Trong cuốn Quốc triều đăng khoa lục, Thượng thư Bộ Học Cao Xuân Dục nhận định về Tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ: “Đó là người có khí tiết, không a dua, không thiết gì sự thăng quan tiến chức, chỉ lấy câu thơ, chén rượu làm vui”.
Di bút của Tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ và biển “Ân tứ vinh quy” vua Thiệu Trị ban cho ông. |
“Dòng dõi một nhà, khoa trước khoa sau đều đỗ”
Nguyễn Tường Phổ (1807-1856), tự là Quảng Thúc, hiệu Thứ Trai, người xã Cẩm Phô, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc phường Cẩm Phô, thành phố Hội An). Ông là con trai thứ của vị khai quốc công thần nhà Nguyễn - Binh bộ Thượng thư, Nhuận Trạch hầu Nguyễn Tường Vân. Khoa Nhâm Dần - 1842, Nguyễn Tường Phổ đỗ Tiến sĩ đệ tam giáp. Đây là sự kiện lớn đối với khoa bảng đất Quảng lúc bấy giờ bởi hai lẽ như sau:
Thứ nhất, theo Quốc triều đăng khoa lục, Nguyễn Tường Phổ là người đầu tiên ở Quảng Nam khi đó đỗ Tiến sĩ mà kinh qua cả 3 kỳ thi Hương, Hội, Đình. Trước đó, từ khi vua Gia Long mở khoa thi Hương đầu tiên (năm 1807), đất Quảng chưa ai đỗ tiến sĩ nên vua Minh Mạng đặc cách cho các sĩ tử Quảng Nam không cần thi Hương mà chỉ thi Hội và thi Đình, với điều kiện được Đốc học của tỉnh giới thiệu.
Thứ hai, liên tiếp hai kỳ thi Đình, hai anh em ruột thuộc dòng tộc Nguyễn Tường đều đỗ đại khoa: Khoa Mậu Tuất (1838), Nguyễn Tường Vĩnh đỗ Phó bảng và khoa kế tiếp (1842) người em - Nguyễn Tường Phổ - lại đỗ cao hơn anh. Đây là hiện tượng đặc biệt, được Đốc học Quảng Nam - Tiến sĩ Trần Đình Phong - hết lời ca ngợi trong bài Quảng Nam tỉnh phú: “Dòng dõi một nhà, khoa trước khoa sau đều đỗ”.
Hân hoan trước sự kiện Nguyễn Tường Phổ đỗ Tiến sĩ đệ tam giáp này, nhiều vương gia, tiến sĩ, cử nhân, tú tài, ấm sinh… hết lòng chúc mừng. Đơn cử, Phò mã Đô úy họ Nguyễn, hiệu Chuyết Trai tặng bài thơ Xuân vinh quy (bằng chữ Hán), dịch nghĩa: “Đất Cẩm vinh quy gặp nắng xuân/ Đào xanh thắm đỏ đã bao lần/Lầu cao đề bảng nêu nho khách/ Đất lạ chức quan đón sĩ nhân/ Mấy thuở trăng soi câu chuyện cổ/ Ngàn phương gió giục việc canh tân/ Hiểu người diệu đế khi cư xử/ Thanh bạch trời cao tự dưỡng thần”.
Còn cử nhân, tú tài, kẻ sĩ trong tỉnh Quảng Nam tặng vị tân tiến sĩ những lời ngợi ca: “Hiền đài thuở thiếu niên đã sâu sắc khác người, ý tứ rõ ràng, học hành uyên bác, văn chương hưng khởi, sáng rõ như núi cao với sắc đẹp tuyệt vời, hiếm khi thiên lệch; đấy là được chốn này hun đúc tài năng vậy. Mùa xuân năm nay đỗ tiến sĩ cập đệ, văn minh rực rỡ, tốt đẹp ở một cửa nhà, bèn cùng lệnh huynh (anh trai) trước sau tỏa sáng, vang chấn gia thanh; thật là con cháu nối nghiệp của bậc thế gia; là bậc cự phách ở tỉnh ta vậy”.
Tận tâm hết mực với việc của dân
Sau khi vinh quy bái tổ, Tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ trải qua nhiều chức vụ: Hàn lâm viện Biên tu ở Nội các, Tri phủ Hoằng An (Bến Tre), Tri phủ Tân An (Gia Định), Giáo thọ phủ Điện Bàn (Quảng Nam), Quyền Đốc học Quảng Nam, Quyền Đốc học tỉnh Hải Dương.
