Chuyện cách đây khá lâu nhưng người dân ở đây vẫn còn kể mãi.
Ngày đó, rừng còn thâm u, chưa có những con đường bê-tông dẫn vào các xóm. Vào một năm trời hanh, ít mưa, mùa thu khô lạnh đến mức tưởng như có thể dùng tay bốc lên từng vốc không khí. Một mồi lửa từ đâu lan tới thiêu rụi mấy gian nhà tranh tre, để lại một đống than âm ỉ và làn khói đen ma quái. Thầy Đạm ngồi thẫn thờ trên mỏm đá nhìn xuống thung lũng, khuôn mặt thất thần nhìn đàn chim sẻ non mất tổ nháo nhác chuyền cành khi bóng đêm dần ập xuống.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Cách đó không xa, lão Khảnh - thầy bói già ngồi dưới gốc cây, thấy mấy người đi dập đám cháy về, lão gọi:
- Làm gì mà phải nhem nhuốc thế. Có phải nhà các ông, các bà đâu.
- Thì là lớp của trẻ con. Thấy còn cứu được phải cứu chớ.
Lão Khảnh đắc ý châm một điếu thuốc, rít lấy rít để và thuyết lí:
- Tôi đã nói mà các người có nghe đâu, đất này không dựng được trường. Lần này là lần thứ ba cháy điểm trường rồi. Ông, bà nào đi giúp thầy Đạm thì sẽ bị quả báo.
Từ hôm ấy, chẳng còn thấy ai bàn góp gỗ lạy dựng trường nữa dù thầy Đạm đã hết lời. Ngành giáo dục lúc đó thiếu kinh phí, đám học trò tứ tán. Đứa nào nhà dưới thung thì sang học bên Yên Bình, Yên Lập, đưa nào nhà phía trên thì đi tắt qua chỗ núi đá thắt như cái yên ngựa để sang học bên Chiềng An. Người ở núi nhìn con chim bay sang nhau thì gần mà đến được với nhau phải vòng vèo đến là xa…
Một ngày, những người đi nương thấy có một cái lán nhỏ mọc lên ở lưng chừng con dốc Àn. Vì thấy có kí hiệu nêu nhận chỗ nên chẳng ai dám lại gần. Càng ngày, cái chòi ấy như càng lớn dần, bọn trẻ đi hỏi người lớn, người trẻ đi hỏi người già… chẳng ai biết.
Từ ngày điểm trường bị cháy rụi, trong vùng có một cậu bé tên Quyết phải ở nhà giúp cha mẹ làm việc. Quyết nghe mẹ bảo đi học mất cả ngày đường, tối về cũng đâu có gạo bỏ vào nồi. Cái chữ còn đấy, không học bây giờ thì nó có mất đi đâu chứ không đi phát nương, làm cỏ thì lấy gì mà ăn?
Quyết buồn, nhưng giờ bốn phía là rừng xanh và đá núi. Có lần, Quyết tìm về cái nền trường cũ đã thấy cỏ mọc lên xanh um, muốn tìm một mẩu bút chì cũ, một mẩu phấn hay là vật gì mang dấu ấn trường xưa cũng không được nữa. Giấc mơ tới trường cứ ám ảnh trong tâm trí cậu.
Một đêm, Quyết nằm mơ thấy mình đang đi dưới nắng vàng. Đám cỏ rậm rạp đã biến mất, ở chỗ lưng dốc Àn có những nóc nhà mọc lên. Các bạn lại í ới gọi nhau. Quyết vùng dậy, cố dụi mắt nhưng càng dụi càng thấy mắt mình nhòe đi. Từ cửa sổ nhà sàn, cậu nhìn ra ngọn đồi dưới trăng sáng vằng vặc vẫn chỉ thấy một khoảng trống mênh mông mờ đục trong sương khuya. Cậu bé thấy chán nản.
