YÊU TIẾNG VIỆT

Nói lái tiếng Quảng

.

Nói lái (có nơi còn gọi là nói trại) là một cách “chơi chữ” bằng lời nói của người Việt. Mỗi vùng miền, do cách phát âm giọng nói của địa phương khác nhau, nên nói lái cũng có những thay đổi nhất định. Với giọng Quảng Nam, tuy phát âm không chuẩn nhưng chính đặc điểm này lại là miếng đất màu mỡ để phát triển nói lái kiểu... Quảng.

Ông Mười Nhựt (bìa trái, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) luôn mang lại tiếng cười bằng cách nói lái kiểu Quảng độc đáo của mình. Ảnh: V.T.L
Ông Mười Nhựt (bìa trái), xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang luôn mang lại tiếng cười bằng cách nói lái kiểu Quảng độc đáo của mình. Ảnh: V.T.L

Nói lái, dưới cái nhìn của các nhà nghiên cứu, là một nghệ thuật chơi chữ tuy xuất phát từ dân gian nhưng vẫn không thiếu tính bác học. Nói lái được cho là cách nói ít nghiêm trang, không chỉ mang tính bông đùa một cách hóm hỉnh, mỉa mai hoặc châm biếm mà đôi khi còn dùng để diễn tả sự thô tục một cách tế nhị, kín đáo.

Nói rứa mà không phải rứa

Hòa Vang là huyện nông thôn duy nhất của Đà Nẵng, nơi còn lưu giữ cái hồn của văn hóa dân gian giữa một thành phố năng động, trong đó nói lái đầy cả một kho.

Ở làng Bồ Bản, xã Hòa Phong, có ông Tán Kim là tay nói lái thuộc loại tầm cỡ. Hồi ông còn làm cán bộ văn hóa - xã hội ở xã, người viết từng gặp ông mấy lần để hỏi thông tin viết báo và lần nào cũng nghe ông nói lái, tất nhiên là theo cách nghiêm túc vì đang trong giờ làm việc. Ở làng Phước Hưng, xã Hòa Nhơn bên cạnh, có ông Mười Nhựt (Nguyễn Thanh Nhựt) cũng nói lái một chín một mười so với “đối thủ” bên xã bạn.

Một bữa, hai ông gặp nhau, sau vài ly chào hỏi thủ tục, Tán Kim “nổ” trước: “Anh Mười nè, Hòa Phong tui ngó rứa mà tới chừ vẫn còn ở trong phòng hoa đó nghe”. Biết “đối thủ” tỏ ý khoe rằng người Hòa Phong tới chừ vẫn còn “sướng đê mê” như trong phòng cưới đêm tân hôn, Mười Nhựt tương kế tựu kế, “phản pháo” ngay bằng cách nói lái tên xã mình: “Hòa Phong anh chừ mà còn trong phòng hoa thì coi bộ chưa lớn lên được. Hòa Nhơn tụi tui đã nhờn hoa từ lâu rồi!”.

Tất nhiên, qua cuộc “đấu mồm” hôm đó, người nghe đã biết “tỷ số” nghiêng về bên nào. Kẻ tám lạng người nửa cân. Nói lái tên xã mình để “khích tướng” đối phương như thế kể cũng hiếm.

Mười Nhựt ngày nọ chạy xe máy tới chỗ bán xăng lẻ trong làng, gọi thằng nhỏ đứng phía trong: “Mẹ mi mô rồi? Nói bả ra đây tau đẩn một cái”. Theo Từ điển tiếng Việt, đẩn là động từ, phương ngữ có nghĩa tương đương như đẩy, ví dụ như “đẩn xe lên dốc”. Trong cách nói dân gian ở Hòa Vang, đẩn hàm nghĩa một động tác thô tục.

Nghe thế, một phụ nữ đẫy đà từ trong nhà chạy xộc ra, đưa tay chống nạnh lớn tiếng: “Mẹ nó đây. Đẩn hả? Sức được mấy cái mà đòi đẩn?!”.

Mười Nhựt cả cười: “Hehe. Đẩn lít xô”. Người phụ nữ gương mặt dịu lại, cười hạ giọng, tếu táo: “Ông làm tui mừng hụt, tưởng đẩn cái chi...”. Nói rồi, tới cầm cái vòi bơm, đổ lít xăng vào xe máy Mười Nhựt.

Lần khác, gặp bà chủ ngay lúc vừa tới, ông cất tiếng: “Bữa ni tui đố bà, đít mấy lỗ?”. Nghe cái giọng đầy vẻ châm chọc, bà nghiêm mặt: “Một. Chứ ông đòi mấy lỗ? Không giỡn mặt nghe!”. Ông cười: “Trật lất. Đít hai lỗ!”. Mặt bà chủ giãn ra, tỏ vẻ “chịu” cái ông nói lái “dữ mà lành”, vui vẻ mở vòi đổ hai lít vào bình xăng xe máy của ông khách “nhiều chuyện”.

Hôm rồi, một cô kinh doanh bất động sản ở Đà Nẵng xây được cái nhà to đùng. Bạn cô là nhà báo nhắn tin: Chúc mừng có cái bự thiệt nghe. Trước đó các cô từng “tám” với nhau về chuyện to/nhỏ, thiệt/giả, chừ thấy bạn chúc “cái bự thiệt” thì sinh nghi, chẳng biết bạn nói cái chi, bèn thả cái hình dấu hỏi to tướng. Cô bạn trả lời kèm cái hình cười ngoác mồm: Bự thiệt biệt thự đó bà! Một lát, cô nhắn tiếp: Chừ thành đại gia thì viết cho đúng chính tả nghe. Cô kia lại thả cái hình dấu hỏi. Cô này lại cười: Nếu viết đại da thì thành đa dại, thiên hạ hắn cười cho!

