Nhờ đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực quản lý cũng như chất lượng các hoạt động trợ giúp, chăm sóc y tế, hoạt động bảo trợ xã hội trên địa bàn thành phố có nhiều khởi sắc, nhất là công tác chăm sóc trẻ em, người già…
Các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần được các trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội quan tâm tổ chức thường xuyên, nhất là các dịp lễ, Tết. TRONG ẢNH: Một buổi lễ kỷ niệm ngày Người cao tuổi được Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố tổ chức. Ảnh: Đơn vị cung cấp |
Công tác chăm sóc, nuôi dưỡng được thực hiện chu đáo
Tháng 8-2022, Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố tiếp nhận trường hợp bà Nguyễn Thị Tâm (SN 1947, thuộc hộ nghèo phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) sống neo đơn, không có chồng con, bị mù hai mắt. Trước hoàn cảnh tuổi già, sức yếu, không nơi nương tựa của bà Tâm, ngành chức năng phường Thanh Khê Đông đã liên hệ và làm thủ tục đưa bà vào Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố để được chăm sóc tốt hơn. Một trường hợp khác là bà Lê Thị Tám (SN 1946) không nhà cửa, chồng con, thuộc hộ nghèo của phường Thạc Gián (quận Thanh Khê), được trung tâm tiếp nhận tháng 5-2022, trên cơ sở đề nghị của địa phương nơi sinh sống.
Đó là 2 trong số 11 người cao tuổi tự nguyện vào sinh sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố từ đầu năm đến nay, trong đó có 2 trường hợp được gia đình bảo lãnh. Bà Nguyễn Thị Tố Uyên, Giám đốc trung tâm cho biết, từ đầu năm đến nay, trung tâm tiếp nhận 65 đối tượng, trong đó có 57 đối tượng lang thang, cần chăm sóc khẩn cấp, 8 đối tượng do các địa phương trên địa bàn thành phố làm thủ tục đưa vào. Tính đến nay, tổng số đối tượng trung tâm đang quản lý 178 người, trong đó có 85 nữ; số lượng người cao tuổi, người khuyết tật không tự phục vụ được chiếm 70%; có 15 trẻ em, trong đó có 9 em khuyết tật đặc biệt nặng, 4 em dưới 6 tuổi và 2 em trong độ tuổi đi học.
Theo bà Nguyễn Thị Tố Uyên, công tác chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng được thực hiện chu đáo. Trung tâm chủ động cải thiện, tăng chất lượng bữa ăn thông qua các hoạt động như trồng rau; thu hút, kêu gọi các tổ chức, cá nhân từ thiện tặng quà. Đối với người già và trẻ em được quan tâm chế độ dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe y tế - phục hồi chức năng, chăm sóc cá nhân… Trung tâm cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa - văn nghệ, đối thoại, giao lưu… bảo đảm người cao tuổi tự nguyện được chăm sóc tốt cả về vật chất và tinh thần. Đặc biệt, vào các dịp lễ, Tết như Tết cổ truyền dân tộc, trung tâm luôn có kế hoạch, xây dựng thực đơn phục vụ ăn uống, tổ chức đón giao thừa, văn nghệ, trò chơi dân gian, xem phim… trong không khí đầm ấm, đủ đầy cả về vật chất lẫn tinh thần.
Thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện toàn thành phố có 13 cơ sở trợ giúp xã hội, đang tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc tập trung 1.823 đối tượng là người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em mồ côi, người lang thang xin ăn, trong đó có 613 người ở ngoại tỉnh. Hằng năm, ngân sách thành phố bố trí kinh phí 100% cho hoạt động của các cơ sở công lập.
Đối với cơ sở ngoài công lập, ngân sách thành phố hỗ trợ kinh phí nuôi dưỡng cho các đối tượng theo đúng quy định của Chính phủ. Nguồn kinh phí hoạt động của các cơ sở ngoài công lập từ nguồn viện trợ của các tổ chức Chính phủ và huy động từ các cá nhân, tổ chức đóng góp. Năm 2021, thành phố triển khai thí điểm mô hình dịch vụ có thu phí đối với người cao tuổi có nhu cầu, tự nguyện vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố. Các cơ sở bảo trợ xã hội đã thực hiện bảo đảm các quy định, tích cực huy động nguồn vận động, thực hiện tốt chức năng chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng, góp phần đáng kể trong việc giảm gánh nặng ngân sách Nhà nước về đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực chăm lo cho các đối tượng bảo trợ xã hội.
Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách
Là đơn vị triển khai thực hiện thí điểm mô hình dịch vụ có thu phí đối với người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) có nhu cầu, tự nguyện vào chăm sóc, nuôi dưỡng, bước đầu Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố nhận 11 đối tượng đăng ký sử dụng dịch vụ với mức kinh phí 6 triệu đồng/tháng đối với đối tượng còn khả năng tự phục vụ và 9 triệu đồng/tháng đối với đối tượng không còn khả năng tự phục vụ. Đến nay, có 2 người được gia đình bảo lãnh về.
“Các đối tượng chủ yếu là người có bệnh nặng, trầm cảm, gia đình không thể chăm sóc. Cơ sở hạ tầng của trung tâm bảo đảm tiếp nhận hơn 50 người thuộc diện này vào chăm sóc. Trung tâm cũng đã đăng thông báo để người/gia đình có nhu cầu đăng ký nhưng số lượng tiếp nhận còn ít, dự báo sẽ khó tăng cao trong thời gian tới do tâm lý người Việt Nam khi lớn tuổi vẫn muốn sống chung cùng con cháu hoặc có nhu cầu nhưng tiềm lực tài chính hạn hẹp, không bảo đảm để sử dụng dịch vụ”, bà Nguyễn Thị Tố Uyên thông tin.
Giai đoạn 2012-2020, chính sách an sinh xã hội trên địa bàn thành phố ngày càng phát triển đồng bộ với việc tập trung hoàn thiện hệ thống pháp lý, xây dựng chính sách đặc thù, diện bao phủ không ngừng được mở rộng, mức hỗ trợ ngày càng tăng, hoạt động hỗ trợ chú trọng tính toàn diện, bền vững. An sinh xã hội đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho người nghèo và đối tượng yếu thế trong xã hội, nhất là trong các tình huống thiên tai, dịch bệnh nghiêm trọng như Covid-19, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Đặc biệt, trên cơ sở tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1-6-2012 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, cho thấy Đà Nẵng đã xây dựng nhiều chính sách vượt trội so với chính sách khung của Trung ương, nâng mức hỗ trợ và mở rộng đối tượng thụ hưởng thông qua các nghị quyết do HĐND thành phố ban hành và các chương trình, đề án, kế hoạch trên lĩnh vực an sinh xã hội.
Ông Lê Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố cho biết, thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động, quản lý hệ thống cơ sở hạ tầng về an sinh xã hội, góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân, nhất là các đối tượng yếu thế, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố trong giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu hướng đến là 100% người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em không có nguồn nuôi dưỡng được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng tại cộng đồng; từng bước nâng chuẩn trợ cấp, trợ giúp xã hội lên 30-50% so với mức chuẩn Trung ương; 100% người già cô đơn, người khuyết tật, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tại các trung tâm bảo trợ xã hội... Thành phố tập trung triển khai nhiều giải pháp như từng bước sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về an sinh xã hội; phát triển hạ tầng, hệ thống dịch vụ an sinh xã hội theo hướng đồng bộ, bền vững; đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng hóa nguồn lực trợ giúp an sinh xã hội.
KHÁNH HÒA