“Đến Việt Nam, tôi thấy bỡ ngỡ với văn hóa nơi đây. Tôi không hiểu văn hóa Việt Nam nhiều lắm. Nhưng khi đến lớp học này, tôi rất vui vì có nhiều người giỏi tiếng Việt. Đây là trải nghiệm hữu ích giúp tôi nói tiếng Việt tiến bộ hơn. Chị An là người có niềm đam mê dạy tiếng Việt. Buổi học nào cũng thú vị và tôi rất ủng hộ điều này”, anh Dmitrii Kitaev chia sẻ về việc tham gia CLB tiếng Việt của mình.
Chị Nguyễn Thị Hoài An (bên trái) luyện phát âm tiếng Việt cho Kevin (đến từ Canada). Ảnh: Đ.H.L |
Dmitrii Kitaev đến từ Nga và sinh sống ở Đà Nẵng 4 năm. Cũng như nhiều người nước ngoài khác, khi đến với CLB tiếng Việt của chị Nguyễn Thị Hoài An (61 Dương Bích Liên, quận Liên Chiểu), kỹ năng giao tiếp tiếng Việt và vốn hiểu biết văn hóa Việt Nam của anh được cải thiện rõ rệt. Hiện Dmitrii Kitaev nói tiếng Việt lưu loát như người Việt.
Đam mê dạy tiếng Việt
Với tình yêu tiếng Việt, chị Nguyễn Thị Hoài An được nhiều người nước ngoài yêu mến. Chị cho biết: “Tôi vốn học kinh tế nhưng khi đi học ngoại ngữ thì thấy nhiều người nước ngoài có nhu cầu học tiếng Việt và muốn tìm hiểu văn hóa Việt Nam. Do đó, năm 2019, tôi quyết định mở CLB tiếng Việt dành cho người nước ngoài, giúp họ học tiếng Việt để sớm hòa nhập cuộc sống khi đến đây. Tôi muốn quảng bá cho càng nhiều người nước ngoài biết tiếng Việt càng tốt”.
Trước đây, chị An thường tổ chức sinh hoạt CLB ở Công viên 29-3 bởi nơi đây có không gian thoáng đãng, rất thích hợp cho các hoạt động tập thể với khoảng 10 người nước ngoài tham gia. Tuy nhiên, khi Covid-19 xảy ra, chị chuyển sang mở lớp học online cho người nước ngoài. Đến nay, tình hình dịch bệnh ổn định, chị bắt đầu mở lại CLB 2 tuần/lần vào chiều Chủ nhật.
Để có mô hình CLB sinh động này, chị Hoài An đã đi học một khóa đào tạo về cách dạy tiếng Việt và đọc sách, nghiên cứu thêm về ngôn ngữ tiếng Việt. Từ đó, chị tìm ra phương pháp dạy sao cho người học dễ tiếp thu và cảm thấy vui vẻ khi học mà không bị áp lực. Sau khi đăng lên fanpage Learn Vietnamese With An Nam, những người nước ngoài tự tìm đến. Các buổi học được tổ chức tại quán cà phê miễn phí. Mọi người tham gia có thể gọi nước uống hay không tùy thích, chứ không bắt buộc nên họ cảm thấy rất thoải mái. Ngoài chị Hoài An còn có thêm một số bạn là sinh viên Việt Nam tham gia hỗ trợ dạy học.
Khi tham gia CLB, những người nước ngoài được giao lưu với người địa phương về văn hóa và kỹ năng giao tiếp. Trong số đó cũng có người tự học tiếng Việt ở nhà nên khi đến đây, họ có môi trường tốt để luyện tập nâng cao thêm kỹ năng giao tiếp của mình. “Tôi cảm thấy rất vui khi có nhiều người nước ngoài yêu thích tiếng Việt và yêu mến đất nước mình. Khó khăn của người nước ngoài khi học tiếng Việt là cách phát âm. Họ cũng gặp trở ngại khi giao tiếp hằng ngày vì không hiểu văn hóa, cách nghĩ, quan niệm sống của người Việt để có cách hành xử sao cho đúng. Đặc biệt, người nước ngoài rất coi trọng phép lịch sự nên họ mong muốn tìm hiểu văn hóa để cư xử cho phải phép. Bên cạnh đó, họ cũng chia sẻ những trở ngại, phiền toái gặp phải khi làm thủ tục hành chính trong kinh doanh, xuất nhập cảnh…”, chị Hoài An giải thích.
