TRI ÂN THẦY CÔ

Người lái đò thầm lặng

.

“Có một nghề bụi phấn bám đầy tay/ Người ta bảo đó là nghề trong sạch nhất/ Có một nghề không trồng cây vào đất/ Mà mang lại cho đời đầy trái ngọt hoa tươi” (Có một nghề như thế - Đinh Văn Nhã). Hơn 35 năm đứng trên bục giảng, nhà giáo ưu tú Trần Thị Minh Thê không nhớ hết đã chở bao nhiêu chuyến đò sang sông, nhưng mỗi dịp đến Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), cô lại rưng rưng nhớ về học trò của mình như những kỷ niệm đẹp nhất trong quãng đời dạy học.

Nhà giáo ưu tú Trần Thị Minh Thê bồi hồi xúc động khi xem lại các bức ảnh lưu giữ kỷ niệm những năm tháng dạy học. Ảnh: Đ.H.L
Nhà giáo ưu tú Trần Thị Minh Thê bồi hồi xúc động khi xem lại các bức ảnh lưu giữ kỷ niệm những năm tháng dạy học. Ảnh: Đ.H.L

Nghỉ hưu hơn 20 năm, cô Trần Thị Minh Thê (phường Thanh Bình, quận Hải Châu) vẫn toát lên vẻ nho nhã, thanh cao. Với vóc dáng nhỏ nhắn, giọng nói ấm áp và từ tốn ấy, mấy ai biết rằng, cô Thê đã có một thời sống hết mình với đam mê nghề giáo khi dạy học dưới bom đạn và đưa các em học sinh đi sơ tán ra khỏi vùng chiến sự ác liệt Vĩnh Linh (Quảng Trị) cũng như chăm lo, giáo dục các em nhỏ sau hòa bình lập lại.

Vượt bom đạn đi sơ tán

Vừa tốt nghiệp Trường Trung học Sư phạm ở Cửa Tùng (Quảng Trị) vào năm 1966, cô Thê được phân công về vùng chiến trường ác liệt Vĩnh Linh dạy học sinh lớp 3, lớp 4 để rèn luyện thử thách khi đang là đối tượng Đảng. Chiến trường lúc đó đạn pháo bắn rào rào, rung chuyển cả bầu trời. Cô tận mắt chứng kiến 2 trận B52 rải thảm trên mảnh đất này.

“Hồi đó, bộ đội đóng quân ở xã Vĩnh Chấp rất nhiều nên nơi đây có nhiều hầm chữ A và các loại hầm kiên cố khác để ẩn nấp. Mỗi lần đi dạy học, chúng tôi phải đi dưới giao thông hào từ nhà trọ ra đến lớp. Lớp học được làm rất tạm bợ, phía trên trần lợp tranh, còn phía dưới đào sâu xuống với 12 hầm chữ A được bố trí chung quanh. Mỗi hầm chữ A chứa từ 2 đến 3 học sinh ngồi học. Trong giờ học, tôi đi từ hầm này đến hầm khác để truyền đạt kiến thức cho các em. Có những hôm, tôi huy động học sinh cùng giáo viên ra tiếp đạn cho bộ đội bắn máy bay Mỹ”, cô Thê xúc động nhớ lại. 

Ngày 28-11-1967, cô Thê chính thức được kết nạp Đảng. Với nhiệm vụ được giao, cô đưa đoàn học sinh hơn 200 em đi sơ tán ra khỏi vùng chiến sự ác liệt Vĩnh Linh đến định cư ở Thái Bình. Trong trí nhớ của cô, đó là một chiều đông mưa rơi nặng hạt ngày 29-12-1967, cô cùng các em nhỏ chừng 6 tuổi từ xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh đi bộ vào ban đêm ra huyện Bảo Ninh (Quảng Bình) để đón xe đi tiếp.

Tuy nhiên, khi ra đến Bảo Ninh thì đã 10 giờ đêm, các cô trò được bố trí trú ẩn trong những chiếc hầm chữ A, mỗi hầm chứa 9 cô và 1 trò. Dù đi bộ cả quãng đường dài gian nan, cực khổ nhưng cả đoàn phải thức dậy lúc 4 giờ sáng hôm sau để bộ đội cho thuyền đưa qua sông Nhật Lệ. Rồi sau đó, từ Quảng Bình, cả đoàn tiếp tục đi bộ ra Hà Tĩnh, mỗi người chỉ mang theo một nắm cơm.

“Khi ra đến Thanh Chương (Nghệ An) thì pháo từ ngoài biển cấp tập đưa vào. Các em nhỏ chưa bao giờ đi dép trước đó, nay đi dép cao su cà vào da thịt khiến chân bị bỏng nặng. Tôi nhớ, trong số đó có em Tăng rất yếu, tôi phải cõng em trên lưng, còn một tay ẵm balo trước ngực. Từ Thanh Chương, cả đoàn mới bắt xe đi tiếp ra Thái Bình và sau gần một tháng vượt quãng đường dài từ Vĩnh Linh mới ra đến nơi. Nhiều học sinh lớp 1 còn nhỏ, lại lần đầu tiên xa nhà nên nhớ bố mẹ khóc như ri. Đặc biệt, bé Hoa đêm nào cũng khóc và gọi mẹ đến rụng hết cả tóc, thương em, tôi phải liên lạc bố mẹ ra thăm. Cũng may, bố mẹ bé Hoa đang đi sơ tán ở Tân Kỳ, Nghệ An nên khoảng 4, 5 tháng sau thì ra đón bé về”, cô Thê rưng rưng kể.

