Triều Nguyễn có một danh tướng người xứ Quảng nổi tiếng tài giỏi, thông minh, bộc trực, không xu nịnh bất cứ ai trong triều, đó là Ông Ích Khiêm. Ông đã để lại một số chuyện làm người đọc phải ngẫm nghĩ mới thấm thía.
Lăng mộ danh nhân Ông Ích Khiêm được xếp hạng di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia. Ảnh: THÁI MỸ |
Ông Ích Khiêm sinh ngày 25-1-1829 tại làng Phong Lệ, tổng Thanh Quýt, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng). Ông đỗ cử nhân khi mới 15 tuổi và làm quan dưới triều vua Tự Đức ở nhiều địa phương trong cả nước. Có nhiều câu chuyện rất thú vị về Ông Ích Khiêm từ thuở thiếu thời cho đến khi làm quan. Bên cạnh chuyện ông thết đãi món “trung ngu” cho đám quan chức hám danh lợi mà không hề lo việc triều chánh còn có một vài chuyện khác khá hấp dẫn.
Theo khẩu truyền ở làng Phong Lệ, Ông Ích Khiêm không chỉ học hành giỏi giang, đối đáp mau lẹ mà còn thể hiện tính tình ương ngạnh từ lúc niên thiếu. Một ngày nọ, lý trưởng Phong Lệ hô hào dân làng quét dọn đường sá sạch đẹp, cờ xí giăng khắp nơi, trống, mõ đủ đầy để chuẩn bị nghinh đón quan to về làng.
Đúng ngày giờ đã định, người lớn, trẻ con đều chắp tay đứng hai bên đường đón đoàn của quan tổng đốc. Hai hàng lính cầm giáo, loa đi trước dẹp đường, còn quan tổng đốc ngồi vắt vẻo trên võng, phủ nhiễu điều, được che bằng 4 chiếc lọng để lính khiêng đi. Võng của tổng đốc tới đâu, dân chúng hai bên đường ở đó đều cúi rạp người chào để khỏi... phạm thượng.
Riêng cậu bé Ông Ích Khiêm tóc để chỏm, mặc quần đùi ngồi xước mía trước một lều quán nghèo bên con đường làng nơi quan tổng đốc sắp đi qua. Điều hết sức lạ lùng là cậu bé nhặt một chiếc giày cũ rách bên vệ đường rồi ngồi xỏ cả hai bàn chân của mình vào đó.
Tổng đốc thấy cậu bé ngông nghênh, vô lễ, liền ra lệnh dừng lại, bước xuống hỏi: “Ê, thằng kia, mi con nhà ai, có học hành không mà chẳng biết lễ phép là chi hả?”. Cậu bé từ tốn đáp: “Dạ thưa quan lớn, con là… con của cha mẹ, ở làng ni. Con giữ trâu, cắt cỏ nhưng cũng được cha mẹ cho đi học chữ đàng hoàng mà”. Tổng đốc nhìn chân của cậu bé, ra vế đối: “Rứa hả, mi đối câu ni cho tau nghe thử: Cắc cớ thay hai cẳng xỏ một giày’’. Chẳng cần nghĩ ngợi lâu, Ông Ích Khiêm đối lại: Sung sướng mấy một đầu che bốn lọng.
Quan tổng đốc sửng sốt trước vế đối chuẩn của Ông Ích Khiêm, liền thưởng ngay cho cậu bé mấy quan tiền, xoa đầu ngợi khen tài trí thông minh và khuyên bảo chăm chỉ đèn sách để lớn lên làm quan. Vế đối của Ông Ích Khiêm hàm ý xỏ xiên, châm chọc cực kỳ thâm thúy mà quan tổng đốc khó phát hiện ra, bởi cậu bé ví cái đầu của quan cũng như cặp giò của mình thôi chớ có chi mô quan trọng!
