Gia tài cha mẹ cho ta…

.

Khi còn trẻ nhiều người trong chúng ta thường muốn rời xa ngôi nhà, quê hương đi làm ăn lập nghiệp ở phương xa. Nhưng đến lúc về già lại bán nhà ở phố để về quê sống nốt phần đời còn lại. Có phải vì sau những biến cố thăng trầm người ta nhận ra không đâu bằng quê nhà. Bố mẹ ta đã già, nhiều lúc rất khó khăn, nhưng rất ít người nghĩ đến chuyện bán đất ông bà tổ tiên để lại. Dù cơn sốt giá đất đã len lỏi đến khắp ngõ ngách quê nghèo. Bởi bố mẹ cả đời chỉ muốn dành cho con một chốn đi về. Đó không chỉ là ngôi nhà ọp ẹp nắng mưa hay bề thế khang trang. Không chỉ là khu vườn đầy hoa thơm trái ngọt hay mảnh đất cằn đá sỏi. Không chỉ là sáng dậy được nghe tiếng chim líu lo thánh thót hay tiếng còi tàu hú vang phía sau nhà. Gia tài cha mẹ cho ta không chỉ là thứ hiện vật có thể sờ nắm được. Đó là những ký ức thắm đượm mà dù trải qua bao mưa nắng thời gian cũng không thể nào phai nhạt. Ký ức đó dù tươi đẹp hay đau buồn cũng đều đã đồng hành cùng ta trên hành trình khôn lớn.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Có nhiều người cuối đời về quê, căn nhà cũ đã xuống cấp không thể ở. Họ xây lại một ngôi nhà khang trang để thờ cúng tổ tiên. Nhưng mỗi đêm nằm trong căn nhà mới tâm trí họ chỉ hướng về ngôi nhà cũ năm xưa. Nơi ấy mẹ cha còn sống ở trên đời, những bữa cơm đạm bạc mà ăm ắp tiếng cười. Chỉ nồi tép kho tương, mấy quả cà mẹ muối và đĩa rau muống luộc mà sao ngon hơn bất cứ bữa ăn nào chúng ta từng thưởng thức sau này.

Kể cả có ngồi trong nhà hàng sang trọng, cũng vẫn là cà muối, rau muống luộc đấy thôi nhưng vẫn chẳng thể nào tìm được cái vị kí ức quê nhà. Phải chăng đó là vị của sẻ chia, đùm bọc, yêu thương. Vị của mồ hôi trên vai áo lao động còn bám đầy vôi vữa của bố. Vị của gió nóng giữa hè, se lạnh sang thu mang theo mùi của bùn đất ruộng vườn, lá khô, đất ẩm. Tiếng đài cát sét kêu lẹt xẹt dò sóng. Bố nhìn những đám mây hình bã bừa trên trời thở dài bảo: “Không biết còn nắng hạn đến bao giờ?”. Bữa cơm hình như chợt có thêm vị của ngậm ngùi…

Gia tài cha mẹ cho ta còn là cái nghĩa tình để lại ở làng trên xóm dưới, dòng tộc, họ hàng. Bao nhiêu yêu thương gom góp, bậc sinh thành đều đã gửi vào trong thiên hạ để dành dụm cho con. Ta đi đến đâu được người mến người thương. Người dúi cho mấy trái bầu, người cho vài con cá. Đi đến đâu cũng được ăn được nói, được gói mang về. Nhà có công việc gì là mọi người xúm lại cùng đỡ đần, lo toan cho ta bớt đi phần vất vả. Ta mang khuôn mặt của mẹ cha đi giữa đường đời chẳng may vấp ngã luôn có người nâng.

Đi đến đâu cũng nghe kể về cuộc đời cha mẹ hiền lành, tốt bụng, cả đời chưa bao giờ thấy to tiếng với ai. Ta vì thế mà không dám sống sai trái với ai, lúc nào cũng phải tự dặn mình gắng làm người tử tế để cha mẹ vui lòng. Tình yêu thương và sự tử tế ấy như dòng suối chảy mãi, từ đời này sang đời khác. Chợt nhớ đến những câu thơ trong bài “Dặn con” của Trần Nhuận Minh: “Mình tạm gọi là no ấm/ Ai biết cơ trời vần xoay/ Lòng tốt gửi vào thiên hạ/ Biết đâu nuôi bố sau này...”. Ta nợ những người trước, sợ những ngày sau chắc cũng giống như bố mẹ mình đã từng sống một đời vun vén.

Chiều nay nằm trên cánh võng quê nhà, hiu hiu gió thổi nghe tiếng ru từ hàng xóm vọng qua: “Cây xanh thời lá cũng xanh/ Cha mẹ hiền lành để đức cho con/ Mừng cây rồi lại mừng cành/ Cây đức lắm chồi, người đức lắm con”. Ta chợt thấy mình giàu có biết bao nhiêu, khi có được giấc ngủ thảnh thơi giữa quê nhà thân thuộc.

VŨ THỊ HUYỀN TRANG

;
;
.
.
.
.
.