126 năm trước làng Nam Ô "lên" phim

.

Nếu gõ vào Google cụm từ “Le Village de Namo” ta sẽ được xem một đoạn phim có thời lượng gần một phút, được Gabriel Veyre (1871 - 1936) thực hiện vào năm 1896 tại làng Nam Ô, nay thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.

Một cảnh trong phim “Le Village de Namo”.
Một cảnh trong phim “Le Village de Namo”.

Sau khi Auguste và Louis Lumière sáng chế ra máy quay phim vào năm 1895, thì chỉ một năm sau, anh em nhà Lumière đã gởi Gabriel Veyre đến Đông Dương và quay các phim ở vùng này. Đoạn phim chỉ dài non 1 phút nhưng vẫn được chiếu và bán vé tại Hội chợ Paris vào năm 1900 với tên “Le Village de Nam O - Panorama pris d’une chaise à porteurs” (Làng  Nam Ô - Quay toàn cảnh trên ghế kiệu). Thế là ngôi làng chài nhỏ bé Nam Ô của Việt Nam đã thâm nhập vào nghệ thuật thứ bảy của thế giới từ rất sớm.

Trong bài nghiên cứu “Ký ức lịch sử: Phim ảnh thời kỳ đầu, chủ nghĩa thực dân và sứ mệnh khai hóa văn minh của Pháp ở Đông Dương”, 2 đồng tác giả Barbara Creed và Jeanette Hoonr cho biết, qua bản dịch của Dương Hà đăng trên Đặc san Nghiên cứu Lịch sử Xứ Quảng số 17, tr.122.: “… phim được quay bởi Gabriel Veyre, một nhà quay phim giàu kinh nghiệm của hãng Lumière. Phim mô tả chuyến đi của Gabriel Veyre, được quay từ ghế kiệu khi ông ta đi qua một ngôi làng và ông vốn dĩ đã bị nơi đây thu hút bởi những ngọn núi và pháo đài cũ. Với Veyre, Nam Ô có nhiều thứ thú vị để quay phim”.

Khi xem đoạn phim non một phút này, nếu không được định danh là Le Village de Namo (Làng Nam Ô) thì ai cũng có thể cho đó là một ngôi làng bất kỳ dọc bờ biển Việt Nam, bởi không có một hình ảnh nào đặc tả về biển và gành đá mà cả ngàn năm làng này đã sở hữu và từng thu hút Veyre. Có lẽ chỉ ngồi trên kiệu đi qua ngôi làng một cách vội vàng mà những hình ảnh ấy đã không có trong kịch bản, đã nằm ngoài ống kính máy quay chăng? May mà trong phim có hiện ra một đoạn tường thành khá dày biểu hiện trên đầu tường tô mái đổ, xuất hiện bên phải khung hình trước giây thứ 10 và tái hiện ở giây thứ 30 trong đoạn phim.

Khi mời các cụ có tuổi đời sinh năm 1930 còn sống cùng xem phim này, thì cụ Bùi An (88 tuổi), cho biết đó là đoạn tường thành hướng Bắc của Thành Cung (nhà trạm Nam Ô), sau năm 1945 đã bị phá hủy, hồi nhỏ các cụ thường nghịch ngợm leo trèo trên ấy. Qua đó, ta đoán biết chiếc máy quay phim trên ghế kiệu kia di chuyển từ Đông sang Tây, trong phim bóng nắng dù mờ cũng nhận thấy bóng tạt về Tây Tây Nam bởi biểu kiến mặt trời mùa ấy, biển và gành đá cách đó cả mấy trăm mét về hướng Đông Bắc đã bị che khuất bởi cây đa cổ thụ và hàng cây bàng cao ngọn rõ nét.