Nhưng sáng hôm sau thức dậy, Quyết thấy như có sự mách bảo, cậu quyết tìm ra bí mật của cái chòi ở lưng dốc ấy. Đêm, khi các nhà đã ngủ say, Quyết lén lần ra đến cái lán đó nhưng nghĩ đến dấu nêu nhận nên lưỡng lự không dám bước đến gần. Bỗng cậu thấy một bóng đen từ xa tiến lại, dù cách một đoạn khá xa vẫn nghe thấy tiếng thở hồng hộc của người đang leo quá sức. Người đó vác cây gỗ đi vào lán, loáng cái, đã chẳng thấy đâu, như một bóng ma. Hay là người ta giấu hàng lậu?.
Nghe Quyết kể xong, ông Tâm trưởng xóm trầm ngâm:
- Người đó muốn gì nhỉ? Nhưng nếu giấu hàng cấm thì chỗ ấy lộ liệu quá. Thôi, để ông bàn với chú Lành ở xã để theo dõi.
Một chiều đi làm về, Quyết nghe thấy tiếng chim kêu chiêm chiếp phía sau nhà. Cậu chạy ra xem thì thấy có một con chim sẻ bị thương ở cánh đang cố bỏ chạy trước mèo con tinh nghịch. Ban đầu, cậu nghĩ nó bị ai bắn bằng súng cao su nên có ý đợi người đến lấy nhưng khi nghe chú chim kêu thảm thiết quá, cậu đành bỏ nó vào lồng. Còn nhớ, ngày trước thầy Đạm đã từng nói: “Phải biết thương xót những con vật bé nhỏ nhất”. Quyết cho nó ăn thóc nhưng con chim có vẻ yếu. Nhớ ra bài thuốc lá cây ông Tâm đã dạy, phàm là người hay con vật nếu được đắp lá đúng cách đều chữa được xương, khớp.
Được Quyết đắp thuốc và chăm sóc, ít ngày sau, chú chim bắt đầu khỏe lên, nhảy nhót trong lồng. Quyết vừa muốn thả nó ra để về với đàn, lại vừa thấy lưu luyến vì những ngày qua được vuốt ve, chăm sóc nó. Cậu lẩm bẩm bên cái lồng chim: “Sẻ à, mày còn đàn không? Đàn của mày ở đâu sao tao không thấy…”.
Nói rồi, chính cậu lại nhớ những mái nhà tranh của điểm trường. Dưới mái tranh đó, trong những ống tre là tổ chim sẻ. Nhưng khi ngọn lửa bùng lên thiêu rụi, không biết đàn sẻ ấy đã đi đâu, cũng như những người bạn đã mỗi người một ngả. Có nhiều bạn lang thang đi về thị trấn làm thuê, có bạn không may bị kẻ xấu dụ dỗ thành nghiện ngập.
Chiều nay, lại thấy ông Tâm và các chú thì thào to nhỏ chuyện gì đó nhưng Quyết không nghe được.
Đêm nay trăng không tỏ, sương lạnh mờ đục, ông Tâm cùng mấy người rình quanh lán. Khi những ánh đèn pin đều chiếu vào một điểm thì người ta thấy khuôn mặt ngơ ngác của thầy Đạm. Nhưng rồi, khi nghe thầy kể thì họ đều sững sờ.
Chẳng cần nói gì nhiều, người miền núi vẫn ưa bước chân đi, bàn tay phát nương, tra hạt hơn cái miệng nói lời nước lã. Từ sớm hôm sau, người thì đẽo vỏ cây, người xẻ gỗ, đục đẽo… chẳng mấy chốc những cái khung nhà được dựng lên, lần này thay bằng tranh tre là ngói đỏ được chuyển đến.
