Từ huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái), chúng tôi vượt đèo Khau Phạ về huyện Văn Chấn thưởng thức cốm Tú Lệ giữa mùa thu lúa chín vàng. Đèo Khau Phạ cùng với đèo Pha Đin, đèo Ô Quy Hồ, đèo Mã Pì Lèng là “tứ đại đỉnh đèo” ở vùng cao Tây Bắc. Theo tiếng dân tộc, đỉnh núi này có nghĩa là “Sừng Trời” - chiếc sừng núi nhô lên tận trời, quanh năm sương mù luôn phủ trắng đỉnh đèo. Khau Phạ cũng là điểm phân chia ranh giới giữa hai huyện Mù Cang Chải và Văn Chấn.
Món xôi nếp Tú Lệ ăn kèm với thịt bản nướng luôn hấp dẫn du khách. Ảnh: Đ.H.L |
1. Với chiều dài khoảng 30km, ở độ cao 1.200m, thời tiết đèo Khau Phạ mát mẻ quanh năm. Khi đi phượt đến đây du khách dễ dàng cảm nhận được một ngày có 4 mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Nhưng để chiêm ngưỡng toàn cảnh vẻ đẹp hùng vĩ, nên thơ ở Khau Phạ thì nên đi vào tháng 9, 10. Đây cũng là thời điểm chúng tôi ghé qua trong chuyến hành trình Tây Bắc để ngắm những ruộng bậc thang chín vàng từ nhiều độ cao khác nhau, trên những cung đường uốn lượn quanh co giữa cánh rừng già nguyên sinh.
Mùa này, đèo Khau Phạ sương mù bao phủ dày đặc và khá lạnh như ở Sa Pa, nhất là đoạn qua đỉnh đèo rất nguy hiểm vì không nhìn rõ mặt đường. Do độ cao thấp khác nhau của đường đèo nên thời tiết nơi đây mưa nắng thất thường. Khi đi qua những ngọn đồi, chúng tôi có thể chứng kiến cảnh mùa đông buốt giá nơi đỉnh đèo nhưng lại gặp mùa thu mát mẻ khi ở tầng thấp hơn. Hòa mình trong khung cảnh núi rừng hùng vĩ là những biển mây trắng xóa và những ruộng lúa bậc thang chín rực, thấp thoáng sau vạt nắng chiều.
Hiện nay đèo Khau Phạ có thêm dịch vụ trải nghiệm nhảy dù từ trên cao xuống dưới chân đèo để du khách có thể tận hưởng trọn vẹn cảnh đẹp nơi đây. Khi đi qua đỉnh đèo sương mù bao phủ, chúng tôi không nhìn thấy rõ các hoạt động này nhưng lúc xuống thấp thỉnh thoảng vẫn bắt gặp những chiếc xe máy chở dụng cụ nhảy dù lên đỉnh cho vận động viên sau khi họ đã hoàn tất nhảy dù.
Đến với Mù Cang Chải, vận động viên nhảy dù và phượt thủ không thể bỏ qua các món ăn yêu thích như thịt lợn rừng kẹp nướng, táo mèo, xôi ngũ sắc chấm lạc Tú Lệ, cua sống rang muối… Đặc biệt, cốm Tú Lệ nổi tiếng cả vùng Tây Bắc bởi vị dẻo thơm ngọt ngào đặc trưng không đâu có. Bởi thế mà không ít chuyên gia ẩm thực đặt tên cho cốm Tú Lệ là một trong những “đệ nhất tinh hoa ẩm thực” Tây Bắc.
2. Cứ đến đầu tháng 10, dưới chân đèo Khau Phạ, lúa nếp non trên những thửa ruộng bậc thang Nà Loóng, Pom Ban, Bản Côm, Púng Xổm... của xã Tú Lệ (huyện Văn Chấn) hay ở các bản Lìm Mông, Lìm Thái của xã Cao Phạ (huyện Mù Cang Chải) vừa gặt xong, người dân tộc Thái lại hối hả giã cốm. Được thiên nhiên ưu đãi khi nằm giữa ba ngọn núi Khau Phạ, Khau Thán và Khau Song, thung lũng Tú Lệ trồng được những hạt gạo nếp Tan thơm ngon, bùi dẻo.
Theo người dân nơi đây, nếp Tú Lệ thơm ngon là do khí hậu mát mẻ quanh năm, biên độ giữa ngày và đêm chênh lệch nhau rất lớn nên năng lượng cây lúa tích trữ được rất cao. Bên cạnh đó, những yếu tố tự nhiên về thổ nhưỡng như đất có nhiều mùn và khoáng chất, dòng suối chảy từ đỉnh đèo Khau Phạ xuống trong vắt, đã tạo nên hương vị đặc trưng của hạt gạo nếp Tú Lệ.
Để làm ra những mẻ cốm dẻo, xanh, thơm ngọt, đồng bào Thái ở Yên Bái làm cốm theo cách truyền thống. Từ sớm tinh mơ, những cô gái Thái ra đồng lựa chọn những bông lúa to tròn, căng mẩy nhưng thân rơm vẫn còn xanh, gặt về rồi tuốt bằng tay một cách kỳ công và cẩn thận. Sau đó đem ngâm trong nước lạnh để loại bỏ những hạt lép. Lúa làm cốm phải đang trong thời kỳ uốn câu, đầu hạt vẫn còn chút sữa, vỏ hơi lam vàng và chưa chín hết. Hạt lúa non tuốt xong đem đi rang ngay để cốm ra lò vẫn giữ được độ xanh ngon. Chảo rang thường làm bằng gang đúc, khi rang để lửa nhỏ, đảo liên tục sao cho nóng đều, đợi nguội rồi mới đem đi giã. Nhờ vậy, cốm Tú Lệ giữ được độ mềm dẻo, thơm ngon và không bị cháy. Khi giã phải nhịp đều chân, không được dùng lực quá mạnh hoặc quá nhẹ. Sau khi giã hết vỏ trấu, cốm sẽ được múc ra khỏi cối để sảy. Công đoạn này lặp đi lặp lại cho đến khi hạt cốm dẹt đều, tròn và không còn vỏ trấu.
Điều khác biệt so với các loại cốm khác là cốm Tú Lệ có màu xanh ngắt tự nhiên đặc trưng của lúa. Hạt cốm dẻo thơm; hậu vị có một chút đắng rồi chuyển sang thanh và hơi ngọt. Chính vì vậy mà cốm Tú Lệ được người dân khắp nơi ưa chuộng. Ngay cả khi chúng tôi đến địa phận thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái nghỉ chân qua đêm vẫn còn được thưởng thức xôi Tú Lệ với hạt nếp to tròn, trắng trong ăn kèm thịt lợn nướng thơm phức. Bà chủ quán người Thái khuyên chúng tôi nên ăn bóc bằng tay mới cảm nhận hết vị thơm ngon của xôi nếp Tú Lệ.
Cốm Tú Lệ không chỉ là tinh hoa của đất trời, mà còn có cả tình yêu, hồn đất, hồn người gửi gắm vào trong đó. Du khách một khi đã nếm thử thì khó có thể cưỡng lại mùi hương cốm xanh dẻo thơm, ngọt ngào, được ví như vẻ đẹp quyến rũ của người con gái Thái có làn da trắng ngần, áo cỏm lưng thon của vùng đất Tây Bắc này.
ĐOÀN HẠO LƯƠNG