THƯƠNG NHỚ QUÊ NHÀ

Du lịch và ẩm thực

.

Phát triển du lịch, bên cạnh các yếu tố về danh lam thắng cảnh, nét văn hóa đặc trưng, để níu chân du khách cần thêm yếu tố ẩm thực. Bởi thực tế, rất nhiều người đi du lịch không chỉ để ngắm cảnh, tham quan mà xem đó là hành trình khám phá ẩm thực, nhất là ẩm thực vùng miền.

Gian ẩm thực phục vụ du khách của một resort 5 sao ven biển Đà Nẵng. Ảnh: T.Y
Gian ẩm thực phục vụ du khách của một resort 5 sao ven biển Đà Nẵng. Ảnh: T.Y

Trải nghiệm thú vị

Du lịch kết hợp ẩm thực là sự trải nghiệm sống động, hấp dẫn của du khách. Khi thưởng thức đặc sản vùng miền hay của quốc gia nào đó, sẽ hiểu rõ hơn về nếp sống, tập tục, nét văn hóa đặc trưng. Sự hấp dẫn, mới lạ và ngon miệng ở điểm đến du lịch, sẽ là động lực để níu chân du khách quay trở lại và giới thiệu cho nhiều người khác tìm đến.

Ẩm thực của mỗi quốc gia, vùng miền đều là những nét văn hóa riêng biệt, đặc trưng mỗi quốc gia và vùng miền đó. Riêng ẩm thực Việt Nam chúng ta mang nét văn hóa riêng biệt và rất đa dạng, phong phú ở cả ba miền Bắc, Trung và Nam. Do đó, để tìm hiểu văn hóa của bất kỳ vùng miền nào của đất nước, chúng ta không thể bỏ qua văn hóa ẩm thực.

Qua ẩm thực, người ta có thể hiểu được nét văn hóa thể hiện phẩm giá con người, trình độ văn hóa với những đạo lý, phép tắc, phong tục trong cách ăn uống...
Ở Việt Nam, mỗi vùng miền, địa phương đều có những đặc sản về ẩm thực, trở thành “thương hiệu”. Chẳng hạn vùng đất Đà Nẵng, Quảng Nam có mì Quảng, Hội An là cao lầu, Hà Nội là phở, Huế là bún bò, Nam bộ thì hủ tiếu, lẩu mắm… Thú vị hơn là những tên quán gắn với những món ngon, chẳng hạn như “ Bún bà A”, “Phở ông B”, “Hủ tiếu cô C”…

Tâm lý của nhiều du khách khi đến du lịch ở địa phương nào đó đều muốn tìm hiểu, thưởng thức “của ngon vật lạ”. Du khách từ các tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là những tỉnh, thành phố không tiếp giáp với biển rất muốn đến Đà Nẵng, Hội An để thưởng thức hải sản; du khách miền Trung vào Thành phố Hồ Chí Minh, miền Tây thích thưởng thức món hủ tiếu “chính gốc”… Du khách các tỉnh phía Bắc, khi đến Đà Nẵng chẳng mấy ai tìm đến đến quán phở Hà Nội mà muốn thưởng thức mì Quảng hay bún chả cá… Người miền Nam đến Đà Nẵng để thưởng thức món mì Quảng ếch, bánh tráng cuốn thịt heo…

Ngoài yếu tố về chất lượng thì an toàn vệ sinh thực phẩm cũng là vấn đề được nhiều du khách quan tâm. Đi du lịch được ăn ngon mà cái bụng cũng yên ổn, sức khỏe không bị ảnh hưởng thì còn gì vui bằng. Để thu hút khách du lịch thông qua ẩm thực, bên cạnh yếu tố chất lượng còn là cảnh quan, vệ sinh và thái độ phục vụ. Như đã đề cập ở trên, đi du lịch kết hợp với tìm hiểu, trải nghiệm về “văn hóa ẩm thực” của nơi mình đến cũng là sở thích của không ít du khách.