Theo sách Giai thoại làng Nho (NXB Văn hóa - Thông tin, 1999), cuối năm 1870, khi đang là Tiễu phủ sứ, Ông Ích Khiêm được vua Tự Đức sai mang quân đi đánh dẹp giặc phỉ phương Bắc do Ngô Côn chỉ huy. Binh lính của ông chia thành 10 đội, đóng xa đồn giặc để tính chuyện xông trận. Ông ra lệnh mỗi đội quân phải chuẩn bị 10 đồng tiền, rồi cho lính sơn một mặt tiền màu trắng, mặt kia màu đen để dùng làm quẻ bói âm - dương theo sự mê tín của nhiều người nhằm phục vụ cho việc quyết định nên đánh hay không.
Tối hôm ấy, Ông Ích Khiêm cho lập đàn tế thần linh. Đứng trước bàn cúng khói hương nghi ngút, ông khấn thật lớn cho tất cả binh lính đều nghe: “Xin thần linh phù hộ, độ trì! Nếu thần linh cho 100 đồng tiền sấp cả hoặc ngửa cả thì chúng con sẽ đánh chứ chỉ có một đồng sấp hoặc ngược lại thì dứt khoát phải lui binh vì đánh sẽ bại trận”. Dứt lời, ông tung 100 đồng tiền lên cao, khi rơi xuống mặt mâm đều nằm sấp có màu đen 100%. Thấy vậy, quân lính vỗ tay, reo hò và tin tưởng phen này sẽ chắc thắng giặc Ngô Côn. Họ đâu biết đây là chiêu bài tâm lý để khích lệ quân lính. Trước khi làm lễ tế thần, xin quẻ, Ông Ích Khiêm đã cho người bí mật sơn mặt tiền có màu trắng thành màu đen, vì vậy 100 đồng tiền cả hai mặt chỉ một màu đen.
Ông Ích Khiêm là quan Binh bộ tả Thị lang của vương triều, nổi tiếng thanh liêm, tài thao lược quân sự vượt trội nhưng tính khí nóng nảy, thẳng như ruột ngựa đã đụng chạm tới nhiều quan lại, làm không ít người ganh ghét. Một số kẻ xấu tìm mọi cách hãm hại nên cuối cùng ông đã bị đày vào nhà lao Bình Thuận để an trí.
Ngồi trong lao ngục, Ông Ích Khiêm có nhiều thời gian nghĩ tới nhân tình thế thái và quyết định tìm lối thoát bằng cái chết. Trước khi về với thế giới bên kia bằng thuốc độc, ông viết bản di chúc cho các con của mình, trong đó có đoạn: “Phải tuyệt đối theo lời di huấn của ta, tự nghĩ từ nay về sau các con phải giữ gìn lời ăn, tiếng nói, chớ coi nhẹ ngôn từ. Hãy lấy ta làm gương thì sẽ tránh được điều họa…”.
Viết xong những lời khuyên dạy các con, Ông Ích Khiêm đã chọn giờ Tý, ngày 8-9-1884 để ra đi. Tiếc thương ông, vua Hàm Nghi đã truy phong hàm Thị độc cho ông. Người con trai là Ông Ích Thiện đã đưa thi hài cha về quê hương mai táng tại làng Phong Lệ quê nhà. Đến năm 1938, mộ ông được cải táng về Gò Mô, người dân địa phương gọi là “Đồi Ông Ích Khiêm”, nay thuộc phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ.
Vua Tự Đức nhận xét về Ông Ích Khiêm được chép lại trong sách Đại Nam chính biên liệt truyện: “Ngươi vốn con người học thức mà ra phải cái tính khí cương cường, nóng nảy, phàm việc không chịu ở người sau và vâng theo mệnh người…”. Về phần mình, hẳn Ông Ích Khiêm cũng đã khuyên các con hãy cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói chứ không nên phát ngôn theo kiểu “cẳng mình sánh với đầu quan” như ông thuở trước.
THÁI MỸ