Giáo dục thể chất trong trường học là nội dung quan trọng, góp phần rèn luyện thể lực cho học sinh, từ đó nâng cao tính tự giác, chủ động rèn luyện, giúp các em bảo đảm sức khỏe cho học tập và phát triển thể lực, góp phần đào tạo con người toàn diện, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước.
Học sinh luyện tập thể thao tại sân bóng rổ Trường THCS Nguyễn Huệ trong dịp hè 2022. Ảnh: Đ.H.L |
Trong những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố Đà Nẵng đã chủ động, tích cực triển khai các hoạt động giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường nhằm góp phần giúp học sinh hình thành kỹ năng vận động, phát triển thể lực, bảo đảm thực hiện mục tiêu của giáo dục là phát triển toàn diện con người về đức - trí - thể - mỹ. Tuy nhiên, công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập nên chất lượng chưa cao.
Thiếu cơ sở vật chất
Với chủ trương mở cổng trường trong dịp hè, sân bóng rổ và bể bơi Trường THCS Nguyễn Huệ luôn sôi động tiếng nói cười, tập luyện của các em học sinh. Đây là một trong những ngôi trường hiếm hoi của quận Hải Châu nằm giữa trung tâm thành phố có bể bơi cố định cho học sinh học hè. Từ khi vào học ở đây, em Đoàn Bá Anh - học sinh Trường THCS Nguyễn Huệ - thường chọn sân bóng rổ để luyện tập sau những giờ học căng thẳng.
“Do nhà ở gần trường nên rất thuận tiện cho con đến luyện tập. Học bóng rổ giúp con có tinh thần phối hợp tốt với đồng đội và phát triển chiều cao. Khi đến đây, bố mẹ cũng yên tâm hơn vì có thầy cô hướng dẫn”, Đoàn Bá Anh cho biết. Dẫu vậy, sân bóng rổ và bể bơi của trường vẫn còn chật hẹp, đặc biệt là quá tải vào những ngày cuối tuần.
Chia sẻ về vấn đề này, thầy Võ Thanh Phước, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ cho biết, thời gian qua, nhà trường đã tổ chức dạy học tự chọn các môn bóng rổ, cầu lông và dự kiến đưa môn bơi vào trong năm học này. Trong năm học mới 2022-2023, nhà trường tiếp tục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đối với lớp 6, 7. Tuy nhiên, cơ sở vật chất vẫn chưa đáp ứng nhu cầu dạy học, việc thiếu nhà thi đấu đa năng buộc các em phải học thể dục ngoài trời.
“Mục tiêu của trường là phấn đấu 100% em biết bơi, nhưng điều này còn phụ thuộc vào cha mẹ học sinh vì bể bơi của trường chưa đáp ứng nhu cầu. Đa số các trường ở trung tâm thành phố đều có diện tích nhỏ, không có nhà thi đấu đa năng nên ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh khi phải học ngoài trời và bị ô nhiễm tiếng ồn”, thầy Võ Thanh Phước nhấn mạnh.
Thầy Lê Đình Quyên, giáo viên thể dục Tổ năng khiếu Trường THCS Nguyễn Huệ cho rằng, so với chương trình cũ, Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 chú trọng năng lực của học sinh, trong đó môn thể thao tự chọn tăng lên 24 tiết, giảm bớt số tiết nội dung của các môn khác. Điều này giúp các em tìm hiểu kỹ hơn các môn yêu thích, đồng thời tăng độ hứng thú học tập cho các em. Hiện nhà trường có 4/6 giáo viên dạy thể dục được cấp chứng chỉ bơi an toàn. Tuy nhiên, nhà trường chỉ có một bể bơi (15m x 8m), trong khi số lượng học sinh đông, mỗi ca học chỉ dạy tối đa 20 em nên cần có sự hỗ trợ của phụ huynh khi cho con học thêm ở bên ngoài.
Cùng với trăn trở của Trường THCS Nguyễn Huệ, thầy Hồ Ngọc Hưng - Hiệu trưởng Trường THCS Trưng Vương cho biết, trước đây nhà trường thuê cơ sở để dạy học nên thiếu sân bãi dạy thể dục. Hiện trường vẫn thiếu nhà thi đấu đa năng. Thời gian qua, nhà trường đã tổ chức dạy các môn tự chọn cho học sinh như cầu lông, bóng rổ, bóng đá. Trong đó, môn cầu lông được xem là thế mạnh của trường và thường xuyên đoạt các giải cao.
“Ngay từ đầu năm học, các thầy cô dạy thể dục phát hiện và bồi dưỡng cho các em có năng khiếu. Nhà trường không có bể bơi để dạy thể dục nên các em phải tự luyện tập bên ngoài, đến khi nào gần thi đấu thì trường thuê hồ bơi để tăng cường luyện tập cho các em. Do diện tích sân trường nhỏ, học sinh học thể dục trong tình trạng gò bó, không thoải mái và ảnh hưởng đến các lớp học khác. Hiện nhà trường đã xây dựng kế hoạch thuê sân bãi với sự tham gia xã hội hóa từ cha mẹ học sinh để các em có nơi tập luyện thoải mái và bảo đảm chất lượng, đồng thời không làm ảnh hướng đến các lớp học khác tại trường”, thầy Hồ Ngọc Hưng chia sẻ.