Nhiều năm sau, người dân trong bản vẫn truyền tụng câu chuyện ngày ngày thầy Đạm vác gỗ qua con dốc Àn Mạ, nuôi giấc mơ phục dựng lại điểm trường. Nhớ cái đêm cánh đàn ông “bắt quả tang” thầy, có người còn lo sợ tìm đến hỏi lão thầy bói già. Biết chuyện ấy, thầy Đạm đã đem lại niềm tin cho họ bằng một câu nói: “Mình không dựng lại điểm trường thì lũ trẻ sẽ không có chữ. Chữ như con đường dẫn mình đi xa, cái mắt mình nhìn được xa sẽ biết cách làm no cái bụng. Không có chữ thì sẽ như người không nhìn thấy gì, quanh quẩn nhặt quả rụng dưới gốc cây…”.
Thấy những mái ngói đỏ tươi trong nắng, đàn chim sẻ từng đàn bay về ríu rít, người trên bản, dưới thung cũng thấy lòng khấp khởi. Tối tối, thầy Đạm và ông Tâm đến từng nhà vận động những đứa trẻ trở lại đi hoc. Nhiều người còn xuống tận phố huyện đón con về học. Thầy Đạm và các thầy cô nhìn học trò trở lại trường thì vui lắm. Nhiều em ngày nào còn bé con, gầy yếu giờ đã cao lớn lộc ngộc nhưng lại quên gần hết con chữ.
Nhìn trước ngó sau, vẫn chưa thấy cậu bé Quyết đi học. Thầy Đạm hỏi thăm, các bạn bảo cậu vẫn phải theo bố mẹ đi nương. Với cả, lâu không đi học, cậu sợ học kém bị các bạn chê cười. Sáng chủ nhật, thầy Đạm đến nhà Quyết, thấy cậu đang cầm cái lồng chim treo lên cành cây, thầy nhỏ nhẹ:
- Sao em không cho chú chim sẻ này về lại đàn của mình. Thầy thấy chú chim này được em chăm sóc lông mượt mà, béo tốt nhưng có vẻ không hào hứng khi phải sống trong chiếc lồng này đâu…
- Vì em nuôi nó từ bé, sợ thả ra nó sẽ không biết kiếm mồi.
Thầy Đạm xoa đầu Quyết:
- Sau này em đi học lên lớp cao hơn em sẽ hiểu. Chú chim sẻ này cũng như chúng ta, dù được ăn no, mặc ấm mà sống lủi thủi một mình thì sẽ buồn. Chỉ khi nào được hòa nhập với cộng đồng, cùng đi kiếm mồi, cùng vượt qua đèo cao, thung rộng như thế mới cứng cáp, trưởng thành.
Lão Khảnh có đứa cháu nội đã lên tám tuổi mà chưa biết chữ. Con cái đi làm ăn xa, lão cũng muốn đưa cháu đến trường nhưng lại sợ người dân chê cười. Biết chuyện, ông Tâm và thầy Đạm đến nhà chơi, còn mang theo một ít giống cây trồng mới, thầy Đạm bảo:
- Biết ông mát tay, nhờ ông đầu xuân qua gieo ít bí đỏ để bữa trưa các cháu nhà xa có thêm món rau để cải thiện.
- Ôi, sao tôi dám, cái miệng tôi nói ra còn chết cây đấy…
- Làm gì có chuyện đó - thầy Đạm ôn tồn - chỉ cẩn cái tâm của mình sáng tỏ thì mọi việc sẽ thuận lợi ông Khảnh à. Tiện đây, ông cho cháu Xinh đi học nhé, cô bé xinh xắn thế mà biết chữ là về sau ông được nhờ đấy.
Sáng ấy, khi những tia nắng ánh lên phía mỏm núi, Quyết đeo cái túi thổ cẩm, trong đó có quyển vở mới thầy Đạm vừa cho hăm hở leo dốc Àn tới lớp. Quyết thấy nhiều bạn bè cũ vui lắm, có cả con bé Xinh nhà ông Khảnh cũng đang đeo cái túi xách chạy lon ton trên cái sân mới được san sửa. Trước khi đi, cậu không quên mở cửa lồng cho con chim sẻ bay đi. Giờ thì cậu đã nhìn rõ thấy đàn sẻ đang ríu rít trên mái ngói đỏ tươi trong nắng mới…
BÙI VIỆT PHƯƠNG