Đơn cử như việc du khách có thể trải nghiệm cùng người dân ở Hòa Vang làm bánh tráng,  nấu mì Quảng, đúc bánh xèo… để tìm hiểu lịch sử, xuất xứ các món ăn đã trở thành thương hiệu, đặc trưng. Còn gì thú vị bằng khi vừa khám phá, thực hành, lại vừa thưởng thức sản phẩm do mình làm ra. Đây cũng là một nội dung mà những ai làm du lịch cộng đồng cần quan tâm, bởi nó thể hiện mối “lương duyên” giữa du lịch và “văn hóa ẩm thực”.

Khai thác du lịch thông qua “con đường ẩm thực”

Việc xuất hiện nhiều quán ăn món Hàn, món Nhật, món Trung Hoa… để phục vụ khách những quốc gia đó chưa hẳn là điều đáng mừng, chứng tỏ ẩm thực Việt chưa đủ sức hút du khách. Cần khai thác nhiều hơn yếu tố ẩm thực Việt thuần túy trong resort, nhà hàng 5 sao cũng như tạo diễn đàn giao lưu văn hóa ẩm thực vùng miền, quốc gia trong phát triển du lịch. Cách đây chưa lâu, Sở Du lịch Đà Nẵng lần đầu tiên tổ chức thành công lễ hội ẩm thực quốc tế Đà Nẵng 2019, quy tụ 13 đầu bếp của 13 quốc gia đến từ châu Á, châu Âu, châu Mỹ…

Du khách gần xa có dịp được thưởng thức các món ăn của nhiều quốc gia và các vùng miền của nước ta. Đây cũng là cách khai thác du lịch lấy ẩm thực làm chủ đề và nâng tầm quốc tế, tạo sự mới lạ, hấp dẫn đối với du khách khi đến Đà Nẵng. Rất cần duy trì thành một sự kiện mang tính thường niên, tạo thêm một sản phẩm du lịch độc đáo cho thành phố.

Ngoài ra, cũng cần quan tâm ẩm thực dành cho thị trường khách mang tính đặc thù như các quốc gia có người theo đạo Hồi, đạo Phật... Đơn cử đối với du khách là người theo Đạo Hồi, họ thường rất nguyên tắc, không có sự “phá lệ” trong ăn uống nên cần quan tâm khái niệm “Thực phẩm Halal”, loại thực phẩm chuyên dành cho người Hồi giáo được quy định rõ trong kinh Koran gồm: bò, cừu, lạc đà, dê, mật ong, cá, rau tươi; các loại hạt như đậu phộng, hạt điều, ngũ cốc và những động vật kiêng kỵkhông được sử dụng.

Khai thác giá trị ẩm thực để phát triển du lịch ở Đà Nẵng cần được quan tâm một cách nghiêm túc. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để biến nghệ thuật ẩm thực trở thành sản phẩm đặc sắc của du lịch Đà Nẵng. Để làm được điều đó, ngành du lịch cần tích cực quảng bá ẩm thực “xứ Quảng” thông qua các cuộc thi, liên hoan ẩm thực, đưa vào nội dung quảng bá tại các sự kiện du lịch trong và ngoài nước.

Đồng thời, trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của thành phố, ngành du lịch cần đề ra những nhiệm vụ và phương hướng nhằm nâng tầm văn hóa ẩm thực thành sản phẩm du lịch đặc sắc; tổ chức quy hoạch sản phẩm du lịch gắn với ẩm thực, trong đó quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; xây dựng và hướng dẫn doanh nghiệp thiết kế tour khai thác hiệu quả truyền thống nghệ thuật ẩm thực xứ Quảng; động viên, khuyến khích các nhà hàng trên địa bàn đăng ký “Cơ sở đạt chuẩn phục vụ khách du lịch”…

Hy vọng trong thời gian tới, bên cạnh những thế mạnh vốn có về biển, rừng, danh lam thắng cảnh, khu nghỉ dưỡng, Đà Nẵng sẽ có thêm một sản phẩm du lịch mới qua “Con đường ẩm thực”, đủ sức hấp dẫn bạn bè, du khách gần xa mỗi lần ghé lại thành phố xinh đẹp và mến khách này.

DIỆP DÂN HÙNG

;
;
.
.
.
.
.