ngày. Còn dân bán mì thì việc ai nấy làm, dù có cạnh tranh nhưng chẳng khi mô có xích mích”.
Tôi cũng ở khu người Quảng rất lâu, chưa hề thấy các chủ tiệm mì cãi nhau bao giờ, thậm chí ngược lại…
DƯƠNG QUANG