Biến chất thải nhựa thành sản phẩm hữu dụng

.

Để giải bài toán hạn chế ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa Siliconized PET, nhóm sinh viên (SV) Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng đã đưa ra giải pháp tái chế thành các vật dụng hữu ích sử dụng trong gia đình. Giải pháp xuất sắc đoạt cú đúp giải thường: Trình bày dự án xuất sắc nhất và Giải Poster xuất sắc nhất tại cuộc thi Dự án Đổi mới sáng tạo kỹ thuật eProjects, do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Chương trình STEM của Công ty Dow Việt Nam tổ chức.

Nhóm sinh viên xuất sắc đoạt cú đúp giải thưởng với ý tưởng tái chế Si-PET.  Ảnh: T.L
Nhóm sinh viên xuất sắc đoạt cú đúp giải thưởng với ý tưởng tái chế Si-PET. Ảnh: T.L

Cuộc thi được tổ chức nhằm hỗ trợ các đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, định hướng chuyên môn cho SV khắp Việt Nam. Tại đây, Ban tổ chức cuộc thi sẽ giao đề tài, nhiệm vụ của đội thi là tìm ra giải pháp tối ưu. SV Nguyễn Hoàng Nam, đại diện nhóm SV Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng cho biết, đề tài nhóm nhận được là: Hiện nay ngành công nghiệp điện tử đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam. Từ ngành công nghiệp này, một lượng lớn chất thải nhựa Siliconized PET (Si-PET) phát sinh ra ngoài môi trường sau khi sử dụng. Tuy nhiên, hầu hết lượng rác thải nhựa này sẽ được xử lý bằng những cách truyền thống như chôn lấp, đốt. Nhóm cần đưa ra giải pháp tối ưu hơn, hiệu quả hơn để vừa có thể giải quyết được vấn đề rác thải nhựa Si-PET, vừa có thể tận dụng chúng để tái chế thành một sản phẩm hữu ích hơn.

Hoàng Nam cho biết: “Sau khi họp bàn, chia sẻ ý tưởng, nhận sự tư vấn của TS. Ngô Đình Thanh (giảng viên hướng dẫn chính) và các TS. Hồ Viết Thắng, TS. Phạm Thị Đoan Trinh, Ths. Nguyễn Tiến Danh cùng các mentor (người cố vấn) của Công ty Dow Việt Nam, nhóm SV đã hoàn thiện và triển khai giải pháp tái chế Si-PET thành vật liệu/sản phẩm Composite với các ứng dụng như làm đồ nội thất trang trí trong nhà”.

Ban đầu, nhóm thu gom Si-PET về, làm sạch và cắt nhỏ. Số Si-PET đã làm sạch được nấu và đưa vào khuôn hình. Khi nhựa đã chảy đều trên khuôn, nhóm cho thêm tác nhân gia cường như sợi thủy tinh với một số lượng phù hợp. Sau đó đem ép hỗn hợp nhựa chảy trong khuôn đã bổ sung sợi thủy tinh dưới một máy ép nhiệt. Sản phẩm cuối cùng thu được sau tái chế có đủ độ bền, chịu lực tốt và bảo đảm an toàn để sử dụng trong gia đình. Bằng cách này, bài toán về rác thải Si-PET được giải quyết giúp giảm tải tình trạng ô nhiễm môi trường, sản phẩm thu được có thể tái sử dụng.

Tuy nhiên, theo Hoàng Nam, vật liệu Si-PET tái chế dùng trong ngành Công nghiệp điện tử là đối tượng khá mới lạ so với nhóm nên quá trình nghiên cứu, nhóm đã phải tìm hiểu nhiều nguồn tài liệu, sắp xếp thời gian để cả nhóm cùng làm việc trực tiếp. “Có những ngày, chúng em chỉ đến ngồi lại với nhau, chia sẻ thật nhiều để hiểu nhau hơn, từ đó mới đưa ra được ý tưởng tốt hơn”, Hoàng Nam nói.

Ngoài ra, ở Đà Nẵng không có các công ty trong chuỗi cung ứng Si-PET nên việc tìm kiếm mẫu Si-PET để làm thí nghiệm mất khoảng thời gian khá lâu. Đó là chưa kể đến những hạn chế nhất định về trang thiết bị thí nghiệm. Vượt qua những khó khăn kể trên, dưới sự hướng dẫn của đội ngũ giảng viên và các mentor, cuối cùng nhóm SV đã thực hiện thành công ý tưởng, đem đến cuộc thi một sản phẩm chỉn chu.

Đặng Văn Trung, thành viên khác của nhóm cho biết thêm, thông qua cuộc thi, nhóm có cơ hội rèn luyện các kỹ năng như kỹ năng tư duy thiết kế dự án doanh nghiệp; kỹ năng làm việc nhóm giữa những cá nhân đến từ nhiều lớp học khác nhau; kỹ năng trình bày, quản lý dự án và kỹ năng kỹ thuật như thiết kế, xây dựng nguyên mẫu. Tham gia cuộc thi còn là sân chơi để các bạn SV đến từ nhiều trường đại học khác nhau có thể học hỏi kinh nghiệm và ứng dụng thực tiễn những kiến thức đã học.

“Tương lai, nhóm dự kiến phát triển dự án thành 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu, nhóm sẽ cải thiện thêm tính chất của sản phẩm, ví dụ như cải thiện độ bền cơ học, độ chịu lực của sản phẩm để đáp ứng tiêu chuẩn của sản phẩm như bàn, ghế. Tiếp theo, nhóm sẽ xây dựng quy trình sản xuất trên quy mô công nghiệp từ việc thu gom SI-PET ở nhà máy điện tử cho đến khâu sản xuất một sản phẩm hoàn chỉnh. Cuối cùng sẽ marketing tìm thị trường tiêu thụ”, Trung chia sẻ.

EProjects là chương trình đổi mới sáng tạo kỹ thuật, trong đó giảng viên và mentor đến từ doanh nghiệp hướng dẫn nhóm SV giải quyết vấn đề thông qua các dự án. Trong quá trình tham gia, SV sẽ học được các kỹ năng cứng như: thiết kế, xây dựng, thử nghiệm mẫu cùng với các kỹ năng mềm như làm việc nhóm và quản lý dự án. Từ đó, SV có thể học được nhiều kiến thức, kỹ năng và tự tin hơn trong quá trình trở thành kỹ sư chuyên nghiệp trong tương lai. Trong những năm qua, eProjects đã thúc đẩy hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp thông qua chương trình BUILD-IT (Dự án Thúc đẩy hợp tác Trường Đại học - Doanh nghiệp thông qua Đổi mới và Công nghệ). Đây là chương trình do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Chương trình STEM của Dow Việt Nam tài trợ.

THIÊN LAM

;
;
.
.
.
.
.