Trong bài Hành thuật về ông Nguyễn Tường Phổ, Tiến sĩ Lương Khê Phan Thanh Giản cho hay: “Ông lúc tại chức thì liêm khiết, công bằng, tận tâm hết mực với việc của dân… Hai lần đến phủ hạt, dân cư đều bị tàn tạ, hao sút. Quảng Thúc gắng lòng ghi chép mọi điều. Phàm có việc gì tiện lợi cho dân, không gì ông không làm cả. Đến như việc “cầu mưa nguyện gió” ông không thể không hết sức thành kính khẩn cầu, lấy việc cầu nguyện đó để ứng cho dân được mọi bề yên ổn”.
Cũng theo Phan Thanh Giản, “trong phủ có việc tranh tụng, ông liền lấy lễ mềm mỏng mà giảng giải, phủ dụ rõ ràng khiến chấm dứt lòng tranh cãi. Các tướng thân mến cùng nhau. Trong nhiều năm, phủ đường vô sự, cỏ thơm đầy sân như bức rèm treo suốt ngày, chừng như có sự vật ở bên ngoài đẹp tựa trong ý tưởng vậy. Mỗi ngày ông cùng sĩ tử giảng tập say sưa, với tình thơ - chén rượu; lấy hiếu - lễ - trung - tín dạy dỗ cháu con, ấy là lo vun trồng gốc rễ của kẻ sĩ trong cửa nhà…
Ông dạy người thì lo phần đôn hậu, thực hành thì vứt bỏ hư danh, đọc sách thánh hiền thì thông hiểu đại nghĩa, rồi sau đó mới dạy đến nghề cử tử. Học trò đều chất chứa niềm vui sướng khi có được người thầy như vậy. Ông tính nghiêm nhưng khí chất hào sảng, tự mình đặt ra luật lệ rất nghiêm, mà trách nhiệm với người thì hết mực, điều đó tôi (Phan Thanh Giản - NV) chưa bao giờ được gặp ai như vậy”.
Tài năng và đức độ của Nguyễn Tường Phổ khi làm quan luôn được bạn bè và người đời trân trọng và ngưỡng mộ. Khi ông vì không thu đủ thuế phải bị biếm chức (giáng chức) và sau đó xin về nghỉ hưu, viên Án sát tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Diệu gửi tặng bài thơ Tương tống (Cùng tiễn đưa), lời lẽ thắm thiết, chia sẻ nỗi niềm với một bậc quan nhân, dịch nghĩa: “Sinh ra tự có ích/ Tuổi cao lòng lương tri/ Người về đất phương Nam/ Tạ từ xa cửa Bắc/ Một mình phương xa đó/ Ngàn dặm tin thư chậm/ Gièm pha chẳng ngại chi/ Tiếng trùng lắm thị phi/ Kiên trinh lòng vẫn giữ/ Được mất chẳng thể ngờ/ Gièm pha nhà đỗ đạt/ Tiếng xấu bia đời cười/ Người hiền bậc quan nhân/ Cửa son cởi giày về/ Đưa tiễn trọn đường đi/ Lòng thành ít ai biết/ Đồng bệnh ta hiểu nhau/ Viếng thăm tiếp thêm lời/ Quay đầu nhìn núi cũ/ Mây trắng chẳng ngừng bay”.
Ngày 28 tháng 3 năm Bính Thìn (1856), Tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ qua đời khi mới 50 tuổi. Vô cùng thương tiếc ông, văn thân khoa bảng trong và ngoài tỉnh có nhiều câu đối viếng tang và văn tế. Hiệp biện lãnh Lễ Bộ Thượng thư Lương Khê Phan Thanh Giản viếng: “Vãng tùng Nam đạo phùng liên bích/ Hốt báo Tây phong điêu ngọc chi” (Tưởng đến đường Nam nhìn viên ngọc/ Chợt nghe gió Bắc rụng cành lan). Người cùng châu, Tiến sĩ Phạm Phú Thứ ngợi ca: “Tân mệnh bả thuật quan, xuất tăng giáp khoa sản cần thúy/ Ngập hương khư cấu tịch, truyền thiên tửu địa hằng niên ta” (Lệnh mới phép công, từ khoa giáp làm quan, cần kiệm vững chắc/ Làng xa theo lệ, cùng trời đất lo dân, no ấm lâu bền).
Con người không thiết gì sự thăng quan tiến chức ấy đã ra đi, nhưng những gì ông để lại đã làm thơm nức đất và người xứ Quảng.
VÂN TRÌNH