Muốn giỏi tiếng Việt, phải có tâm hồn Việt
Anh Jonathan Poltak Samosir đến từ Úc, sinh sống ở Việt Nam 7 năm. Anh đang làm việc cho một công ty của Đức trong lĩnh vực công nghệ thông tin (IT). Trước đây, Jonathan từng sống ở Đà Nẵng và sau đó chuyển vào Hội An (tỉnh Quảng Nam). Trong đợt dịch vừa qua, anh học tiếng Việt online với chị An nên nói tiếng Việt khá lưu loát. Mặc dù có vợ là người Việt Nam nhưng anh vẫn lặn lội từ Hội An ra Đà Nẵng để tham gia CLB.
“Ở Hội An cũng có nhiều người Việt nói tiếng Việt rất giỏi nhưng họ nói giọng địa phương nên rất khó nghe. Lớp học này giúp tôi cải thiện kỹ năng giao tiếp tiếng Việt rất nhiều. Đến đây, tôi được gặp nhiều bạn mới và có cơ hội học hỏi, giao tiếp tiếng Việt nhiều hơn với các bạn nước ngoài như tôi và cả những người địa phương nói tiếng Việt rất giỏi. Chị An cũng rất nhiệt tình hỗ trợ chúng tôi hiểu thêm những từ chưa biết; có những từ ngữ được sử dụng giao tiếp hằng ngày nhưng phải am hiểu văn hóa địa phương thì mới hiểu nghĩa. Bên cạnh đó, việc nói đúng thanh điệu và ngữ điệu cũng là một khó khăn đối với người nước ngoài như tôi khi học tiếng Việt”, Jonathan bộc bạch.
Hiện nay, Jonathan Poltak Samosir có thể giao tiếp tiếng Việt thành thạo với người Việt Nam mà không cần có thông dịch viên. Đây là một lợi thế để anh có thể đi lại thăm bạn bè và tham quan du lịch khi ra vào giữa Hội An và Đà Nẵng. Thông qua tiếng Việt giúp anh thêm yêu văn hóa và con người Việt Nam.
Khác với Dmitrii Kitaev và Jonathan Poltak Samosir, anh Kevin mới “chân ướt chân ráo” đến Việt Nam. Kevin đến từ Canada và có quê gốc ở Thượng Hải (Trung Quốc). Trong những ngày mới đến Đà Nẵng, Kevin còn bỡ ngỡ với mọi thứ xung quanh. Anh tự tìm đến lớp học với mong muốn khám phá văn hóa địa phương thông qua ngôn ngữ tiếng Việt. Kevin cho biết: “Hiện tiếng Việt của tôi là con số không. Tôi đến lớp học này mong muốn tìm kiếm một vài người bạn có thể giúp tôi hòa nhập với văn hóa địa phương trong những ngày sắp tới. CLB của chị An giúp tôi biết cách giao tiếp với người dân địa phương, tìm hiểu văn hóa ẩm thực... Tôi hy vọng tôi sớm giao tiếp với người địa phương nhiều hơn bằng tiếng Việt”.
Qua lớp học tiếng Việt của chị An, Kevin đã tìm được những người bạn nước ngoài có chung tâm trạng bỡ ngỡ về ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam giống mình để chia sẻ thông qua việc kết nối facebook, messenger. Những mong muốn của Kevin cũng là mục đích của chị An khi mở CLB này nhằm giúp những người nước ngoài sớm hòa nhập văn hóa Việt Nam. Với chị An, “càng có nhiều người nước ngoài biết tiếng Việt thì càng quý”.
Tôi chợt nhớ đến câu nói của Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama tại Hội thảo khoa học quốc tế “Nghiên cứu và giảng dạy tiếng Việt và Việt Nam học trong trường đại học lần thứ II” do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học quốc gia Hà Nội) tổ chức vào ngày 3-11-2018 rằng: “Để trở thành một người nói tiếng Việt giỏi, mỗi người nước ngoài quan tâm học tiếng Việt, phải trở thành một người nước ngoài có tâm hồn Việt Nam, và khi đó, chúng ta chắc chắn sẽ phá vỡ mọi khó khăn, bế tắc trong việc học tiếng Việt”.
ĐOÀN HẠO LƯƠNG