Nghề giáo từng được tờ The Guardian (Anh) và trang web việc làm trực tuyến Careerbliss.com (Mỹ) đưa vào danh sách nghề hạnh phúc nhất thế giới, dựa trên niềm vui, sự tôn trọng mà người thầy nhận được trong hành trình đứng trên bục giảng.
Hạnh phúc trong nghề giúp cô Mỹ Thanh tiếp tục sự nghiệp giảng dạy sau khi về hưu. Ảnh: T.Y |
“Để trở nên hạnh phúc, thầy cô cần nuôi dưỡng tình yêu nghề, yêu người, suy nghĩ tích cực, xem mỗi rào cản là một thử thách và vượt qua bằng thái độ bình thản, không phán xét. Chính sự lắng nghe, thấu hiểu của thầy cô sẽ giúp học trò giảm bớt áp lực, mạnh dạn chia sẻ và hạnh phúc hơn trong việc học”, TS. Nguyễn Thị Mỹ Thanh (SN 1962), Phó trưởng khoa Du lịch, Đại học Kiến Trúc Đà Nẵng chia sẻ quan điểm của chị về nghề giáo.
1. TS. Nguyễn Thị Mỹ Thanh luôn cười thật tươi khi kể về học trò. Với chị, gần 40 năm đứng lớp quá dài để có thể nhớ hết những kỷ niệm đẹp mình đã đi qua. Thế nhưng, có một điều chị luôn chắc chắn, đó là: “Tôi hạnh phúc với nghề giáo. Đôi khi, tôi nghĩ rằng mình thật may mắn khi chọn môi trường sư phạm ngay khi ra trường”.
Năm 1985, tốt nghiệp cử nhân Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Huế (nay là Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế), chị Thanh trở thành giảng viên bộ môn Mác - Lê nin trước khi chuyển sang giảng dạy tại khoa Quản trị Kinh doanh, khoa Thương mại - Du lịch (Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng). Từng đó năm đứng trên bục giảng, điều chị Thanh hướng đến là mang lại môi trường sư phạm lành mạnh, nhiều niềm vui cho học trò.
Trong mỗi bài giảng, mỗi tình huống sư phạm, chị đều chọn cách thuyết phục, trò chuyện, thay vì áp đặt suy nghĩ của mình vào người khác. Chị bảo, mỗi ngày mình đều đi làm trong tâm thế yêu nghề, yêu trò, suy nghĩ tích cực, không phán xét, “không dán nhãn” và xem các tình huống sư phạm là cách giúp mình bồi đắp nghiệp vụ chuyên môn.
“Tôi cho rằng, mỗi quyết định của người giáo viên có thể ảnh hưởng đến tâm lý người học, thậm chí tạo ra những khoảng cách không đáng có giữa thầy và trò. Chưa kể, người học sẽ khó lĩnh hội kiến thức khi đối mặt với những rạn nứt trong mối quan hệ với thầy cô. Mỗi học viên có một hoàn cảnh và tính cách khác nhau, nếu không thấu hiểu và cảm thông, người thầy sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ của mình”, chị nói.
Hạnh phúc cùng nghề giáo, chị Mỹ Thanh không chọn cách nghỉ ngơi mà tiếp tục theo đuổi sự nghiệp trồng người tại môi trường mới - khoa Du lịch, Đại học Kiến trúc - sau ngày về hưu. Cùng với đó, chị dành thời gian tham gia các khóa đào tạo kỹ năng giao tiếp phi ngôn ngữ chuyên nghiệp cho sinh viên, người lao động; tập huấn nâng cao tâm thế nghề, kỹ năng phục vụ, kỹ năng giao tiếp cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch; trở thành thủ lĩnh hành trình kiến tạo Văn hóa đọc - Trí tuệ Việt Nam tại Đà Nẵng (thuộc dự án phi lợi nhuận Cộng đồng Sống tử tế GNH)…
Bên cạnh công việc của người thầy, người phụ nữ nhỏ nhắn, vừa chạm ngưỡng tuổi 60 còn là tấm gương học tập không ngừng nghỉ, bởi theo chị, nếu không tiếp tục học, sẽ không đáp ứng những kỳ vọng ngày càng cao của học trò. Đặc biệt, 2 năm trở lại đây, chị tham gia nhiều khóa học trực tuyến như “Thiết kế cuộc đời”, “Hành trình cải thiện giọng nói”, “Kỹ năng coaching” (kỹ năng huấn luyện)… Mục tiêu của chị là tiếp tục thử thách và hoàn thiện bản thân để các tiết giảng thêm sôi động, hấp dẫn và tạo niềm vui cho người học.
2. Cùng quan điểm đó, cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Uyển (SN 1970), Trường THPT Phan Châu Trinh nói, người thầy muốn hạnh phúc, trước hết phải làm cho học trò hạnh phúc, sẵn sàng mang tới môi trường giáo dục lành mạnh, nhiều tình thương. Ngay cả việc giúp đỡ học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn, cũng biết chọn cách để các em không cảm thấy tổn thương, thấp kém so với bạn bè.
Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Uyển trong vòng tay học trò. Ảnh: T.Y |
Trước khi chuyển về công tác tại Trường THPT Phan Châu Trinh, chị Ngọc Uyển có hơn 15 năm giảng dạy tại Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu và Trung tâm Giáo dục thường xuyên thị xã Điện Bàn (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) - nơi chị chắp cánh ước mơ cho nhiều thế hệ học trò. Trong số đó, có cậu học trò khiếm thị Nguyễn Văn Chính, được chị cưu mang suốt ba năm học cấp 3.