Đẩy mạnh học bơi, phòng chống đuối nước
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện tỷ lệ học sinh biết bơi mới chỉ chiếm khoảng 30% học sinh phổ thông trên toàn quốc. Trong khi đó, trung bình mỗi năm ở nước ta có khoảng 2.000 trẻ em, học sinh tử vong do đuối nước, tỷ suất cao nhất so với khu vực Đông Nam Á và cao gấp 8 lần các nước phát triển. Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2022 đã xảy ra 49 vụ đuối nước, làm tử vong hơn 100 trẻ em, học sinh. Do đó, dạy bơi cho học sinh, nhất là học sinh tiểu học, là rất quan trọng, góp phần phòng chống đuối nước ở trẻ em và học sinh. Đến nay, Đà Nẵng đã có hơn 78% trường tiểu học, 40% trường THCS có hồ bơi và được thành phố bảo đảm kinh phí để tổ chức, triển khai dạy học bơi miễn phí cho học sinh.
Học sinh Trường Tiểu học Núi Thành tham gia Ngày hội sáng tạo Robot do Thành Đoàn phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức. Ảnh: Đ.H.L |
Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu (quận Hải Châu) là một trong những trường được chọn tổ chức dạy bơi an toàn cho học sinh. Cô Nguyễn Quỳnh Vân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường được Sở GD&ĐT chọn tổ chức dạy bơi an toàn cho học sinh nhà trường và một số trường khác trên địa bàn quận Hải Châu. Năm học 2021-2022, nhà trường đã thực hiện khóa chính kéo dài 3 tháng (từ tháng 6 đến 8-2022) dành cho học sinh của trường.
Từ tháng 9 đến 10-2022, nhà trường tổ chức dạy khóa phụ cho học sinh 3 trường tiểu học trên địa bàn quận Hải Châu gồm: Trường Tiểu học Núi Thành, Trường Tiểu học Nguyễn Du và Trường Tiểu học Bạch Đằng. Khóa học bơi an toàn gồm 20 buổi, hoàn toàn miễn phí từ nguồn kinh phí hỗ trợ của thành phố và của quận. Trường có bể bơi di động được thành phố cấp vào năm 2020 với diện tích 14m x 15m và được quận đầu tư thêm các hạng mục sân nền, điện nước, hàng rào.
“Đây thật sự là chủ trương nhân văn được cha mẹ học sinh đón nhận. Tuy nhiên, kinh phí giờ dạy cho thầy cô còn thấp so với bên ngoài. Mỗi suất dạy cho 6 em/thầy với 45 phút được chi trả 50.000 đồng. Trong khi đó, tại các cơ sở công lập có bể bơi thực hiện theo phương án xã hội hóa thì kinh phí được trả 80.000 đồng/suất/người. Do đó, để đẩy mạnh phong trào học bơi trong trường, cần tăng kinh phí tổ chức dạy học bơi và phát huy hơn nữa công tác tuyên truyền”, cô Nguyễn Quỳnh Vân giải thích.
Theo cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành, hiện nhà trường chưa có bể bơi nên giới thiệu học sinh học ở Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Hải Châu. Nhà trường đã làm việc với Trung tâm về khung giờ giảng dạy với giá phù hợp và phụ huynh chỉ việc đăng ký cho con đi học. Trường cũng có đội tuyển bơi được các thầy cô thường xuyên bồi dưỡng để tham gia giải Bơi cứu đuối thanh, thiếu nhi toàn quốc “Đường đua xanh”, giải Bơi học sinh phổ thông toàn quốc, giải bơi của thành phố và của quận. Nhiều học sinh đạt thành tích cao. Đặc biệt, tại giải Bơi học sinh phổ thông toàn quốc năm 2022, học sinh của trường giành Huy chương Bạc.
“Nhà trường đã xây dựng kinh phí và thiết kế xây dựng bể bơi cố định tại trường với nguồn vốn hơn 2 tỷ đồng. Cùng với Trường Tiểu học Núi Thành, quận Hải Châu còn đầu tư xây dựng bể bơi cho Trường Tiểu học Lê Lai, Trường Tiểu học Hùng Vương. Sau khi hoàn thành, nhà trường sẽ tăng các tiết học môn bơi tự chọn; bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức luyện tập cho học sinh các môn bóng bàn, bóng rổ, Lego, Robotics, tin học và organ trong mùa hè”, cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt khẳng định.
Phát động phong trào học bơi an toàn Tại lễ khai mạc Giải bơi học sinh phổ thông toàn quốc năm 2022 diễn ra vào ngày 10-6-2022 ở Trường Đại học TDTT Đà Nẵng, Bộ GD-ĐT đã phát động phong trào học bơi an toàn, phòng chống đuối nước. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh khẳng định: Lễ phát động là hoạt động có ý nghĩa quan trọng nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền, cơ quan quản lý giáo dục, nhà trường và cơ sở giáo dục; đồng thời tạo sự lan tỏa thu hút sự quan tâm, chung tay của xã hội đồng hành với ngành Giáo dục trong công tác triển khai phong trào học bơi an toàn và các giải pháp can thiệp phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em, học sinh nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho thế hệ tương lai của đất nước. |
ĐOÀN HẠO LƯƠNG