Dân Quảng là rứa, nhiều khi nói rứa mà không phải rứa. Gặp những “chuyên gia” nói lái thì phải chịu khó lắng nghe, cảnh giác để tránh mắc lởm. Nổi tiếng thơ hay như “Trung niên thi sĩ” Bùi Giáng (người làng Thanh Châu, xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) mà cũng từng làm thiên hạ ngạc nhiên bởi cách nói lái vượt trên biên độ thi ca, kiểu như: “Yêu em từ dạo méo trời/ Đến khi méo đất mới rời em ra”.

Xuất khẩu thành... nói lái

Cô làm báo nói trên, bữa nọ đang cà phê với bạn thì nhận cuộc gọi. Thả điện thoại xuống, cô bảo chừ phải đi gặp gấp Mộng Trà. Nghe bạn bè nói làm báo sướng thiệt, gặp toàn mấy văn nghệ sĩ tên tuổi, cô quay lại cười ngặt nghẽo: Mấy bà ngây thơ thiệt, bị tui gạt mà chẳng biết. Mộng Trà “dịch” ra tiếng Việt là Mộng Chè, mà Mộng Chè là… mẹ chồng đó mấy bà!

Nói lái kiểu đó gọi là “bắc cầu”, tức là không trực tiếp mà mượn một “cái cầu” ngữ nghĩa khác để dẫn tới cái ý mình muốn diễn đạt. Xưa, Thủ Thiệm từng nói lái theo kiểu này.

Chuyện kể, có lần Thủ Thiệm được mời dự đám cưới, ông mua một tấm lụa làm quà, viết lên đó ba chữ Hán thật to: Miêu bất tọa. Trong tiệc cưới, mọi người to nhỏ với nhau về ý nghĩa của ba chữ đó mà nghĩ miết không ra, đành gặng hỏi tác giả, được ông giảng: “Miêumèo, bấtkhông, tọangồi. Miêu bất tọa mèo không ngồi. Rứa thôi chứ có chi cao siêu mô”. Quả thực là không có chi cao siêu, bởi một ông nghe đến đây liền tiếp lời ngay: “Mèo không ngồi tức là mèo đứng”. Thế là mọi người rũ ra cười vì món quà mừng cưới của Thủ Thiệm rất chi là... thực tế!

Lại có chuyện ở xóm nọ có anh tên khai sinh là Thanh, chưa bao giờ đụng tới trái banh nhưng lại được gán cho cái biệt danh là Gôn. Ban đầu không ai hiểu mô tê chi, sau mới biết nó “bắc cầu” như ri: Gôn = Khung thành = Thanh khùng. Nó từ cái tính dở dở ương ương của anh mà ra.

Nói lái “bắc cầu” lắm khi... nguy hiểm, nhưng cũng có lúc rất chi dễ thương. Ông nọ có thằng con lúc nhỏ hay bị ghẻ chốc, liền đặt luôn nó cái tên ở nhà là Cu Ghẻ. Khi nó lớn lên, ra vẻ thanh niên chững chạc, ông thấy gọi vậy nghe cũng kỳ, bèn dặn mấy anh chị nó: “Từ bữa ni sắp tới, tụi bay đừng kêu nó là Cu Ghẻ nữa, mà là Thuyền Xưa nghe”. Con cái đứa nào cũng thắc mắc, sao bỗng dưng cha mình lại đổi ngang xương cái tên thằng Ghẻ. Bị hỏi tới hỏi lui hoài, cuối cùng ông đành “bật mí”: “Thuyền là ghe. Xưa là cũ. Thuyền Xưa là Ghe Cũ. Mà Ghe Cũ là chi, khỏi cần giải thích cho tụi bây nữa hỉ?!”. Vậy là hai xôi một nếp, mèo lại hoàn mèo, có gì khác đâu. Có điều, Thuyền Xưa nghe nó thơ mộng, văn vẻ làm sao!

Cách nói lái “bắc cầu” tuy không khiến người nghe cảm nhận được ý nghĩa trực tiếp, dứt dạt, nhưng nhiều người vẫn thích bởi cái cách diễn giải theo logic rất... Quảng. Người Quảng có thể xuất khẩu thành... nói lái trong bất cứ hoạt động động nào của đời sống, đặc biệt là những lúc trà dư tửu hậu. Cứ túm tụm dăm ba ông chén chú chén anh với nhau là tha hồ mà... lái!

Cách chơi chữ, nói lái đã được hai nhà ngôn ngữ Lê Trung Hoa và Hồ Lê bàn trong cuốn Thú chơi chữ (NXB Trẻ, 1990): “Tiếng Việt có hai điều kiện rất thuận lợi cho việc nói lái. Một là ranh giới giữa các âm tiết (hay tiếng) rất rõ ràng. Hai là hầu hết các phụ âm đều có thể kết hợp với bất kỳ vần nào có mang thanh điệu (còn gọi là thanh), và trong đa số trường hợp đã tạo nên những tiếng có nghĩa. Nhiều ngôn ngữ khác không có đủ hai điều kiện này nên không thể hoặc khó có thể có hiện tượng nói lái”.

VĂN THÀNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.