Tại Hội An, có một quán cà phê khá thú vị mang tên Chu An (136 Nguyễn Thái Học). Theo lời chị Nguyễn Thị Nga - chủ quán, tên gọi này dựa theo câu chuyện lịch sử Châu ấn thuyền, con thuyền buôn của Nhật Bản vượt biển đến Hội An buôn bán hồi nửa đầu thế kỷ 17, dưới triều Mạc phủ.
Không gian hoài cổ tại Chu An. Ảnh: CHU AN |
Chuyện rằng, khoảng năm 1593, Tướng quân Tokugawa Ieyasu sau khi thống nhất Nhật Bản đã có chủ trương thiết lập mối quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng thông qua con đường hàng hải. Ông ban hành chính sách “Ngự chu ấn trạng” (Goshuinjo), loại giấy thông hành đặc biệt cho phép tàu thuyền Nhật Bản sang buôn bán ở các nước, trong đó có Việt Nam. Đây là loại “giấy phép có đóng con dấu màu đỏ” gắn liền với chế độ “Châu ấn thuyền” (Shuinsen) - “Thuyền mang giấy phép có đóng dấu màu đỏ” có trang bị vũ trang do Mạc phủ Tokugawa cấp.
Chính sách thông thương giữa Nhật Bản với chúa Nguyễn Hoàng đã mở ra thời kỳ hưng thịnh, đồng thời tạo nên những không gian văn hóa, kiến trúc đậm chất Nhật Bản tại vùng đất Hội An. Lấy cảm hứng từ câu chuyện này, chị Nguyễn Thị Nga đã thiết kế quán theo hình con thuyền, bên ngoài trang trí mái chèo, bên trong quầy bar có dáng mũi thuyền hướng ra sông. Vật dụng trang trí làm từ gỗ, ván và mạn thuyền cũ nhuốm màu thời gian. Đặc biệt chiếc bánh lái của ghe bầu xưa được chủ quán cất công tiềm kiếm, sưu tầm về đặt tại vị trí giữa quán như nhắc nhớ câu chuyện về cuộc đời sông nước của người Hội An xưa.
Chu An có 2 tầng, tầng trên mang không gian ấm áp tựa như một bong thuyền, bên ngoài là ban công hướng ra sông Hoài. Du khách ngồi ở ban công có thể nhìn trọn chiếc cầu An Hội bắt qua phố đêm, xem hát bài chòi và ngắm dòng người tất nập “trên bến dưới thuyền” thưởng ngoạn phố. Không gian tầng dưới được trang trí tinh tế, mang hơi hướng phố Nhật xưa với các bức tranh trong “Châu Ấn thuyền Giao Chỉ độ hàng đồ quyển”. Bàn ghế gỗ được lựa chọn cẩn thận, theo nhiều phong cách giúp du khách thoải mái thư giãn, trải nghiệm.
Ngoài ra, Chu An tạo ấn tượng khi nằm ở vị trí giao nhau giữa các tuyến đường Bạch Đằng - Nguyễn Thái Học - Châu Thượng Văn nối đến cầu An Hội và Chùa Cầu, biểu tượng không gian văn hóa Việt - Nhật tại Hội An ngày nay. Thức uống ở đây khá đa dạng, ngoài cà phê đặc sản - fine robusta, cà phê dừa, quán còn phục vụ các món cold brew (cà phê ủ lạnh trái vải, cam sả, dứa), trà (trà đen đào vải, đào, mứt thanh yên mật ong, trà olong thanh long, sen vàng, trà lài, cam quế), nước ép trái cây và bia bản địa… Bên cạnh đó, Chu An còn có các loại bánh ngọt, mặn, ăn nhẹ phục vụ du khách dành thời gian ngồi ngắm sông Hoài và những vạt nắng bên sông.
HUỲNH LÊ