Để thức tỉnh ý thức

.

Chủ nhật tuần thứ 3 của tháng 11 hằng năm đã trở thành “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông” trên toàn cầu. Ngày mới bắt đầu cũng là khởi đầu của nhiều hành trình tham gia giao thông trên toàn thế giới. Nhưng, vẫn còn đó nhiều hơn những nỗi đau, sự mất mát bởi tai nạn giao thông. Tưởng niệm cũng là cách để chúng ta thức tỉnh từ tâm thức hành động của mình, vì sự an toàn tính mạng của bản thân và toàn xã hội.

Hãy cùng hành động

Tai nạn giao thông là một trong những thảm họa mang tính toàn cầu, diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi trên thế giới. Nhìn vào những con số thống kê về tai nạn giao thông đã từng công bố, chúng ta không khỏi lắng lòng và bất an. Trên thế giới, mỗi ngày có hơn 3.500 người tử vong và khoảng 100.000 người bị thương do tai nạn giao thông đường bộ. Từ năm 1993, Tổ chức Hòa bình Đường bộ (Road Peace) đã khởi xướng “Ngày thế giới tưởng nhớ các nạn nhân tai nạn giao thông đường bộ”. Đến ngày 27-10-2005, Đại hội đồng Liên hợp quốc chính thức công nhận và chọn ngày Chủ nhật thứ ba của tháng 11 hằng năm là Ngày tưởng nhớ trên phạm vi toàn cầu.

Tại Việt Nam, theo thống kê, từ năm 2009-2021, toàn quốc  xảy ra hơn 361.000 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết hơn 113.000 người, bị thương hơn 356.000 người, chiếm hơn 97% số vụ, số người chết, người bị thương trong tổng số vụ tai nạn của các loại hình giao thông, gây thiệt hại rất lớn về tài sản.

Trung bình hằng năm có gần 9.000 người chết, gần 30.000 người bị thương, trong đó chủ yếu trong độ tuổi lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội; đáng chú ý, nguyên nhân gây tai nạn giao thông do lỗi của người tham gia giao thông chiếm trên 90% số vụ.  Sáu tháng đầu năm 2022, toàn quốc xảy ra 5.703 vụ tai nạn giao thông, làm chết 3.314 người, bị thương 3.690 người.

Tình trạng ngang nhiên vi phạm, coi thường pháp luật khi tham gia giao thông vẫn diễn ra phổ biến, văn hóa giao thông còn nhiều yếu kém, bất cập, giao thông hỗn hợp mất an toàn vẫn là nỗi ám ảnh với người tham gia giao thông, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Hằng năm, Việt Nam và các quốc gia trên thế giới tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông” nhằm tưởng nhớ những đồng bào không may qua đời vì tai nạn giao thông. Để giảm thiểu tai nạn giao thông hằng năm, Việt Nam đều triển khai năm An toàn giao thông với từng chủ đề cụ thể. Và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia thông qua chương trình “Người bạn đường” góp tiếng nói tri ân đến lực lượng chức năng và tưởng niệm những người đã không thể trở về nhà do tai nạn giao thông.

Nến, hoa tưởng niệm và thức tỉnh

Việt Nam, với những nỗ lực không ngưng nghỉ để giảm thiểu những tổn thất nặng nề về tai nạn giao thông. Năm 2012, lần đầu tiên Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phát động kế hoạch hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông” và từ đó đến nay, sự kiện được tổ chức thường niên trong phạm vi cả nước nhằm cảnh báo xã hội về thảm họa tai nạn giao thông. Đây cũng là thời khắc mà mỗi người, bằng cách này hay cách khác, lắng lại, nguyện cầu và bày tỏ niềm thương xót với những nạn nhân xấu số đã thiệt mạng khi tham gia giao thông, đồng thời chia sẻ những đau thương, mất mát, gánh nặng với người thân của họ.

Mỗi địa phương trong cả nước đều tổ chức nhiều hoạt động tưởng nhớ, bằng nhiều chương trình cụ thể, ý nghĩa. Với thông điệp “Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại”, mỗi chúng ta phải thức tỉnh, thay đổi và thích ứng để bảo vệ cuộc sống của chính mình, của người thân và của đồng bào từ việc nâng cao ý thức của bản thân khi tham gia giao thông mà trước hết, hãy là người tham gia giao thông thông minh và đúng luật.

Tại Đà Nẵng, những năm gần đây, việc tuyên truyền về ý thức tham gia giao thông đặc biệt đối với học sinh mọi lứa tuổi, được chính quyền thành phố và các ngành chức năng đặc biệt chú trọng. Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố phối hợp ngành giáo dục thành phố tổ chức các buổi tuyên truyền về pháp luật, luật giao thông cho hàng nghìn lượt học sinh các cấp. Tại các buổi tuyên truyền, các em được nghe phổ biến các kiến thức, quy định pháp luật về Luật Giao thông đường bộ nhằm nâng cao nhận thức và ý thức khi tham gia giao thông ngay từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường.

Song song đó là các cuộc triển lãm nghệ thuật, các chương trình tuyên truyền trực quan sinh động về vấn nạn giao thông, lan tỏa hình ảnh, hành động đẹp về an toàn giao thông, lên án gay gắt, xử phạt nặng các trường hợp vi phạm an toàn giao thông…

Mỗi nỗ lực đều hướng tới mục đích cuối cùng là toàn xã hội chung tay hành động vì an toàn tính mạng của mỗi người, kéo thấp nhất tỷ lệ vụ việc liên quan đến tai nạn giao thông. Tháng 10-2022, UBND thành phố có văn bản yêu cầu các thủ trưởng, lãnh đạo không can thiệp, tiếp nhận can thiệp việc xử lý vi phạm của lực lượng chức năng các cấp; các trường hợp cán bộ, nhân viên trực thuộc vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, gây tai nạn giao thông phải tổ chức kiểm điểm, xem xét trách nhiệm cá nhân…

Cuộc sống là món quà mà tạo hóa ban tặng với muôn vàn ý nghĩa. Tai nạn giao thông trở thành vấn đề toàn cầu, buộc tất cả chúng ta phải thức tỉnh và hành động ngay khi còn có thể.

BẢO KHÁNH

;
;
.
.
.
.
.