Qua ánh sáng thấy được trong phim, dễ dàng nhận thấy phim được quay vào buổi sáng, trời nhiều mây ít nắng. Phim được quay từ chiếc ghế kiệu, trong bối cảnh của đường làng đầy cát biển chạy dọc theo tường thành phía Bắc của Thành Cung Nam Ô. Có một nếp nhà tranh nằm cuối góc tường thành và mấy nếp nhà tranh san sát nằm đối diện với bức tường thành ấy ở bên trái khung hình. Đó là đường làng Nam Ô của thời đó chăng?

Các nhân vật xuất hiện trong phim đa phần lớn tuổi, đàn ông có, đàn bà có. Tất cả đều mặc áo dài màu tối xen lẫn màu sáng, đâu đó có người mặc quần trắng làm sáng cả khung hình. Đàn ông thì áo dài khăn đóng chỉnh tề; đàn bà thì kẻ chít khăn, người đội nón. Đàn ông có dáng vẻ tò mò nhưng thận trọng, pha chút kiêu kỳ trong thế đứng. Đàn bà thì tỏ vẻ hiếu kỳ chừng mực.

Tất cả chuyển động thành hàng ngang làm hậu cảnh cho khung hình thêm chặt chẽ đồng thời với bước di chuyển dọc bờ tường của hai người thanh niên mình trần mặc quần “trật bù lương” (phương ngữ Quảng Nam chỉ loại quần quấn quanh thắt lưng, rất tiện lợi cho việc đựng thuốc lá, trầu - ĐNCT) đang khiêng kiệu võng có chiếc dù che từ lúc khởi đầu đến kết thúc. Có chú bé bị chị phạt vì cứ chờn vờn cản trở trước máy quay. Mấy thiếu nữ sắp dậy thì với áo quần kín đáo nhập vào nhóm trẻ con, lúc đầu các cô còn do dự, sau đó thoải mái thích thú chạy về phía máy quay. Hai em nhỏ chừng ba, bốn tuổi trần truồng, một em tỏ ra hiếu động nhất, có khi thoát khỏi màn hình. 

Trong phim không xuất hiện hình ảnh “ông Tây” nào, chỉ có một ông Tây ngồi trên ghế kiệu với chiếc máy quay phim cồng kềnh của mình mà người xem phim không thể thấy. Nhờ thế, về sau các nhà nghiên cứu, phê bình điện ảnh mới ghi nhận sự thành công của phim vì không có sự can thiệp của bàn tay đạo diễn, đó là sự chân thật nguyên sơ không có dấu hiệu nào của văn minh tiến bộ ngoại lai. Chỉ thấy những ngôi nhà tranh mộc mạc, những người ngư dân chân chất, với ánh mắt bàng quan, trong thế đứng kiêu kỳ không cầu cạnh, se sua của người dân bị trị. Đạt đến chất lượng của bộ phim “phi hư cấu”!

“Phi hư cấu”, nên đến hôm nay, sau 126 năm kể từ khi Gabrial Veyre bấm máy làm ra bộ phim này, ta có được hình ảnh chân thật về áo quần của các nhân vật xuất hiện trong phim mà ngày nay là vốn quý khó tìm trong văn hóa trang phục của tổ tiên xưa. Người lớn tuổi thì áo dài khăn đóng chỉnh tề. Phụ nữ cũng áo dài nghiêm ngắn. Các thiếu nữ khá bạo dạn nhưng không che hết nét dịu dàng tha thướt trước tuổi dậy thì. Những bé trai, bé gái choai choai 9 - 10 tuổi trong bộ áo quần lửng bây giờ không còn tìm thấy. Các em nhỏ thì thể hiện sự hiếu động, kể cả trần truồng như nhộng... Và, đặt biệt hình ảnh hai chàng trai với ngực trần vạm vỡ mặc quần vận thắt kiểu “trật bù lương” tự do phóng khoáng, đến ngày nay đã mất dấu.

Tất cả, qua phim này, ít ra cũng thể hiện một đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa khá phong phú, nề nếp của con người Nam Ô 126 năm trước.

ĐẶNG DÙNG

;
;
.
.
.
.
.