Đến tháng 8-1972, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Linh điều cô Thê về Tân Kỳ công tác vì lúc đó có một số học sinh đi sơ tán theo bố mẹ ra ở đây. Đó là những ngày tháng vất vả, cực khổ khi cô vượt đường rừng, đi xe đạp băng qua trại tù binh Mỹ để xuống cơ sở. Chiến tranh khó khăn và thiếu thốn nhưng các thầy cô và học sinh luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, chăm lo đầy đủ. Các em được phân công vào các gia đình ở lại, mỗi gia đình nhận khoảng từ 2 đến 3 em. Khi mùa đông lạnh thì được phát áo bông, hằng tháng phát gạo để ăn.

Dạy học bằng trái tim yêu nghề, mến trẻ

Vào tháng 8-1977, cô Thê chuyển vào Đà Nẵng dạy học và được bổ nhiệm làm hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Chính, nay là Trường Tiểu học Trần Cao Vân. Kể từ đó, cô gắn bó với ngôi trường này với 26 năm làm hiệu trưởng. Trong 35 năm và 6 tháng làm nghề giáo, cô chưa bao giờ to tiếng hay nặng lời với học sinh, nhưng vẫn luôn giữ thái độ mẫu mực, nghiêm túc của người thầy.

Chia sẻ về nghề, cô Thê cho biết: “Trong quãng đời làm giáo dục, tôi tâm đắc nhất là rèn luyện nền nếp cho học sinh chấp hành các quy định của nhà trường. Điển hình là hình thành cho học sinh thực hiện nền nếp đi về theo tuyến đường. Để làm được điều này, nhà trường phải nắm rõ tất cả các học sinh của mình, em nào đi tuyến đường bên phải thì xếp hàng bên phải, em nào đi tuyến đường bên trái thì xếp hàng bên trái để phụ huynh dễ đưa đón và giảm ách tắc giao thông. Lớp nào có nền nếp tốt thì lớp đó học tập rất tốt, trường nào có nền nếp tốt thì chất lượng dạy học cũng rất cao”.

Theo cô Thê, ngày xưa có nhiều phong trào thi đua dạy học thực chất như phong trào “Đố vui để học”, “Thi an toàn giao thông” giữa các lớp và giữa trường này với trường khác; phong trào “Kể chuyện theo sách” cũng giúp các em hiểu sâu câu chuyện và nâng cao kỹ năng phát ngôn của mình. “Nếu được giảm tải chương trình dạy học cho các em, tôi nghĩ nên giảm bớt các môn mỹ thuật, âm nhạc. Thay vào đó, chỉ nên tổ chức cho các em học tự chọn theo môn năng khiếu. Ai có năng khiếu gì thì vào học lớp năng khiếu đó chứ không dạy đại trà. Sách giáo khoa trước đây cũng rất hay và mang tính nhân văn sâu sắc, do vậy, không nên thay đi đổi lại nhiều lần mà chỉ cần bổ sung những kiến thức còn thiếu. Khi đổi mới sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần lấy ý kiến của các cựu giáo chức đã từng trực tiếp giảng dạy nhiều năm để có những đóng góp sát với thực tiễn”, cô Thê đề xuất.

Không chỉ làm tốt công tác quản lý và dạy học văn hóa ở trường, cô Thê còn quan tâm phát hiện, bồi dưỡng và đào tạo năng khiếu cho học sinh. Cũng chính nhờ vậy mà phong trào thi đua của Trường Tiểu học Trần Cao Vân phát triển rất mạnh, năm nào cũng có nhiều học sinh đoạt giải thưởng các cấp. Đến bây giờ cô Thê vẫn nhớ như in cô bé học trò nhỏ có cái tên rất đẹp Băng Châu.

Băng Châu là con một gia đình nghèo, trong đó bố làm đường sắt, mẹ không có công ăn việc làm lại sinh thêm một em nhỏ. Tình cờ trong một lần đi xem chương trình thi mẫu giáo, cô Thê phát hiện Băng Châu có năng khiếu dẫn chương trình rất hay, rồi đón em về cho em học miễn phí và lấy tiền lương của mình giúp Băng Châu học bán trú mặc dù lúc đó gia đình cô cũng rất khó khăn… Đến nay, Băng Châu đã trở thành một cô giáo và thường xuyên đến thăm cô Thê vào các dịp lễ, Tết như một người thân thiết trong gia đình.

Hôm vừa rồi, cô Thê được sống lại giữa tình yêu thương của học trò lớp 9/1 ngày xưa khi cô còn dạy ở Trường THCS Nguyễn Trãi (có một thời điểm Trường Tiểu học Trần Cao Vân và Trường THCS Nguyễn Trãi nhập chung). Trong buổi họp lớp, không nén được xúc động, cô Thê đọc những vần thơ do mình ứng tác ngay lúc đó khiến cả lớp ai cũng rưng rưng: “Bão Noru qua rồi, bầu trời xanh trở lại/ Các em về như nắng mới, sáng ấm cả sân trường/ Nắm tay các em, cô bồi hồi xúc động/ Niềm vui hạnh phúc cứ dân trào/ Từ mái trường này, bao thế hệ đã ra đi/ Lớn khôn trưởng thành khắp năm châu bốn biển/ Mấy ai nhớ để trở về như lớp 9/1 hôm nay”.

Với nhiều năm cống hiến trong ngành giáo dục, cô Trần Thị Minh Thê được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của ngành giáo dục, UBND thành phố Đà Nẵng, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Trung ương Đoàn. Năm 1997, cô Thê vinh dự nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú và chuẩn bị nhận Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng. Nghỉ hưu vào năm 2001 nhưng cô Thê vẫn tham gia nhiều phong trào hoạt động ở địa phương: 18 năm làm Phó Bí thư Chi bộ, 2 năm làm Trưởng ban công tác Mặt trận khu dân cư Tân Lập 3A, phường Thanh Bình, quận Hải Châu và nhiều năm liền là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. 

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.