Chị Uyển kể ngày đó, chị nhận công tác chủ nhiệm lớp 10, trong lớp có em học trò khiếm thị, theo học vài hôm thì nghỉ vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Biết chuyện, chị tìm đến nhà động viên, cùng người bạn hỗ trợ học phí 3 năm học; ở lớp, chị dành sự quan tâm, chậm rãi giảng bài giúp em theo kịp chương trình học.
Chị cho hay, thay đổi môi trường làm việc giúp bản thân nhận ra dù ở đâu, chỉ cần lấy tình thương, sự ân cần và thái độ tôn trọng đối đãi với học trò, chị đều nhận về những chân tình tương tự. “Bên cạnh các em, tôi như được trở về thời thơ trẻ, hồn nhiên, vui tươi và đầy nhiệt huyết. Với tôi, niềm hạnh phúc trong nghề là thấy các em trưởng thành và biết quan tâm, giúp đỡ người khác”, chị Uyển bộc bạch.
Sau bao năm đứng trên bục giảng, trong mái ấm của mình, chị dành một góc nhỏ trưng bày những món quà mộc mạc, nhỏ xinh học trò dành tặng, như 42 ngôi sao bằng giấy ghi bên trong những câu chúc dễ thương của 42 học sinh lớp 12/14 (năm học 2019 - 2020); hay những món đồ thủ công được các em tỉ mỉ thực hiện. Chị nói: “Khi nhìn vào những món quà nhỏ chứa đựng tình cảm thầy trò, tôi thật sự vui và hạnh phúc. Nhiều khi, đang đi đâu đó, chợt nghe tiếng “em chào cô” của họ trò cũ mà vui suốt đường về”.
3. Nghề giáo mang lại không ít niềm vui nhưng cũng không thiếu những áp lực đè nặng. Thấu hiểu điều này, những năm gần đây, ngành giáo dục thành phố chủ trương cải thiện môi trường làm việc cho giáo viên, như loại bỏ khoảng 50% các cuộc thi không cần thiết, giảm nội dung báo cáo, thống kê, hội họp hoặc lồng ghép nhiều nội dung trong một cuộc họp để tiết kiệm thời gian…
Bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết, hành trình xây dựng môi trường làm việc hạnh phúc cho người thầy không dễ và cần thời gian. Do đó, chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giảng dạy, quản lý giáo dục thời gian qua phần nào giúp giáo viên giãn thời gian làm việc, tập trung vào công tác chuyên môn. Đồng thời, các hoạt động trải nghiệm, dã ngoại được tổ chức thường xuyên tạo không gian kết nối tình cảm thầy trò, giúp người trong cuộc có thời gian trò chuyện, chia sẻ, thậm chí giải tỏa khúc mắc.
Cũng theo bà Thuận, quan điểm “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” hiện đang áp dụng với cả thầy và trò - những người xem mái trường là ngôi nhà thứ 2. Các giải pháp đặt ra hướng đến mục tiêu nâng cao năng lực, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của các cơ sở giáo dục; từ đó, giúp thay đổi nhận thức, thái độ học tập của học sinh.
“Ở cương vị người thầy, học sinh hạnh phúc cũng giúp chúng tôi hạnh phúc. Để đồng hành cùng giáo viên và học sinh, chúng tôi đang đẩy mạnh công tác tư vấn tâm lý học đường, các hoạt động giáo dục kỹ năng cho học sinh; giúp đỡ, định hướng các em có nguy cơ bỏ học, xâm hại, bạo hành, vi phạm nội quy; kịp thời lắng nghe, theo dõi, nắm bắt tình hình để có giải pháp hỗ trợ, can thiệp, xử lý kịp thời các hành vi bạo lực học đường. Tôi mong rằng, những nỗ lực này giúp môi trường giáo dục ở Đà Nẵng thêm hạnh phúc, trở thành nơi lan tỏa những giá trị tốt đẹp”, bà Thuận cho hay.
Cũng xem hạnh phúc là điều cần quan tâm nhất trong môi trường giáo dục, mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Đài Truyền hình Việt Nam, nhãn hàng LOF (Công ty CP Sữa quốc tế IDP) tổ chức hội thảo “Thay đổi vì một trường học hạnh phúc năm 2022” với chủ đề Chọn yêu thương - Chọn hạnh phúc. Tại đây, nhiều chuyên gia cho rằng muốn xây dựng trường học hạnh phúc cần chú trọng đến các giá trị đạo đức, dành không gian vui vẻ, yêu thương và tôn trọng cho học sinh, đồng thời giảm bớt áp lực cho đội ngũ đứng trên bục giảng.
Mỗi thầy cô đều có lý do chọn theo nghề giáo, nhưng lý do đầu tiên và hơn cả là tình yêu học trò. Đây là sợi dây gắn kết, giữ người thầy ở lại với trường, với lớp, với học trò giữa bao áp lực nghề nghiệp. Nhiều người nói rằng, hạnh phúc không tự nhiên mà có, để xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, nhiều yêu thương, mỗi thầy cô đều đang cố gắng từng ngày. Những nỗ lực ấy cần được xã hội ghi nhận, động viên, giúp mỗi giáo viên tự tin hơn ở nơi họ đã dành trọn cuộc đời để cống hiến.
TIỂU YẾN